Với sự nỗ lực của ekip bác sĩ bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ, bệnh nhân nam N.V.H, 65 tuổi, ở Hậu Giang, bị ngưng tim 20 phút đã may mắn được thoát chết.
Theo thông tin từ gia đình, khi đang ngồi ở nhà bệnh nhân H. bỗng cảm thấy mệt, nóng trong người, đau ngực trái, kèm khó thở. Bệnh nhân được gia đình đưa đến bệnh viện địa phương để thăm khám, có dấu hiệu của nhồi máu cơ tim nên ông H. được chuyển đến bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ.
Khi nhập viện, ông H. được tiến hành đo điện tim, siêu âm tim, và xét nghiệm máu. Ông H. có dấu hiệu của nhồi máu cơ tim cấp ST chênh lên, nên đã được chụp động mạch vành cấp cứu.
Theo ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường – Trưởng khoa Nội Tim mạch Bệnh viện S.I.S Cần Thơ: “Kết quả chụp DSA hệ động mạch vành của bệnh nhân có hiện tượng co thắt nặng, sau đó chúng tôi được bơm thuốc giãn mạch, mạch máu được nở ra, chỉ ghi nhận hẹp nhẹ ở đoạn gần động mạch liên thất trước, nên bệnh nhân được chuyển đến ICU để tiếp tục điều trị nội khoa và không cần đặt stent mạch vành”
Lúc này tình trạng ông H. vẫn còn tỉnh táo, huyết áp ổn định, nhưng mạch đập khá chậm. Sau khoảng 30 phút, ông H. được chuyển đến Khoa Hồi sức Tích cực (ICU) thì bắt đầu có triệu chứng gồng người và ngưng tim, ngưng thở.
Bệnh nhân đã hồi phục gần như hoàn toàn sau ca can thiệp
Các bác sĩ đã nhanh chóng xử trí đặt nội khí quản và hồi sức tim phổi cho bệnh nhân. Đồng thời thực hiện sốc điện, và sử dụng thuốc vận mạch. Sau 60 phút bệnh nhân bắt đầu có nhịp tim trở lại nhưng huyết áp vẫn tụt, đồng tử giãn to, hôn mê sâu nên được thở máy, sử dụng thuốc chống loạn nhịp.
May mắn, 12 tiếng đồng hồ sau ông H. bắt đầu tỉnh táo lại hoàn toàn và được ngưng thuốc vận mạch. Đến 48 giờ, bệnh nhân được cai máy thở và rút ống nội khí quản. Tình trạng ông H. lúc này đã phục hồi tri giác hoàn toàn, không yếu liệt, không tổn thương các cơ quan, tay chân cử động bình thường và có thể ngồi ăn uống trở lại.
Anh Linh, con trai bệnh nhân chia sẻ: “Cha mẹ tôi trước đều đã từng khám ở bệnh viện S.I.S Cần Thơ. Lúc đó, cha tôi được chẩn đoán bị hẹp mạch vành và vẫn đang điều trị. Khi nghe bác sĩ nói ba bị ngưng tim tôi rất sợ và chỉ biết cầu xin bác sĩ cố gắng cứu sống cha tôi, dù không biết có hy vọng hay không. Ca can thiệp thành công tôi rất vui, và khi nghe bác sĩ nói cha mình thở lại, tôi vô cùng mừng”.
Con trai và gia đình bệnh nhân rất vui mừng khi thấy ông H. đã trở lại bình thường
BS.CK1 Lưu Thị Phương – Trưởng khoa Phẫu thuật – Gây mê hồi sức Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ cho biết: “Tôi chỉ biết cố gắng hết mình chứ không thể nói chắc chắn sẽ cứu sống bệnh nhân thành công với gia đình. Bởi thông thường bệnh nhân cấp cứu khoảng 30 phút – 45 phút, đồng tử giãn rồi thì sẽ khó thoát khỏi ‘cửa tử’.
Tuy nhiên, trường hợp này đặc biệt may mắn đó là dù bệnh nhân bị ngưng tim do rối loạn nhịp trên nền co thắt mạch vành, và trước đó chụp mạch chưa thấy tắc mà chỉ hẹp 40-50% thôi, nên mới có hy vọng cứu sống bệnh nhân. Vì vậy, chúng tôi đã cố gắng kéo dài đến 60 phút để mong may mắn sẽ đến.
Bệnh nhân được cứu sống cũng một phần nhờ đội ngũ bác sĩ S.I.S Cần Thơ nhiệt tình, cố gắng tối đa để ‘kéo bệnh nhân trở về’. Bên cạnh đó, là nhờ có điều kiện trang thiết bị và thuốc luôn sẵn có để sử dụng khi cấp bách.”
Theo BS.CK1 Lưu Thị Phương, bệnh nhân có tiền sử bị các cơn đau thắt ngực kèm hút thuốc lá nhiều. Chính vì vậy, sau can thiệp bệnh nhân cần phải ngưng hút thuốc, tuân thủ các bước điều trị dự phòng tiếp theo và cần tái khám định kỳ để các bác sĩ theo dõi sức khỏe, phòng nhận biết sớm các tình trạng nguy hiểm khác.
Bác sĩ Mạnh Cường cũng cho biết thêm, đây là một trường hợp lâm sàng khó và diễn tiến phức tạp, tuy nhiên với sự quyết tâm “còn nước còn tát” của gia đình cùng với sự nỗ lực đội ngũ y bác sĩ bệnh viện, kỳ tích đã xuất hiện.
Theo benhdotquy.net