Trong điều trị bệnh mạch vành có 3 phương pháp chính đó là dùng thuốc, phẫu thuật & can thiệp nội mạch đặt stent. Tùy vào tình trạng bệnh của người bệnh mà bác sĩ có thể đưa ra hướng điều trị phù hợp. Đối với những bệnh nhân sau can thiệp nội mạch đặt stent mạch vành, cần có những lưu tâm nào, những điều cần biết để có thể dự phòng tốt hơn?
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng ThS.BS.CKI Nguyễn Đức Chỉnh, Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ, để tìm hiểu về vấn đề này.
PV: Đầu tiên xin bác sĩ cho biết đặt stent mạch vành là gì? Và hiệu quả của nó ra sao?
THS.BS.CKI Nguyễn Đức Chỉnh: Đặt stent mạch vành là một thủ thuật can thiệp nội mạch, khi đó bác sĩ sẽ dùng một ống thông nhỏ (catheter) chọc qua da di chuyển đến mạch vành để “sửa chữa” mạch vành mà không cần phẫu thuật.
Stent là ống kim loại đặc biệt. Trước đây, chúng được sản xuất bằng thép không rỉ. Ngày nay, với công nghệ ngày càng phát triển các vật liệu hiện đại nhất bây giờ đó là bạch kim và cô – ban.
Stent được thiết kế rất mỏng, với đường kính của các thanh kim loại tạo khung stent trong khoảng từ 60 – 80 micron, đường kính stent được chọn lựa tùy theo kích thước mạch máu từ 2mm đến 5mm, chiều dài tùy thuộc vào chiều dài của sang thương mạch vành trung bình từ 15mm – 48mm.
Stent được chia 2 loại, stent không phủ thuốc và stent có phủ thuốc.
Stent không phủ thuốc. Trong những giai đoạn thập niên 70 – 90, người ta thường dùng stent không phủ thuốc, bởi vì cái công nghệ phủ thuốc lúc đó chưa tốt.
Stent phủ thuốc. Hiện nay, có trên 90% các trường hợp được đặt stent phủ thuốc. Trong những năm gần đây, có một xu hướng mới đó là stent tự tiêu, tuy nhiên stent tự tiêu mới dừng ở mức các nghiên cứu và chưa được sử dụng một cách đại trà.
Tóm lại, đặt stent giúp bảo vệ, giúp ngăn ngừa tắc nghẽn và lưu thông dòng chảy cho mạch máu tim, đi kèm với các biện pháp điều trị khác như là điều trị nội khoa cho bệnh nhân.
PV: Đối tượng nào hoặc trường hợp nào thì cần đặt stent mạch vành, thưa bác sĩ?
THS.BS.CKI Nguyễn Đức Chỉnh: Để quyết định chỉ định đặt stent cho bệnh nhân chúng tôi thường chia bệnh nhân ra làm hai nhóm đối tượng.
Thứ nhất đó là những bệnh nhân nhồi máu cơ tim mà bệnh nhân có biểu hiện cấp tính như đau ngực, khó thở. Bệnh nhân vào viện có các xét nghiệm tổn thương cơ tim và có thay đổi điện tim. Đây là những trường hợp cấp cứu nguy cơ tử vong cao. Khi đó, song song với điều trị bằng thuốc như thuốc chống đông, thuốc chống kết tập tiểu cầu, ổn định mảng xơ vữa… thì việc đặt stent là rất quan trọng.
Thứ hai đó là những trường hợp bệnh nhân có hội chứng vành mạn (một tình trạng mãn tính). Bệnh nhân thường xuất hiện những cơn đau ngực khi bệnh nhân gắng sức (gắng sức từ mức độ nhẹ, trung bình cho tới gắng sức nặng bệnh nhân mới đau ngực). Đối với những trường hợp bệnh nhân có gắng sức nhẹ hoặc là bệnh nhân điều trị nội khoa đáp ứng kém thì đó cũng là những trường hợp mà chúng tôi cân nhắc can thiệp đặt stent cho bệnh nhân.
Nhồi máu cơ tim có thể xảy ra đối với bất cứ đối tượng nào, đặc biệt là đối tượng nhiều yếu tố nguy cơ như người lớn tuổi, giới tính nam, hút thuốc lá, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, tiểu đường… đó lý do mà việc khám sức khỏe và tầm soát sức khỏe rất quan trọng, đặc biệt là ở lứa tuổi từ 40 tuổi trở lên.
PV: Đặt stent có hoàn toàn vô hại không và sau đặt stent bệnh nhân có thể gặp những biến chứng không mong muốn nào thưa bác sĩ?
THS.BS.CKI Nguyễn Đức Chỉnh: Đây là câu hỏi mà rất nhiều bệnh nhân cũng như là thân nhân hỏi chúng tôi khi chúng tôi tiến hành thủ thuật cho bệnh nhân.
Đặt stent là một thủ thuật y khoa, nó cũng giống như bất cứ thủ thuật y khoa khác, đều có những mặt có lợi và mặt bất lợi.
Điểm lợi của can thiệp mạch vành đặt stent cho bệnh nhân đó giúp tái thông mạch máu nghẽn cho bệnh nhân, giúp lưu thông mạch máu, giúp cho trái tim được lưu thông máu tốt hơn, khỏe mạnh hơn. Giảm được nguy cơ tử vong do nhồi máu cơ tim cấp gây ra.
Điểm rủi ro của can thiệp mạch vành đặt stent là tùy trung tâm, tùy tay nghề của bác sĩ, tùy điều kiện phát triển… theo thời gian thì tỷ lệ tai biến này ngày càng ít đi. Tỷ lệ rủi ro hiện tại ở mức chấp nhận được đó là khoảng 1%.
Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ, với trang thiết bị máy móc hiện đại, với triển khai kỹ thuật siêu âm trong lòng mạch máu, triển khai các dụng cụ khoan cắt mảng xơ vữa… Trong tương lai, hy vọng bệnh nhân được can thiệp với cái mức rủi ro thấp nhất là dưới 1%. Và lâu dài, với những biện pháp tiên tiến như vậy, tỷ lệ hẹp lại hay tỷ lệ huyết khối trong stent sẽ giảm đi rất nhiều cho bệnh nhân.
PV: Như bác sĩ có chia sẻ ở trên là biến chứng thể gặp sau đặt stent là tắc & hẹp. Vậy làm sao để phát hiện sớm và điều trị tái hẹp ra sao?
THS.BS.CKI Nguyễn Đức Chỉnh: Tình trạng tái hẹp trong stent là một vấn đề rất nan giải. Ở những giai đoạn đầu, khi bắt đầu đặt stent cho bệnh nhân. Ở những stent thế hệ đầu tiên, stent không phủ thuốc tỷ lệ tái hẹp lên tới 50 – 60% trong 1,2 năm đầu sau đặt stent.
Hiện nay, với công nghệ hiện đại, với những loại stent tốt nhất, có phủ thuốc và bệnh nhân tuân thủ, uống thuốc đều đặn, cùng với điều trị nội khoa tối ưu thì tỷ lệ tái hẹp giảm đi đáng kể, chỉ dao động 3 -5% trong năm đầu (nghiên cứu gần đây nhất). Tỉ lệ tái hẹp này phụ thuộc vào nhiều yếu tố liên quan đến bệnh nhân, đó là bệnh nhận có bệnh lý nền không? Nếu có bệnh huyết áp, tiểu đường thì bệnh nhân kiểm soát tốt huyết áp, đường huyết hay không? Đạt được mục tiêu điều trị hay không?
Ngoài ra, tỉ lệ tái hẹp này cũng có một phần nhỏ phụ thuộc vào trình độ kỹ thuật của nơi can thiệp, các trang thiết bị hỗ trợ. Có thiết bị siêu âm trong lòng mạch máu hay không? Có can thiệp được những loại stent tốt nhất hay không? Yếu tố quan trọng nữa là bệnh nhân có tuân thủ điều trị tốt hay không? Đối với bệnh nhân thì vấn đề quan trọng nhất đó là tái khám và được kiểm tra sức khỏe định kỳ.
PV: Thưa bác sĩ, việc điều trị sau đặt stent có khác gì so với điều trị trước đặt stent không?
THS.BS.CKI Nguyễn Đức Chỉnh: Đối với những bệnh nhân sau khi đặt stent, điều trị nội khoa vẫn là nền tảng, vì bệnh nhân đã mắc các bệnh về tim mạch xơ vữa, đặc biệt là thiếu máu cơ tim.
Đối với những trường hợp mắc hội chứng động mạch vành cấp, chúng ta phải tiếp tục liều thuốc chống đông, chống kết tập tiểu cầu kèm theo đó là thuốc hạ mỡ máu, các thuốc điều trị kiểm soát huyết áp, đường huyết… vẫn duy trì để đạt mục tiêu điều trị.
Bệnh nhân sau khi đặt stent cần lưu ý các vấn đề liên quan đến điều trị nội khoa, nhưng quan trọng là vấn đề điều trị chống kết tập tiểu cầu trên những bệnh nhân này sẽ khác nhau đối với hội chứng động mạch vành mạn và hội chứng động mạch vành cấp. Khi đó, bác sĩ chuyên khoa tim mạch hoặc tim mạch can thiệp sẽ lựa chọn những loại thuốc chống đông, chống kết tập tiểu cầu phù hợp tình trạng bệnh.
PV: Vậy thì người bệnh cần có chế độ sinh hoạt ra sao, tuân thủ như thế nào & lưu ý gì sau khi đặt stent mạch vành, thưa bác sĩ?
THS.BS.CKI Nguyễn Đức Chỉnh: Đối với những bệnh nhân sau can thiệp mạch vành tại phòng Lab sẽ được chuyển sang theo dõi tích cực tại phòng hồi tỉnh, hoặc khoa hồi sức tích cực ổn định thì được chuyển lên khoa trại. Bệnh nhân sẽ tiếp tục được chăm sóc từ giai đoạn này cho đến về sau.
Đầu tiên, bệnh nhân sau đặt stent sẽ có một cái băng ép ở trên tay hoặc bẹn đùi. Những băng ép này, tùy mức độ, tùy vị trí sẽ có cái thời gian tháo băng ép khác nhau. Trong giai đoạn này bệnh nhân sẽ được nghỉ ngơi tại giường hạn chế các vận động thể lực không cần thiết.
Sau khoảng 24 tiếng, bệnh nhân sẽ được gỡ băng ghép ra, tiếp tục được chăm sóc vết thương tại chỗ. Những vết thương này thường rất là nhỏ, nên cầm máu tốt, chúng ta cần vệ sinh sát trùng và băng lại bằng một cái băng gạc nhỏ.
Trong thời gian nội viện, bệnh nhân sau khi ổn định, bệnh nhân sẽ được đi bộ chậm trong phòng. Khi về nhà, tùy mức độ của tình trạng thiếu máu tim hoặc suy tim hoặc những sang thương còn tồn lưu trên mạch vành… bệnh nhân sẽ được tư vấn vận động thể lực tùy theo mức độ và sẽ được tái khám để đánh giá lại mức độ gắng sức của bệnh nhân phù hợp với lại tình trạng mạch vành.
Kim Cương, ảnh: Tuấn Anh