Đột quỵ thường được coi là “bệnh của người già”, nhưng thực tế cho thấy tỷ lệ đột quỵ đang không ngừng gia tăng và ngày càng trẻ hóa. Đặc biệt là ở những người trẻ có lối sống không lành mạnh hoặc mắc các bệnh lý tiềm ẩn. Vậy nguyên nhân gây đột quỵ ở người trẻ là gì?

Theo TS.BS Trần Chí Cường – Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TP.HCM, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ, nguyên nhân gây đột quỵ ở người trẻ có thể chia thành hai nhóm chính:

Nhóm nguyên nhân về lối sống thói quen, gồm:

  • Thuốc lá: Như chúng ta đã biết, từ lâu hút thuốc không chỉ gây tổn hại phổi mà còn là kẻ thù của hệ thống mạch máu toàn cơ thể. Chất nicotine trong thuốc lá gây co thắt mạch máu, xơ vữa mạch máu làm giảm lưu thông máu, gây tắc nghẽn mạch máu, điều này sẽ làm gia tăng nguy cơ đột quỵ. Đáng lo ngại là hiện nay, nhiều người trẻ hút thuốc (gồm thuốc lá điện tử) như một cách để “xả stress” mà chưa nhận thức đúng đủ những nguy hiểm mà thuốc lá gây ra.
  • Lạm dụng rượu bia và chất kích thích: Rượu, bia và chất kích thích là những yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng đến hệ tim mạch và mạch máu não.
  • Ít vận động và béo phì: Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng người trẻ ngày càng ít vận động, lối sống tĩnh tại thụ động, chế độ ăn nhiều dầu mỡ, đường, dẫn đến béo phì – một yếu tố nguy cơ cao gây đột quỵ.
  • Căng thẳng và stress: Căng thẳng kéo dài là kẻ “thầm lặng” làm tăng nguy cơ đột quỵ, không chỉ ở người lớn mà cả người trẻ. Stress làm gia tăng lượng hormone gây kích thích, khiến mạch máu co lại và làm tăng huyết áp. Việc đối mặt với quá nhiều áp lực công việc, học tập… có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch và làm tăng nguy cơ đột quỵ mà nhiều người trẻ không nhận ra.

Nhóm nguyên nhân bệnh lý nền và yếu tố di truyền, gồm:

Đột quỵ ở người trẻ không chỉ liên quan đến lối sống mà còn có thể bắt nguồn từ các vấn đề sức khỏe bẩm sinh hoặc di truyền. Các bệnh lý như rối loạn đông máu, dị tật tim mạch, dị tật dị dạng mạch máu não, hoặc huyết áp cao di truyền có thể là nguyên nhân gây đột quỵ ở người trẻ.

  • Rối loạn đông máu: Đây là bệnh lý khiến máu dễ đông lại hơn bình thường. Khi cục máu đông hình thành và di chuyển lên não, nó có thể gây tắc nghẽn mạch máu, dẫn đến đột quỵ nhồi máu não.
  • Bệnh tim bẩm sinh: Các dị tật tim như thông liên nhĩ hoặc hẹp van tim có thể tạo điều kiện cho cục máu đông hình thành trong tim, sau đó di chuyển lên não và gây đột quỵ.
  • Dị tật dị dạng mạch máu não: Đây là nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ xuất huyết não ở người trẻ. Nguyên nhân là do dị tật bẩm sinh hoặc đột biến trong quá trình hình thành bào thai, dẫn đến các dị dạng trên hệ thống mạch máu não.
  • Huyết áp cao không kiểm soát tốt: Mặc dù huyết áp cao thường phổ biến ở người già, nhưng hiện nay rất nhiều người trẻ bị tăng huyết áp do di truyền hoặc do lối sống ít vận động, chế độ ăn uống không hợp lý và căng thẳng kéo dài. Huyết áp cao không được kiểm soát tốt làm tổn thương mạch máu não, dễ dẫn đến tắc nghẽn hoặc vỡ mạch máu.

Chia sẻ từ chuyên gia

Theo TS.BS Trần Chí Cường, trước đây, phần lớn những trường hợp đột quỵ ở người trẻ chủ yếu là đột quỵ xuất huyết não do dị tật dị dạng mạch máu não. Tuy nhiên, gần đây, đột quỵ trẻ lại chuyển sang thể nhồi máu não nhiều hơn, cho thấy bệnh lý nền ở người trẻ chưa được kiểm soát tốt. Đặc biệt, sau thời gian đại dịch COVID-19, có thêm một thể đột quỵ người trẻ, đó là đột quỵ do huyết khối các tĩnh mạch nội sọ. Ngoài ra, một số trường hợp đột tử do nguyên nhân tim mạch như ngừng tim đột ngột do rối loạn nhịp tim hoặc nhồi máu tim cấp, cũng xảy ra ở người trẻ nhiều hơn.

Như vậy, đột quỵ không còn là “bệnh của người già” hay “trời kêu ai nấy dạ” mà có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào, đặc biệt trong xã hội hiện đại, khi mà các thói quen không lành mạnh, căng thẳng, stress, cùng với bệnh lý tiềm ẩn chưa được phát hiện, khiến người trẻ dễ đối mặt với đột quỵ.

Do đó, các chuyên gia khuyến cáo việc thay đổi thói quen sống, kiểm tra sức khỏe định kỳ và chăm sóc bản thân là những biện pháp đơn giản, hiệu quả để ngăn ngừa đột quỵ xảy ra trong tương lai.

Kim Cương, ảnh: Tuấn Anh

Bệnh đột quỵ: Dấu hiệu, yếu tố nguy cơ, và cách phòng ngừa hiệu quả

Tin tức gần đây