Sau hơn 1 năm điều trị xuất huyết não tại Malaysia, chị P.T.H.L tái khám và phát hiện có búi dị dạng mạch máu não nguy hiểm rất hiếm gặp nhưng can thiệp không thành công. Được các bác sĩ tại Maylasia giới thiệu TS.BS Trần Chí Cường là một chuyên gia trong lĩnh vực phẫu thuật – can thiệp thần kinh đột quỵ, chị L. tức tốc bay về Việt Nam tìm cơ hội sống khi các bác sĩ nước bạn đánh giá việc chữa khỏi chỉ còn là “phép màu”.
Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ cho biết, nữ bệnh nhân P.T.H.L. (25 tuổi) là người Việt Nam, sinh sống và làm việc tại Malaysia đã nhập viện trong trạng thái tỉnh táo, đau đầu kéo dài.
Chị L. kể: “Vào cuối tháng 7 năm ngoái, tôi có can thiệp để điều trị xuất huyết não một lần. Sau 1 năm, tôi đi tái khám thì bác sĩ nói rằng não tôi vẫn còn vấn đề và vẫn cần can thiệp một lần nữa. Tuy nhiên, các bác sĩ cho biết khả năng gặp biến chứng khi can thiệp một lần nữa là rất cao, tỷ lệ khoảng 15 – 20% xảy ra đột quỵ trong khi can thiệp nên sẽ khó cứu chữa. Lúc đó, các bác sĩ đã giới thiệu TS.BS Trần Chí Cường để tôi liên lạc và điều trị vì họ cho biết kinh nghiệm điều trị của bác sĩ Cường còn nhiều hơn bác sĩ tại đó nữa. Vì vậy tôi đã quyết bay về Việt Nam ngay để tìm gặp bác sĩ Cường điều trị.”
Sau khi được chỉ định chụp và can thiệp DSA, kết quả hình ảnh cho thấy bệnh nhân có búi dị dạng mạch máu não rất to ở bán cầu não bên phải cực kỳ hiếm gặp do sự thông giữa động mạch và tĩnh mạch trên não.
ThS.BS Nguyễn Lưu Giang – Trưởng đơn vị Can thiệp DSA, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ cho biết: “Thông thường, loại dị dạng này phải xảy ra bất thường ở hệ thống mao mạch, sau đó mới đến tĩnh mạch. Trong khi đó, bệnh nhân này lại có búi dị dạng thông nối trực tiếp từ tĩnh mạch sang động mạch khiến cho dòng chảy của máu từ động mạch sang tĩnh mạch rất lớn nên việc điều trị vô cùng khó khăn.”
Theo các bác sĩ, điểm khó của trường hợp này là ổ dị dạng có lưu lượng máu chảy rất cao do có sự thông nối giữa động – tĩnh mạch nên việc sử dụng những vật liệu thông thường sẽ không mang lại hiệu quả, ngược lại còn dễ dẫn đến đột quỵ. Mặt khác, nếu sử dụng lò xo sinh học (coil) thì cũng rất dễ bị trôi vào tĩnh mạch mà không thể giữ lại được ở động mạch. Chính vì thế, các bác sĩ đã quyết định sử dụng kỹ thuật 2 ống thông, hay còn gọi là double catheters, nhằm giữ coil ổn định ở vị trí mong muốn.
“Chúng tôi sử dụng 1 ống thông đặt coil đầu tiên, ống thông thứ 2 được dùng để đặt coil thứ 2 để nó bám chặt vào mạch máu dị dạng. Sau khi đặt các coil thì bệnh nhân đã tắc hoàn toàn ổ dị dạng trên não. Hình ảnh chụp lại sau can thiệp cho thấy ổ dị dạng dường như biến mất và bệnh nhân được chữa khỏi hoàn toàn.” – ThS.BS Nguyễn Lưu Giang chia sẻ.
Trường hợp của chị L. chỉ vào bệnh viện can thiệp và xuất viện trong vòng 4 – 5 ngày. Hiện, bệnh nhân ổn định, giảm đau đầu và dường như phục hồi hoàn toàn.
“Lúc trước khi được bác sĩ Cường điều trị, tôi bị đau nhối đầu một thời gian dài tại vị trí mổ lần trước. Sau khi can thiệp tôi không còn cảm giác đau như trước nữa và đã phục hồi lại như bình thường.” – Chị L. vui mừng chia sẻ.
Bệnh nhân P.T.H.L. vui mừng khi điều trị thành công búi dị dạng mạch máu não hiếm gặp.
ThS.BS Nguyễn Lưu Giang cho biết, loại dị dạng thông động – tĩnh mạch trực tiếp không phải là trường hợp đầu tiên mà bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S điều trị và tỷ lệ thành công đối với kỹ thuật này rất cao. Có thể do TS.BS Trần Chí Cường đã từng báo cáo những trường hợp này tại những hội nghị quốc tế nên các bác sĩ nước bạn có thể biết đến bệnh lý này, cũng như kỹ thuật điều trị ở đâu hiệu quả và giới thiệu cho bệnh nhân L.
ThS.BS Nguyễn Lưu Giang cũng lưu ý rằng, những bệnh nhân sau khi can thiệp mạch máu não như chị L. nên tái khám định kỳ mỗi tháng một lần. Thông thường, sau 12 tháng, bệnh nhân sẽ được chụp mạch máu lại để kiểm tra để đánh giá sự hồi phục hoặc sự xuất hiện của tổn thương mới (nếu có).
Dị dạng mạch máu não là một bệnh lý bẩm sinh, thường ít biểu hiện ở trẻ nhỏ mà chỉ xuất hiện triệu chứng khi trẻ lớn lên. Vì vậy, nếu quý phụ huynh phát hiện con trẻ có biểu hiện đau đầu dữ dội hoặc động kinh (co giật ở một bên, toàn thân hoặc mất ý thức khi co giật) thì nên đưa trẻ đi tầm soát ngay.
Trong một số trường hợp nghiêm trọng, ổ dị dạng mạch máu não của bệnh nhân có thể bị vỡ gây xuất huyết não. Khi đó, bệnh nhân có thể xuất hiện dấu hiệu tê yếu tay chân, rối loạn tri giác, lơ mơ, hôn mê… Lúc này, người nhà cần nhận diện đột quỵ sớm và nhanh chóng đưa người bệnh đến bệnh viện có khả năng cấp cứu đột quỵ gần nhất.
Theo Benhdotquy.net