ThS.BS Nguyễn Anh Trung – Trưởng khoa Ngoại cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ hướng dẫn bạn đọc AloBacsi cách lựa chọn dung dịch rửa vết thương hở và hiểu rõ hơn tính chất của từng dung dịch sát khuẩn.
Dung dịch cồn 70 độ, 90 độ
Là dung dịch sát khuẩn thông dụng, an toàn, thường được sử dụng sát khuẩn bề mặt da khi tiêm thuốc, vaccine… Khi dùng không cần pha loãng, tuy nhiên khi sử dụng các dung dịch này sẽ làm vùng da bôi lên bị khô, kích ứng da khi dùng nhiều lần.
Dung dịch oxy già (Hydrogen peroxyd)
Các loại dung dịch này được bán ở các nồng độ: 6%, 3%, 1,5%. Hiện nay dung dịch này được dùng rất phổ biến và chủ yếu để rửa vết thương nhiễm trùng, giập nát nhiều, có dị vật… Nhưng chỉ được sử dụng trong giai đoạn sớm cần rửa trôi hết các dị vật dơ, mô dập nát… Hạn chế sử dụng khi vết thương đang lành tốt.
Đôi khi nó còn được dùng để súc miệng. Tuy nhiên với dung dịch oxy già cần chú ý, tùy vào loại vết thương mà sử dụng với nồng độ khác nhau vì nếu sử dụng dung dịch oxy già với nồng độ cao và thường xuyên có thể làm tổn thương tế bào lành, làm vết thương nặng hơn.
Nước muối sinh lý (NaCl 0,9%)
Nước muối sinh lý có tính sát khuẩn tốt, an toàn và không gây tổn thương tế bào lành hay gây nhiễm độc như cồn iod. Có thể được dùng rộng rãi cho mọi loại vết thương và dùng phối hợp với các thuốc sát khuẩn khác như oxy già hay povidine.
Povidone iodine
Là dung dịch rửa vết thương thông dụng nhất, kháng khuẩn hiệu quả, ít gây độc tế bào, có thể sử dụng cho mọi loại vết thương. Tuy nhiên, hấp thụ iod có khả năng gây ra một số tác dụng phụ đáng kể. Các sản phẩm thương mại của povidine chứa một số chất tẩy, ảnh hưởng quá trình lành vết thương. Do đó, khi rửa trực tiếp vết thương hở nên pha loãng hoặc nên rửa lại với nước cất hoặc nước muối sinh lý sau khi dùng povidone iodine.
Lựa chọn dung dịch rửa vết thương
Tùy theo từng loại vết thương và từng giai đoạn lành vết thương mà lựa chọn dung dịch rửa vết thương thích hợp:
– Vết thương nhỏ, nông, sạch, đơn giản: rửa bằng nước muối sinh lý, cồn 700, povidine pha loãng. Thường không cần khâu và có thể xử trí tại nhà.
– Vết thương sạch hoặc vết mổ sạch: rửa vết thương bằng nước muối sinh lý hoặc povidine pha loãng, có thể khâu kín vết thương.
– Vết thương nhiễm trùng, có dị vật dơ, giập nát mô mềm nhiều: cần rửa nhiều lần với nước muối sinh lý, povidine và cả oxy già. Sau khi rửa sạch cần được cắt lọc kỹ và để hở vết thương. Những trường hợp này nên được xử trí tại các cơ sở y tế, không nên tự xử trí vết thương tại nhà.
Bạn đọc có thể tham khảo link sau để đọc bài tư vấn đầy đủ: ThS.BS Nguyễn Anh Trung: Chăm sóc vết thương hở đúng cách?
Hồng Nhung – Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi.com