17/03/2020

MRI 3 Tesla có gì khác biệt so với MRI thông thường?

Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ là một trong những cơ sở hiếm hoi ở miền Tây đầu tư máy chụp MRI 3 Tesla thế hệ mới nhất ứng dụng trong chẩn đoán bệnh lý Thần kinh – Mạch máu. Bài viết này sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về quy trình và chi phí chụp MRI 3 Tesla.

I. Chụp MRI là gì?

MRI hay còn gọi là chụp cộng hưởng từ là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh sử dụng từ trường và sóng radio để tạo ra hình ảnh chi tiết các bộ phận được khảo sát. Khác với CT, chụp MRI không sử dụng bức xạ, không xâm lấn nên tương đối an toàn.

Máy dùng để chụp MRI gồm một nam châm lớn có đường hầm ở trung tâm. Người bệnh sẽ nằm trên một chiếc bàn có khả năng tự động trượt vào đường hầm này, khi chụp, sóng radio đập vào các vị trí từ của các nguyên tử trong cơ thể và phát ra tín hiệu, sau đó thu nhận lại tín hiệu bằng một ăng-ten mạnh rồi gửi đến máy tính. Tại đây, máy tính sẽ thực hiện hàng triệu phép tính để cho kết quả rõ ràng về các mặt cắt, giúp bác sĩ xác định các trục trặc và bất thường tại vị trí được khảo sát.

II. MRI 3 Tesla có gì khác so với MRI thông thường?

Người ta đánh giá khả năng chụp của máy MRI qua đơn vị tính là Tesla. Đơn vị đo lường này được sử dụng để mô tả cường độ của nam châm được sử dụng trong MRI. Độ mạnh của nam châm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của những hình ảnh đó. Từ trường càng mạnh, độ phân giải càng cao, hình ảnh càng sắc nét.

Trước đây, khi mới ra đời máy MRI khá yếu, chỉ có 0,3 – 0,5 Tesla mà thôi. Hiện nay, nhiều cơ sở y tế trong nước được trang bị máy MRI 1,5 Tesla nhưng với máy MRI 3 Testla (MRI 3T) thì vẫn chưa được đầu tư nhiều, trong khi loại máy này có nhiều ưu điểm.

Cụ thể, MRI 3T với từ trường cao hơn cho phép máy khảo sát nhanh hơn, tái tạo hình ảnh 3D, chi tiết giải phẫu tốt hơn do đó các tổn thương dễ dàng phát hiện hơn. Đặc biệt, trong khảo sát hệ thống mạch máu não, chụp MRI 3T không cần dùng thuốc cản từ mà vẫn có thể quan sát rõ bó sợi thần kinh, kiểm tra độ tưới máu não nên độ xâm lấn bằng 0.

Hệ thống chụp MRI 3T tại Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ

III. Công dụng của MRI 3 Tesla?

MRI 3T là lý tưởng để chụp ảnh xương nhỏ, MRI vú, MRI cơ xương, MRI thần kinh và MRI mạch máu. Hiện ở nước ta chưa có nhiều cơ sở y tế đầu tư hệ thống chụp MRI 3T do chi phí đắt đỏ. Một trong số đó có thể kể đến Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Quân đội 108, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, Bệnh viện Tân Hưng…

Đặc biệt, tại 13 tỉnh miền Tây hiện nay chỉ có Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch ở Cần Thơ là được trang bị máy MRI 3T thế hệ mới nhất với rất nhiều chức năng, trong đó ứng dụng quan trọng nhất là trong hệ thần kinh, mạch máu.

Thông qua hình ảnh của MRI 3T giúp bác sĩ chẩn đoán, phát hình một loạt tình trạng bệnh lý của não như phù nề, xuất huyết, có khối u, nang, bất thường về cấu trúc, bệnh nhiễm trùng, viêm, vấn đề về mạch máu, tuyến yên, thân não. Ngoài ra, MRI 3T còn hữu ích trong việc đánh giá các vấn đề khác như đau đầu hoặc chóng mặt kéo dài, yếu hoặc liệt cơ, suy giảm thị lực hoặc động kinh, phát hiện các bệnh lý hệ thần kinh mãn tính.

Hơn nữa, MRI 3T là phương tiện quan trọng và cần thiết tại Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ trong chẩn đoán đột quỵ cấp vì không cần dùng thuốc cản từ vẫn có thể thấy được mạch máu não và đánh giá chính xác vùng nhồi máu não, cũ – mới, tranh tối tranh sáng… Từ đó giúp bác sĩ quyết định có nên điều trị các trường hợp đến muộn sau 6 giờ hay không.

>>> Có thể bạn quan tâm: Kinh nghiệm tầm soát đột quỵ tại Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ

IV. Quy trình chụp MRI 3 Tesla tại Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ

Phòng chụp MRI 3T nằm trong khoa Chẩn đoán Hình ảnh – Thăm dò chức năng đặt tại tầng trệt của bệnh viện

Bước 1: Đặt lịch hẹn khám qua tổng đài 1800 1115, cung cấp các thông tin cần thiết như họ và tên; ngày và giờ khám; nhu cầu khám… Ngoài ra, tổng đài của bệnh viện cũng sẽ hỗ trợ đặt lịch khám theo yêu cầu với chuyên gia mà bạn mong muốn. Sau đó, bộ phận chăm sóc khách hàng của bệnh viện sẽ xác nhận thông tin, đồng thời gửi tin nhắn qua điện thoại về thời điểm khám như bạn yêu cầu. Trước ngày khám, để bạn không quên lịch hẹn, nhân viên bệnh viện cũng sẽ liên hệ lại với bạn để xác nhận.

Bước 2: Đến bệnh viện trước giờ hẹn 15 phút. Đến quầy chăm sóc khách hàng đặt tại tầng trệt lấy số và phiếu thông tin.

Bước 3: Điền thông tin cá nhân (họ và tên, giới tính, ngày tháng năm sinh, số điện thoại người khám, địa chỉ, số điện thoại người cần liên hệ).

Bước 4: Tại quầy tiếp nhận sẽ có bác sĩ tư vấn cho bạn về việc có cần chụp MRI hay không hoặc tùy theo các triệu chứng bạn gặp phải để hướng dẫn các xét nghiệm có thể cần làm thêm. Nếu bạn đồng ý thực hiện sẽ đóng phí tại quầy tiếp nhận ở tầng trệt (gần khu vực bác sĩ tư vấn).

Bước 5: Đo huyết áp, chiều cao, cân nặng.

Bước 6: Đến khoa Chẩn đoán hình ảnh – Thăm dò chức năng (kế bên khu tiếp nhận). Đi thẳng vào trong hết đường rẽ phải bạn sẽ thấy phòng chụp MRI. Thường sẽ có nhân viên y tế hướng dẫn nên bạn có thể yên tâm.

Bước 7: Thay đồ bệnh viện và làm theo các hướng dẫn chụp MRI của kỹ thuật viên. Thời gian chụp MRI khoảng 15-20 phút, tùy theo tình trạng sức khỏe của bạn. Thời gian trả kết quả khoảng 30 – 60 phút (nếu hội chẩn cần 60 – 120 phút).

Bước 8: Bạn nhận kết quả ngay tại phòng chụp MRI theo thời gian ghi trên giấy hẹn.

Bước 9: Bạn đến gặp bác sĩ Thần kinh – Đột quỵ tại phòng khám số 10, 11 hoặc 4 để được giải thích các kết quả, hướng dẫn cụ thể.

Bước 10: Lấy thuốc và ra về, tái khám theo hẹn (nếu có).

Sau khi có kết quả chụp MRI, bạn đọc đến phòng khám Thần kinh – Đột quỵ gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn, giải thích kết quả.

V. Chuẩn bị gì trước khi chụp MRI 3 Tesla tại Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ?

Tương tự như chụp MRI thông thường, chụp MRI 3T bạn không cần chuẩn bị gì, kể cả việc nhịn ăn, nhịn uống, nhưng nên lắng nghe và thực hiện các hướng dẫn của kỹ thuật viên.

Trước khi chụp MRI nên tháo răng giả (nếu răng sứ thì không cần tháo), dụng cụ chỉnh nha, các loại trang sức như vòng nhẫn, dây chuyền, bông tai, đồng hồ đeo tay, chìa khóa, kim bấm, túi xác hoặc mắt kính có gắn kim loại, thẻ tín dụng, thẻ ATM, chìa khóa từ bởi chúng có thể bị cỗ máy hút mạnh. Ngoài ra, nếu bạn có tiếp xúc với bụi kim loại từ các hoạt động như mài, cắt trong quá trình làm việc hoặc bạn đang có các vật liệu kim loại trong cơ thể do chấn thương cũng cần thông báo với kỹ thuật viên.

Bên cạnh đó, bạn nên thông báo với kỹ thuật viên nếu bạn có máy tạo nhịp nhân tạo, máy khử rung, máy trợ thính, các kẹp mạch máu não, van tim nhân tạo…

Các chị em phụ nữ lưu ý, nếu có làm đẹp bằng mi giả nam châm (loại mi giả tương đối phổ biến, kể cả ở Việt Nam, chúng được cố định bằng hai dải nam châm cực nhỏ) thì cũng cần tháo ra trước khi chụp MRI hoặc hỏi ý kiến các kỹ thuật viên để được tư vấn cụ thể.

Các vật dụng cá nhân bạn có thể nhờ người thân cầm giúp hoặc lưu trữ trong khu vực thay đồ phòng chụp MRI có tủ khóa riêng cho mỗi bệnh nhân. Chìa khóa tủ của bạn sẽ treo ngay phía trước cửa vào phòng chụp MRI.

Nên đi tiểu trước khi vào chụp MRI, vì nhiệt độ phòng tương đối thấp, thời gian chụp lâu có thể khiến bạn có nhu cầu đi vệ sinh trong khi chụp.

Phụ nữ mang thai, cho con bú, trẻ em đều có thể chụp MRI 3T miễn là có chỉ định. Nhưng lưu ý với chị em đang cho con bú, sau khi chụp MRI 1 tiếng hãy vắt bỏ sữa đó đi, 24 giờ sau mới được cho bé bú.

Đối với trẻ nhỏ, bác sĩ hoặc kỹ thuật viên tại Bệnh viện Đột quỵ Cần Thơ sẽ tạo tâm lý tốt để trẻ hợp tác. Nhưng nếu không hiệu quả, bác sĩ sẽ thực hiện tiêm thuốc tiền mê. Như vậy, với trẻ nhỏ các bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể hơn với các bậc phụ huynh về quá trình chuẩn bị (có thể cần nhịn ăn trong vòng ít nhất 6 tiếng trước khi chụp).

VI. Lưu ý trong quá trình chụp MRI 3 Tesla

Mặc dù chụp MRI 3T không cần tiêm thuốc cản từ, nhưng trong một số trường hợp bắt buộc chỉ định tiêm thuốc này như phát hiện khối u choán chỗ hoặc có các dấu hiệu bất thường như viêm hoặc khảo sát phân biệt u hay phình…

Tại Bệnh viện Đột quỵ Cần Thơ có 2 cách bơm thuốc. Một là kỹ thuật viên bơm thuốc bằng tay, được tiêm vào tĩnh mạch tại vùng cẳng tay hoặc cổ tay, thời gian tiêm có thể từ 1 đến 2 phút. Hai là bơm tự động bằng máy kết nối với hệ thống chụp MRI, kỹ thuật viên ngồi bên ngoài và điều khiển cho máy bơm thuốc trực tiếp, tác dụng của việc bơm thuốc cản từ bằng máy là thời gian tác dụng nhanh, đều.

Trong phòng chụp, kỹ thuật viên sẽ hướng dẫn bạn nằm trên bàn máy, các vùng cơ thể sẽ được lót bởi những gối kê có hình dạng chuyên biệt để giúp nằm thỏai mái và không nhúc nhích trong khi chụp.

Chiếc lồng chụp trên đầu trong quá trình chụp MRI đôi khi sẽ khiến một số người hoảng sợ, nhưng bạn cần biết rằng kỹ thuật này không gây đau. Tiếng ồn phát ra do hiện tượng cộng hưởng là điều bình thường. Bạn sẽ được đeo tai nghe nhạc để giảm bớt tiếng ồn cũng như những giai điệu quen thuộc cũng hữu ích trong việc giảm cảm giác sợ hãi.

Trong quá trình chụp, nếu khó chịu hãy bóp bóng ngay tay để được kỹ thuật viên hỗ trợ. Ngoài ra, bạn vẫn có thể nói chuyện với kỹ thuật viên qua hệ thống loa và micro gắn trên máy. Hơn nữa, máy MRI còn có hình ảnh phản chiếu để bạn nhìn thấy các kỹ thuật viên đang thực hiện công việc bên ngoài và luôn quan sát các cử động, lắng nghe âm thanh từ bạn. Điều này sẽ giúp bạn yên tâm hơn rất nhiều.

Chụp MRI não bạn không cần phải nín hơi thở trong thời gian ngắn. Điều quan trọng là bạn nên giữ yên cơ thể trong lúc chụp. Như đã nói ở trên, máy MRI 3 T độ nhạy cao, do đó trong quá trình chụp đầu bạn cần cố gắng giữ nguyên, không động đậy để hình ảnh rõ nét.

Các kỹ thuật viên sẽ quan sát người bệnh bên ngoài, nếu có yêu cầu sẽ hỗ trợ ngay lập tức

Nhiều bạn đọc AloBacsi lo lắng phòng chụp MRI không được mang các vật dụng kim loại bên ngoài vào nên khâu vệ sinh không đảm bảo, dễ bị lây nhiễm chéo từ người bệnh khác. Tuy nhiên, bạn có thể yên tâm vì mặc dù không được các vật dụng kim loại bên ngoài vào nhưng bệnh viện vẫn đảm bảo khâu vệ sinh máy móc bằng các dụng cụ đảm bảo yêu cầu của phòng MRI, các thiết bị được vô trùng theo đúng tiêu chuẩn.

Mặt khác, trong mùa dịch bệnh COVID-19 đang hoành hành, khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn của Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ đã lên các phương án dự phòng, thường xuyên kiểm tra, lau dọn tay nắm cửa, thang máy… bằng dung dịch tiệt trùng.

VII. Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ có chụp MRI vào cuối tuần?

Bệnh viện làm việc từ thứ 2 – thứ 7, từ 7g – 16g30 nhưng hiện có triển khai dịch vụ chụp MRI vào ngày chủ nhật để phục vụ nhu cầu của người bệnh.

Phim MRI là tài sản cá nhân của mỗi người bệnh, nó là cơ sở để các bác sĩ tham khảo, đối chiếu với các hình mới chụp. Bạn có thể giữ lại bao lâu tùy ý.

Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ đã trang bị hệ thống phần mềm lưu trữ hình ảnh của bệnh nhân. Khi bệnh nhân tái khám (trong trường hợp phát hiện bất thường), không cần lỉnh kỉnh mang nhiều giấy tờ, chỉ cần nói tên là bệnh viện có thể truy xuất được hồ sơ cũ và hình ảnh của bệnh nhân trên máy tính.

Ngoài ra, bệnh viện có trích xuất CD phim chụp MRI cho người bệnh, nếu bạn có nhu cầu hãy hỏi kỹ thuật viên để được cung cấp.

VII. Chi phí chụp MRI tại Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ?

Chi phí chụp MRI tại Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ khoảng 3,9 triệu đồng (không thuốc cản từ), nếu có thuốc cản từ khoảng 5 triệu đồng. Dịch vụ này không được BHYT thanh toán.

VIII. Địa chỉ và số điện thoại liên hệ Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ

Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ (hay còn gọi là Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ)
397 Nguyễn Văn Cừ nối dài, An Bình, Ninh Kiều, Cần Thơ
ĐT: 1800 1115

Tin tức gần đây