“Tôi bị ho 1 ngày, đến hôm sau thì thấy cơ thể mệt nhiều, nôn ói. Sau đó, tôi mê mang hết biết gì” – đây là lời kể của cô N.T.Đ 63 tuổi, quê ở Đồng Tháp vừa trải qua căn bệnh viêm phổi nặng, được đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện ĐKQT S.I.S Cần Thơ kịp thời cứu chữa.
Bệnh nhân hôn mê sâu được chuyển đến S.I.S kịp thời
Cô Đ. chia sẻ đây là lần đầu tiên nhập viện, cũng là lần bệnh nặng nhất. Cô bất ngờ vì những triệu chứng ho, nôn ói thông thường mà bệnh lại diễn tiến nhanh chỉ trong 2-3 ngày.
Con gái cô Đ. kể lại: “Ban đầu mẹ bệnh nhẹ bị ho rồi nôn ói. Gia đình nghĩ là mẹ bị cảm hay rối loạn tiêu hóa thông thường. Đưa mẹ đến phòng khám gần nhà, bác sĩ kêu chuyển lên tuyến trên. Khi nhập viện tại một bệnh viện ở Đồng Tháp, mẹ bắt đầu mê mang hết biết gì, kêu gọi cũng không phản ứng. Tôi lo quá nên xin bác sĩ chuyển tuyến điều trị cho mẹ. Do trước đó tôi cũng có xem và biết đến Bệnh viện S.I.S Cần Thơ nên quyết định chuyển mẹ qua đây. Thật sự ban đầu tôi không nghĩ mẹ bị viêm phổi nặng như thế. Vô tới cấp cứu bác sĩ kiểm tra thấy mẹ khó thở nên cho thở oxy liều cao ngay”.
Hồi phục tích cực sau 7 ngày điều trị chuyên khoa
Bệnh nhân được gia đình đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện ĐKQT S.I.S Cần Thơ. Tại đây, bác sĩ tiến hành thăm khám, kiểm tra tình trạng của bệnh nhân. Qua kết quả cận lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc viêm phổi tiên lượng khá nặng. Bệnh nhân cần phải thở oxy liều cao. Bệnh nhân được chỉ định chuyển lên chuyên khoa Nội Tổng hợp 2 để điều trị nội khoa tích cực.
Là người theo dõi và điều trị trực tiếp cho cô Đ., BS.CKI Diệp Thị Lê cho biết: “Bệnh nhân lớn tuổi nhập viện trong tình trạng tri giác lơ mơ, khó thở, thở nhanh. Bệnh nhân được chỉ định chụp X-Quang phổi, xét nghiệm máu thì thấy bạch cầu tăng cao. Bệnh nhân được chỉ định chụp cắt lớp vi tính lồng ngực. Kết quả xác định bệnh nhân có tổn thương, tắc nghẽn thùy dưới và thùy giữa phổi bên phải.
Ê kíp bác sĩ tiến hành hội chẩn lên phác đồ điều trị. Bệnh nhân được nội soi phế quản, kiểm tra phổi phế quản, hút đàm, bơm rửa sạch. Kết hợp điều trị kháng sinh, kháng viêm, hỗ trợ tích cực dinh dưỡng, tập vật lý trị liệu. Chỉ sau 7 ngày, bệnh nhân đã phục hồi tốt. Hiện bệnh nhân không còn phải thở oxy liều cao, ăn uống tốt, đã tỉnh táo nói chuyện bình thường và sẽ được xuất viện trong vài ngày tới”.
Những lưu ý về bệnh viêm phổi vào mùa lạnh
Thời tiết lạnh trở thành môi trường thuận lợi để các vi khuẩn, vi rút phát triển. Độ ẩm trong không khí thấp làm suy yếu hệ thống miễn dịch dẫn đến cơ thể dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp. Đặc biệt là các bệnh cảm lạnh, cảm cúm, viêm phổi gia tăng.
Đối với bệnh viêm phổi diễn tiến bệnh khá nhanh nên mọi người cần hết sức lưu ý. Triệu chứng điển hình như sốt cao, lạnh run, khó thở, ho khạc đàm mủ, đau ngực, nặng ngực khi ho nhiều hay khi hít thở sâu,… Đới với bệnh nhân lớn tuổi trên 65 tuổi, cơ thể suy yếu có những triệu chứng như: sốt nhẹ, lạnh run, ho khan, mệt mỏi, uể oải, ăn uống kém, lừ đừ lơ mơ, thay đổi tri giác,…
Ngoài ra, các bệnh nhân lớn tuổi có các bệnh nền như tai biến mạch máu não, suy tim, suy thận, xơ gan, bệnh phối tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản, bệnh nhân suy dinh dưỡng, suy kiệt nặng,… Những trường hợp này nếu có những triệu chứng trên cần nhanh chóng đến bệnh viện có chuyên khoa hô hấp để kiểm tra và điều trị kịp thời, tránh diễn tiến bệnh nặng hơn, thời gian điều trị dài hơn.
Những cách phòng ngừa viêm phổi
Theo BS.CKI Diệp Thị Lê để có sức khỏe tốt để phòng ngừa bệnh viêm phổi trong mùa lạnh bà con cần lưu ý:
- Nên rửa tay thường xuyên để loại bỏ các vi khuẩn vi rút là những tác nhân gây viêm phổi.
- Nên tránh tiếp xúc với người bệnh, nhưng bệnh nhân cảm cúm, viêm phổi, viêm họng.
- Nên đeo khẩu trang ở nơi đông người, che miệng mũi khi ho.
- Nên tiêm vắc xin phòng ngừa như tiêm cúm hàng năm, tiêm phế cầu. Đối với những bệnh nhân có bệnh nền như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, suy kiệt lớn tuổi, tai biến mạch máu não,… nên tiêm ngừa phế cầu.
- Nên ăn uống đầy đủ, tăng cường Vitamin nhóm C, kẽm để tăng cường hệ miễn dịch cho phổi.
- Nên tăng cường vận động, tập thể dục.
- Không nên hút huốc lá vì làm suy giảm hệ miễn dịch ở phổi. Người hút thuốc lá dễ mắc viêm phổi hơn và khi mắc bệnh sẽ nặng hơn những người không hút thuốc lá.
- Đối với những người sau phẫu thuật nên nằm đầu cao, giữ vệ sinh răng miệng, tập vận động sớm ngay khi có thể. Tập vận động nhẹ nhàng tại giường để hạn chế ứ đọng đàm ở phổi gây ra tình trạng viêm phổi.
Bệnh nhân bị cảm lạnh, cảm cúm làm sao để ngăn ngừa chuyển biến thành viêm phổi?
Đối với những trường hợp cảm lạnh, cảm cúm, bệnh nhân nên uống nước đầy đủ, ăn đủ dinh dưỡng đảm bảo vitamin nhóm C và kẽm để tăng cường hệ miễn dịch, uống thuốc đúng liều theo chỉ định của bác sĩ. Khi bệnh nhân bị cảm lạnh, cảm cúm có triệu chứng kéo dài trên 2 tuần thì nên đến khám tại bệnh viện có chuyên khoa hô hấp để kiểm tra tình trạng của phổi. Mục đích để ngăn ngừa bệnh diễn tiến nặng hơn.
Cẩm Lài