Tán sỏi đường mật qua da bằng laser là một kỹ thuật y khoa hiện đại và phức tạp, mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân, đặc biệt là những trường hợp không thể thực hiện phẫu thuật truyền thống.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ là một trong những cơ sở y tế tiên phong tại Việt Nam áp dụng phương pháp này, và là bệnh viện đầu tiên tại Đồng bằng sông Cửu Long triển khai kỹ thuật tán sỏi đường mật qua da bằng laser.
Trong cuộc trò chuyện với THS.BS.CKI Đặng Văn Sô Đa – Khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ, chúng ta sẽ tìm hiểu về những yếu tố cần thiết để thực hiện kỹ thuật này, cũng như những lợi ích và đối tượng phù hợp với phương pháp điều trị tiên tiến này.
PV: Được biết, tán sỏi đường mật qua da bằng laser là một kỹ thuật khó. Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ là một trong số ít bệnh viện ở Việt Nam thực hiện được kỹ thuật này và là bệnh viện đầu tiên tại Đồng bằng sông Cửu Long áp dụng phương pháp điều trị này. Để thực hiện được kỹ thuật này, cần những yếu tố nào, thưa bác sĩ?
THS.BS.CKI Đặng Văn Sô Đa: Đây là một kỹ thuật phức tạp và đòi hỏi nhiều trang thiết bị hiện đại nên ít bệnh viện có thể triển khai. Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ rất vinh dự khi đã triển khai thành công kỹ thuật này. Có hai yếu tố cơ bản để thực hiện kỹ thuật này: yếu tố thứ nhất là con người, yếu tố thứ hai là trang thiết bị.
Con người ở đây là ê-kíp bác sĩ phải được đào tạo bài bản, huấn luyện chuyên sâu và có đủ kinh nghiệm để thực hiện kỹ thuật này.
Thứ hai là về trang thiết bị. Bệnh viện phải được đầu tư các trang thiết phục vụ cho việc chẩn đoán và can thiệp tán sỏi, bao gồm hệ thống máy siêu âm, hệ thống chụp cắt lớp vi tính (Máy chụp CT scanner) hoặc cộng hưởng từ (MRI), máy nội soi, phòng DSA và máy C-arm… Khi có đầy đủ các trang thiết bị này, chúng ta mới có thể tiến hành thực hiện kỹ thuật.
PV: So với trước đây, phương pháp tán sỏi đường mật qua da bằng laser mang lại lợi ích gì cho người bệnh?
THS.BS.CKI Đặng Văn Sô Đa: Đây là một kỹ thuật mới mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân. Trước đây, hầu hết các trường hợp sỏi túi mật khi có triệu chứng hay biến chứng đều phải chỉ định phẫu thuật cắt túi mật.
Nếu can thiệp phẫu thuật trên bệnh nhân lớn tuổi, có bệnh lý nền như tim mạch, hô hấp, xơ gan giai đoạn cuối… thì bệnh nhân sẽ phải trải qua một cuộc gây mê, và những tai biến, biến chứng trong phẫu thuật có thể rất nghiêm trọng.
Đặc thù bệnh nhân đến khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ đa phần là có bệnh lý tim mạch hay bệnh lý mạch máu não rất nặng và phải dùng thuốc kháng đông hay nhóm thuốc làm loãng máu kéo dài, đó là một trong những chống chỉ định của phẫu thuật nên can thiệp tối thiểu qua da là một lựa chọn ưu thế.
Ngày nay, với kỹ thuật tán sỏi túi mật qua da bằng laser, có thể không cần phải gây mê. Qua một vết mổ nhỏ trên thành bụng bác sĩ có thể tiếp cận và xử lý tình trạng sỏi túi mật dễ dàng hơn.
PV: Độ an toàn của phương pháp này đã được khẳng định, vậy các kỹ thuật tán sỏi đường mật qua da bằng laser được thực hiện như thế nào?
THS.BS.CKI Đặng Văn Sô Đa: Thông thường, kỹ thuật này được chỉ định cho hai nhóm bệnh nhân. Nhóm thứ nhất là bệnh nhân có sỏi túi mật biến chứng viêm túi mật cấp. Trong trường hợp này, đa phần chúng tôi sẽ thực hiện ở giai đoạn cấp cứu, bằng cách đặt ống dẫn lưu. Sau đó, từ vị trí dẫn lưu, chúng tôi sẽ tạo một đường hầm vào trong túi mật để xử lý sỏi.
Nhóm thứ hai là bệnh nhân có sỏi túi mật đã có triệu chứng. Với nhóm bệnh nhân này, chúng tôi sẽ thực hiện qua hai giai đoạn: giai đoạn đầu, bệnh nhân nhập viện và chúng tôi sẽ đặt một ống thông vào túi mật. Sau khoảng một tuần, chúng tôi sẽ tiến hành bước hai, tạo đường hầm lớn hơn và đưa dụng cụ vào để tán sỏi. Tuy nhiên, nếu sỏi túi mật kích thước nhỏ và số lượng ít chúng tôi có thể giải quyết trong một lần can thiệp.
PV: Thưa bác sĩ, tán sỏi đường mật qua da bằng laser, phương pháp sẽ phù hợp với những bệnh nhân nào?
THS.BS.CKI Đặng Văn Sô Đa: Phương pháp tán sỏi túi mật qua da bằng laser đặc biệt phù hợp với những bệnh nhân lớn tuổi, có bệnh lý nội khoa nặng, không thể chịu đựng được một cuộc gây mê.
Ví dụ như bệnh nhân có bệnh tim mạch chưa điều trị ổn, bệnh hô hấp, bệnh gan giai đoạn cuối, bệnh thận mạn tính, hoặc bệnh lý xương khớp khiến việc vận động khó khăn. Những bệnh nhân này là ưu tiên lựa chọn phương pháp tán sỏi túi mật qua da bằng laser.
PV: Theo thống kê tại Việt Nam, tỷ lệ mắc sỏi mật trong gan chiếm từ 15-30% các ca mắc sỏi đường mật. Khi phát hiện các triệu chứng nào, bệnh nhân cần đến khám chuyên khoa?
THS.BS.CKI Đặng Văn Sô Đa: Đa phần, sỏi túi mật ít khi có triệu chứng rõ rệt trong giai đoạn sớm. Một số triệu chứng có thể gặp là đau bụng, đặc biệt là sau khi ăn đồ ăn có dầu mỡ hoặc thức ăn chứa nhiều chất béo. Đau thường xảy ra ở vùng trên rốn (vùng thượng vị) hoặc mạn sườn bên phải. Đây là những triệu chứng phổ biến nhất. Kèm theo đó, bệnh nhân có thể gặp rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, khó tiêu…
Ở giai đoạn muộn, nếu sỏi gây biến chứng như tắc ống túi mật hoặc viêm đường mật, bệnh nhân có thể sốt, vàng da. Khi có những dấu hiệu này, bệnh nhân nên đến cơ sở y tế để thăm khám và chẩn đoán, sử dụng các thiết bị chẩn đoán chuyên sâu để đánh giá chức năng và tầm soát sớm bệnh lý về sỏi túi mật cũng như sỏi đường mật nói chung.
Cảm ơn Bác sĩ đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện này!
Kim Cương, ảnh: Tuấn Anh