Bệnh đột quỵ không chỉ là nỗi ám ảnh đối với người lớn tuổi mà còn đối với nhiều người trẻ, khi “bất thình lình” cũng mắc căn bệnh này. Vậy làm sao để biết mình có đang là đối tượng nguy cơ cao dễ mắc đột quỵ, bài viết này sẽ giúp bạn có câu trả lời.

1. Người mắc bệnh tăng huyết áp

Huyết áp cao là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh về mạch máu. Huyết áp cao làm gia tăng áp lực lên thành mạch máu dẫn đến tình trạng xơ vữa mạch máu, những mảng xơ vữa này lâu ngày sẽ góp phần hình thành nên huyết khối (cục máu đông) đi khắp các mạch máu trong cơ thể, nếu cục máu đông này trôi lên não, dẫn đến tắc mạch máu não gây ra đột quỵ nhồi máu não.

Khi gia tăng quá mức, thành mạch có thể bị vỡ, gây ra đột quỵ xuất huyết não. Có đến 90% trường hợp đột quỵ xuất huyết não có liên quan đến tăng huyết áp. Nếu bạn đang mắc bệnh tăng huyết áp, hãy sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, tránh tình trạng “tăng thì uống, hạ thì ngừng”, điều này sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe của bản thân. Để biết bản thân có mắc bệnh tăng huyết áp hay không chỉ bằng một cách rất dễ dàng chính là đo huyết áp thường xuyên.

2. Người mắc các bệnh liên quan đến tim mạch

Người mắc các bệnh lý về tim mạch như rối loạn nhịp tim, bệnh động mạch vành, rung nhĩ… là đối tượng thứ 2 có nguy cơ bị đột quỵ. Người mắc các bệnh lý này, tình trạng tim thường co bóp bất thường, lâu ngày chúng dễ hình thành các cục máu đông trong buồng tim. Khi cục máu đông thoát ra khỏi buồng tim, chúng có thể di chuyển đến nhiều nơi khác trong cơ thể, nếu đi đến não sẽ dẫn tắc nghẽn mạch máu não, gây đột quỵ nhồi máu não.
Các vấn đề về tim mạch là yếu tố nguy cơ cao dẫn đến đột quỵ nhồi máu não

7 bệnh tim mạch thường gặp và các triệu chứng điển hình

3. Người mắc bệnh Đái tháo đường

Bạn có biết, người bị đái tháo đường có nguy cơ đột quỵ cao hơn từ 2- 4 lần so với người bình thường?
Đái tháo đường là một bệnh mạn tính, không lây nhiễm cho người khác, thường diễn tiến âm thầm và dễ dẫn đến tổn thương các cơ quan như tim, não, mắt, thận…

Ở người mắc bệnh đái tháo đường, hiện tượng đường huyết tăng cao, theo thời gian chúng sẽ làm quá trình xơ vữa mạch máu diễn ra nhanh hơn người bình thường, hình thành cục máu đông trong lòng động mạch hay mảng xơ vữa gây bít tắc lòng mạch, cản trở lượng máu giàu oxy đến nuôi não.

Mảng xơ vữa này không chỉ gây tổn thương não, khi xuất hiện ở tim gây nhồi máu cơ tim, cơn đau thắt ngực.
Kiểm soát đường huyết ổn định là cách để giảm thiểu biến chứng ở người đái tháo đường

Tổng quan bệnh đái tháo đường: nguyên nhân, dấu hiệu, biến chứng và cách  điều trị - Bệnh viện quận 11

4. Người bị rối loạn mỡ máu (Mỡ máu cao)

Mỡ máu cao có thể phá hủy các “lớp áo” trong của mạch máu, gây ra mảng xơ cứng bám vào các mạch máu, cản trở việc lưu thông, cung cấp máu lên não. Thời gian dài sẽ gây ra tình trạng hẹp hoặc tắc nghẽn mạch máu, dẫn đến đột quỵ nhồi máu não.
Mỡ máu là thành phần không thể thiếu của cơ thể, vì thế chúng ta không thể loại bỏ mỡ máu mà có thể kiểm soát nó ở mức bình thường, để giảm nguy cơ dẫn đến các bệnh lý liên quan khác, trong đó có đột quỵ.
Sự tích tụ mảng bám khiến bên trong động mạch bị thu hẹp theo thời gian. Quá trình này được gọi là xơ vữa động mạch.

5. Người uống nhiều bia rượu

Chắc hẳn, bạn đã biết một loạt các tác hại phải kể đến khi lạm dụng rượu bia là tác động xấu đến huyết áp, gây ra các bệnh lý về thần kinh, tim mạch, xơ gan, ung thư gan…
Nhưng bạn có biết, người thường xuyên sử dụng rượu bia có nguy cơ mắc đột quỵ cao hơn so với người không sử dụng rượu bia?
Bởi bia rượu tác động xấu lên hệ tim mạch, người uống rượu bia quá nhiều tim có thể bị giãn nở to hơn tim người bình thường, song kém chức năng (bệnh cơ tim giãn nở), khả năng bơm máu kém dễ gây ra đột quỵ.

Hãy học cách từ chối bia rượu!

6. Người hút thuốc lá

Hút thuốc lá là yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ và các bệnh lý xơ vữa mạch máu.
Ngoài nguy cơ ung thư phổi- bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) đã được biết đến từ lâu, người thường xuyên hút thuốc lá sẽ gây viêm trong mạch máu, làm tăng nhanh quá trình xơ vữa mạch máu, dễ hình thành cục máu đông.

Mảng xơ vữa này khiến lòng mạch máu ngày càng hẹp lại hoặc bít tắc hoàn toàn, từ đó dòng máu không thể cung cấp oxy và dưỡng chất đến các cơ quan.

Theo nghiên cứu, người hút thuốc lá có nguy cơ mắc đột quỵ gấp 3 lần so với người bình thường, ngoài ra thuốc lá còn làm gia tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, nhồi máu thận hoặc tắc cấp tính các mạch chi dưới, thậm chí phải cắt cụt chi nếu không kịp thời xử lý.
Từ bỏ thuốc lá ngay bây giờ!

5 phương pháp cai thuốc lá tự nhiên sẽ thành công với bạn | Tạp chí Tuyên  giáo

7. Người thường xuyên căng thẳng stress

Khi áp lực công việc cùng với chế độ sinh hoạt thiếu lành mạnh như thức khuya mất ngủ kéo dài, ăn uống không điều độ… dễ gây ra tình trạng như đau đầu, căng thẳng, stress…

Khi căng thẳng quá mức sẽ làm tăng huyết áp, tăng đường huyết, nếu trong thời gian dài sẽ làm gia tăng nguy cơ đột quỵ ở mọi người, đặc biệt là ở người trẻ tuổi.

Vì vậy hãy tập cho mình lối sống lành mạnh, thư giãn là góp phần năng cao chất lượng cuộc sống và sức khỏe bạn nhé.

Cân bằng cuộc sống và tĩnh tại tâm hồn, sẽ giúp bạn nâng cao chất lượng sống tinh thần!

8. Người có tiền căn gia đình mắc đột quỵ

Người có người thân trong gia đình từng bị đột quỵ như Ông Bà, Cha Mẹ ruột… sẽ có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn do ảnh hưởng thói quen sống hoặc yếu tố di truyền.

Vì vậy, nếu trong gia đình có người chẳng may mắc đột quỵ, bạn hãy quan tâm đến sức khỏe của mình bằng cách thường xuyên khám sức khỏe định kỳ từ 6 tháng 1 năm/ lần nhé!

9. Người đã từng bị đột quỵ

Có phải bạn đang nghĩ rằng “người đã đột quỵ rồi thì không sợ đột quỵ nữa” đây là suy nghĩ sai lầm.

Theo ước tính có đến 40% trường hợp đột quỵ sẽ tái phát trong 5 năm tiếp theo và người đã từng bị đột quỵ thì khả năng tái phát đột quỵ của họ cao gấp 7 lần người thường.

Vì thế, nếu người thân bạn đã từng bị đột quỵ, hãy dành thời gian quan tâm và chăm sóc họ nhé, bởi đột quỵ có quay lại hay không? đột quỵ quay lại sớm hay muộn? phụ thuộc vào việc tìm nguyên nhân gây đột quỵ và người bệnh kiểm soát được các yếu tố nguy cơ và tuân thủ điều trị tốt hay không.

Ngoài các yếu tố nguy cơ trên, thì yếu tố tuổi tác, giới tính và thừa cân béo phì cũng góp phần gia tăng nguy cơ đột quỵ.

Đột quỵ có thể xảy ra bất kỳ lúc nào và không loại trừ một ai, hãy quan tâm đến bệnh đột quỵ ngay bây giờ bạn nhé!

Nếu có những thắc mắc hoặc cần tư vấn thêm bạn có thể vui lòng liên hệ cho chúng tôi theo tổng đài các chuyên viên của chúng tôi luôn sẵn lòng hỗ trợ.

Tổng đài tư vấn & đặt lịch:  1800 1115

Kim Cương – Tham vấn Y khoa TS.BS Trần Chí Cường

Tin tức gần đây