Các triệu chứng của cơn thiếu máu não thoáng qua được xem là dấu hiệu cảnh báo sớm của đột quỵ. Tuy nhiên, do thiếu kiến thức đúng đắn về đột quỵ, phần lớn người bệnh thường bỏ qua những dấu hiệu này. Bài viết dưới đây sẽ giải đáp cụ thể hơn về triệu chứng, nguyên nhân và cách phòng ngừa cơn thiếu máu não thoáng qua.
Bài viết được tham vấn y khoa bởi TS.BS Trần Chí Cường
- Chủ tịch Liên chi Hội Can thiệp Thần kinh TP.HCM
- Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ
Cơn thiếu máu não thoáng qua là gì?
Thiếu máu não thoáng qua (TIA) thường được coi là một dạng đột quỵ nhẹ. Các triệu chứng của cơn thiếu máu não thoáng qua bao gồm:
- Đột ngột xây xẩm, chóng mặt, choáng váng, hoặc mờ mắt thoáng qua.
- Đột ngột cảm thấy buồn nôn, mệt mỏi, hoặc bị ngất xỉu.
- Đột ngột cảm thấy tức ngực, khó thở, và tim đập nhanh hơn bình thường.
- Đột ngột có cơn tê yếu nửa người thoáng qua, không thể cầm nắm đồ đạc.
- Đột ngột khó nói, đớ lưỡi, méo miệng.
Người bệnh mô tả cơn thiếu máu não thoáng qua ra sao?
Thiếu máu não thoáng qua thường được miêu tả qua các triệu chứng chóng mặt và yếu tay chân. Cơn chóng mặt này sẽ kèm theo các triệu chứng điển hình như tê yếu tay chân nửa bên cơ thể, và giọng nói đớ (không kiểm soát được giọng nói).
Nhiều bệnh nhân kể rằng họ đang nói chuyện bình thường nhưng sau đó bỗng dưng bị nói đớ, hoặc gọi tên một đồng nghiệp nhưng lại sai tên. Cơn chóng mặt này có thể kèm theo mất ý thức thoáng qua, tức là bệnh nhân đang kiểm soát cơ thể bình thường nhưng đột ngột té ngã, sau đó phục hồi trong vài giây.
Ngoài ra, một số bệnh nhân không nói với bác sĩ là bị yếu tay, yếu chân nhưng mô tả rằng họ đang ăn cơm bình thường, bỗng dưng làm rơi đũa hoặc rơi chén, hoặc cầm viết bình thường nhưng đột ngột viết nguệch ngoạc, chữ rất xấu, không kiểm soát được tay. Đây là dấu hiệu điển hình của cơn thiếu máu não thoáng qua.
Chóng mặt và xây xẩm đôi khi được mô tả như tình trạng “tối sầm mắt”, giống như một căn phòng bị cúp điện đột ngột, sau đó tự động có điện trở lại và mắt nhìn thấy bình thường trở lại. Đây cũng là dấu hiệu của cơn thiếu máu não thoáng qua.
Nếu ai đó có 3-4 dấu hiệu kết hợp của cơn thiếu máu não thoáng qua, ta có thể xác định đó là dấu hiệu của tiền đột quỵ, có thể dẫn đến đột quỵ thực sự.
Có cơn thiếu máu não thoáng qua là có thể xảy ra đột quỵ trong tương lai?
Hầu hết các triệu chứng của cơn thiếu máu não thoáng qua chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn (vài giây, vài phút hoặc tối đa là 24 giờ) và thường hồi phục nhanh chóng, khiến người bệnh chủ quan và nghĩ rằng chúng không nguy hiểm. Tuy nhiên, thống kê cho thấy khoảng 80% bệnh nhân có cơn thiếu máu não thoáng qua sẽ phát triển thành đột quỵ thực sự trong vòng 6 tháng (ví dụ, trong số 100 người có dấu hiệu của cơn thiếu máu não thoáng qua, 80 người sẽ bị đột quỵ thực sự).
Nguyên nhân gây ra cơn thiếu máu não thoáng qua có thể là do tắc nghẽn mạch máu. Ví dụ: bệnh nhân bị tắc nghẽn mạch máu 90%, bệnh nhân có thể không phải đợi 6 tháng mà chỉ trong vài giờ sau cơn thiếu máu não, đột quỵ thực sự có thể xảy ra và nghiêm trọng hơn, có thể dẫn đến hôn mê.
Vì vậy, thay vì sử dụng cụm từ “thiếu máu não thoáng qua”, chúng ta nên nói là “tiền đột quỵ” hoặc “đột quỵ nhẹ”, để mọi người nhận thức rõ rằng đột quỵ nhẹ có thể tiến triển thành đột quỵ nặng.
Bác sĩ chẩn đoán & điều trị cơn đột quỵ nhẹ như thế nào?
Khi bệnh nhân đến phòng cấp cứu với dấu hiệu đột quỵ nhẹ, bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán nhanh chóng. Các xét nghiệm hình ảnh có thể bao gồm CT, MRI, siêu âm tim… Bệnh nhân cũng có thể được làm xét nghiệm máu, đo điện tim… để xác định tình trạng.
Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ, với hệ thống trang thiết bị hiện đại như 4 máy MRI 3 Tesla, 2 máy CT, 3 máy DSA, và hệ thống máy móc hiện đại khác… bệnh viện có thể phát hiện sớm các bất thường liên quan đến não, mạch máu não, nhồi máu não hay xuất huyết não, nhồi máu cơ tim cấp…
Tùy theo nguyên nhân, bác sĩ sẽ có chiến lược điều trị phù hợp. Nếu phát hiện bệnh nhân bị tắc nghẽn mạch máu não, thuốc tan cục máu đông sẽ được tiêm trong vòng 4.5 giờ đầu.
Điều quan trọng cần nhớ là “thời gian vàng” trong cấp cứu đột quỵ không phải là một khoảng thời gian thả lỏng. Nếu chúng ta tiết kiệm 1 phút, bệnh nhân có thể cứu được 2 triệu tế bào thần kinh. Chần chừ có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ và để lại di chứng nặng nề.
Cách phòng ngừa cơn thiếu máu não thoáng qua
Mặc dù không thể phòng ngừa hoàn toàn đột quỵ, vì bệnh còn liên quan đến nhiều yếu tố, đặc biệt là ở những người lớn tuổi (80-90 tuổi) với hệ mạch máu đã lão hóa, nhưng chúng ta vẫn có thể giảm thiểu nguy cơ bằng cách loại bỏ những yếu tố nguy cơ do lối sống không lành mạnh.
- Từ bỏ thuốc lá, rượu bia: Đây là các yếu tố nguy cơ chính dẫn đến bệnh tim mạch và đột quỵ.
- Tập thể dục đều đặn: Giúp tăng cường sức khỏe tim mạch và tuần hoàn máu.
- Ăn uống lành mạnh: Chế độ ăn uống nhiều rau xanh, ít chất béo, giảm muối và đường.
- Kiểm soát cân nặng: Tránh thừa cân béo phì.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Đo huyết áp, kiểm tra đường huyết và các yếu tố nguy cơ khác.
Nếu đã có tiền sử tai biến hay đột quỵ nhẹ, việc tầm soát sức khỏe định kỳ và điều trị sớm là cực kỳ quan trọng để giảm nguy cơ tái phát.
Kim Cương, ảnh: Tuấn Anh