1. Đột quỵ là gì?

Đột quỵ là sự cố đột ngột nguy hiểm của hệ tuần hoàn, làm ngừng cung cấp oxy và dưỡng chất cho tế bào não.  Đột quỵ được phân thành 2 loại chính:

  • Đột quỵ thiếu máu não do tắc mạch máu não (Nhồi máu não): Chiếm khoảng 80%.
  • Đột quỵ chảy máu não do vỡ mạch máu não (Xuất huyết não): Chiếm khoảng 20%.

Bệnh đột quỵ: Dấu hiệu, yếu tố nguy cơ, và cách phòng ngừa hiệu quả

Phân loại đột quỵ

2. Phân loại bệnh đột quỵ ra sao?

Đột quỵ nhồi máu não: Là do tắc nghẽn mạch máu. Có nhiều nguyên nhân gây ra hẹp động mạch cấp máu cho não như hẹp động mạch cảnh ở vùng trước cổ, hẹp các động mạch đốt sống phía sau cổ, hẹp các động mạch trong sọ; Cục máu đông do bị bệnh rối loạn nhịp tim (rung nhĩ..), bệnh van tim, đa hồng cầu…; Bong tróc các mãng xơ vữa động mạch… gây tắc nghẽn một phần hay hoàn toàn lòng mạch máu dẫn đến việc cung cấp oxy và dưỡng chất cho tế bào não bị ngưng trệ khi tế bào não ngưng hoạt động sẽ dẫn đến đột quỵ (mặt méo, yếu liệt tay chân, nói khó, hôn mê…).

Đột quỵ xuất huyết não: Là do vỡ mạch máu. Có nhiều nguyên nhân gây vỡ mạch máu: phổ biến nhất là do bệnh tăng huyết áp, các nguyên nhân khác hay gặp ở người trẻ là vỡ dị dạng mạch máu não, vỡ túi phình mạch máu não, vỡ các thông động tĩnh mạch trong sọ…  Các bệnh gây rối loạn đông máu, liên quan đến dùng thuốc chống đông… Khi mạch máu bị vỡ ra, máu sẽ thoát ra ngoài lòng mạch tạo nên cục máu bầm (khối máu tụ) xung quanh nơi bị vỡ gây chèn ép các vùng não lành kế bên làm mất chức năng tế bào não dẫn đến đột quỵ (đột ngột đau đầu dữ dội, nôn ói, hôn mê, cổ cứng…)

3. Các yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ là gì?

3.1 Các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi, điều chỉnh được

  • Tăng huyết áp là nguy cơ hàng đầu dẫn đến Đột quỵ

Huyết áp cao là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh về mạch máu. Huyết áp cao làm gia tăng áp lực lên thành mạch máu dẫn đến tình trạng xơ vữa mạch máu, những mảng xơ vữa này lâu ngày sẽ góp phần hình thành nên huyết khối (cục máu đông) đi khắp các mạch máu trong cơ thể. Nếu cục máu đông này trôi lên não, dẫn đến tắc mạch máu não gây ra đột quỵ nhồi máu não. Tăng huyết áp làm gia tăng áp lực lên thành mạch, khi gia tăng quá mức, thành mạch có thể bị vỡ, gây ra đột quỵ xuất huyết não. Theo ghi nhận, có đến 90% trường hợp đột quỵ xuất huyết não có liên quan đến tăng huyết áp.

  • Các bệnh liên quan đến tim mạch là nguy cơ thứ hai dẫn đến đột quỵ

Khi mắc các bệnh lý tim mạch như rối loạn nhịp tim, bệnh động mạch vành, rung nhĩ… Các bệnh lý này dẫn đến tình trạng co bóp bất thường của tim, lâu ngày chúng dễ hình thành các cục máu đông trong buồng tim. Khi cục máu đông thoát ra khỏi buồng tim, chúng có thể di chuyển đến nhiều nơi khác trong cơ thể, nếu đi đến não sẽ dẫn tắc nghẽn mạch máu não, gây đột quỵ nhồi máu não.

  • Đái tháo đường là nguy cơ thứ ba dẫn đến đột quỵ

Đái tháo đường là một bệnh mạn tính, không lây nhiễm cho người khác, đôi khi có yếu tố gia đình, thường diễn tiến âm thầm và dễ dẫn đến tổn thương các cơ quan như tim, não, mắt, thận…

Hiện tượng tăng đường huyết làm quá trình xơ vữa mạch máu diễn ra nhanh hơn người bình thường, hình thành cục máu đông trong lòng động mạch hay mảng xơ vữa gây bít tắc lòng mạch, cản trở lượng máu giàu oxy đến nuôi não. Mảng xơ vữa này không chỉ gây tổn thương não, khi xuất hiện ở tim gây nhồi máu cơ tim, cơn đau thắt ngực.

Người bị đái tháo đường có nguy cơ đột quỵ cao hơn từ 2- 4 lần so với người bình thường.

  • Mỡ máu cao (Cholesterol cao)

Mỡ máu cao có thể phá hủy các “lớp áo” trong của mạch máu, gây ra mảng xơ cứng bám vào các mạch máu, cản trở việc lưu thông, cung cấp máu lên não. Thời gian dài sẽ gây ra tình trạng hẹp hoặc tắc nghẽn mạch máu, dẫn đến nhồi máu não. Mỡ máu là thành phần không thể thiếu của cơ thể, vì thế chúng ta không thể loại bỏ mỡ máu mà có thể kiểm soát nó ở mức bình thường, để giảm nguy cơ dẫn đến các bệnh lý liên quan khác, trong đó có đột quỵ.

  • Uống nhiều bia rượu

Một loạt các tác hại phải kể đến khi lạm dụng rượu bia là tác động xấu đến huyết áp, gây ra các bệnh lý về thần kinh, tim mạch, xơ gan, ung thư gan… Đặc biệt, người thường xuyên sử dụng rượu bia có nguy cơ mắc đột quỵ cao hơn so với người không sử dụng rượu bia. Bởi bia rượu tác động xấu lên hệ tim mạch, tim người uống rượu bia quá nhiều có thể bị giãn nở to hơn tim người bình thường, song kém chức năng (bệnh cơ tim giãn nở), khả năng bơm máu kém dễ gây ra đột quỵ.

  • Hút thuốc lá là yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ và các bệnh lý xơ vữa mạch máu

Ngoài nguy cơ ung thư phổi- bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) đã được biết đến từ lâu; Người thường xuyên hút thuốc lá sẽ gây viêm trong mạch máu, làm tăng nhanh quá trình xơ vữa mạch máu, dễ hình thành cục máu đông. Mảng xơ vữa này khiến lòng mạch máu ngày càng hẹp lại hoặc bít tắc hoàn toàn, từ đó dòng máu không thể cung cấp oxy và dưỡng chất đến các cơ quan. Theo nghiên cứu, người hút thuốc lá có nguy cơ mắc đột quỵ gấp 3 lần so với người bình thường, ngoài ra thuốc lá còn làm gia tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, nhồi máu thận hoặc tắc cấp tính các mạch chi dưới, thậm chí phải cắt cụt chi nếu không kịp thời xử lý.

  • Người thường xuyên căng thẳng stress:

Khi áp lực công việc cùng với chế độ sinh hoạt thiếu lành mạnh như thức khuya mất ngủ kéo dài, ăn uống không điều độ… dễ gây ra tình trạng như đau đầu, căng thẳng, stress… Khi căng thẳng quá mức sẽ làm tăng huyết áp, tăng đường huyết, nếu trong thời gian dài sẽ làm gia tăng nguy cơ đột quỵ ở mọi người, đặc biệt là ở người trẻ tuổi.

Bệnh đột quỵ: Dấu hiệu, yếu tố nguy cơ, và cách phòng ngừa hiệu quả

3.2 Các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi

  • Tuổi tác:

Tuổi tác càng lớn làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tật. Ghi nhận ở người cao tuổi và trung niên nhất là từ 60 tuổi trở lên thường dễ mắc phải đột quỵ. Tuy nhiên, hiện nay đột quỵ đang dần trẻ hóa bằng chứng là có những trường hợp đột quỵ ở độ tuổi dưới 40 đang có xu hướng gia tăng. Đột quỵ ở độ tuổi càng lớn nguy cơ tử vong càng cao.  

  • Giới tính:

Nam giới có tỷ lệ mắc cao hơn nữ giới khoảng 1,25 lần. Tuy nam giới có nguy cơ đột quỵ cao hơn nhưng tỷ lệ tử vong do đột quỵ ở nam giới lại thấp hơn nữ giới. Tỷ lệ được cứu sống ở nam giới khi bị đột quỵ cao hơn nữ giới vì nam giới đột quỵ có độ tuổi trung bình thấp hơn so với nữ giới.

  • Có tiền căn gia đình

Người có người thân trong gia đình từng bị đột quỵ (Ông Bà, Cha Mẹ ruột…) sẽ có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn do ảnh hưởng thói quen sống hoặc yếu tố di truyền.

  • Người đã từng bị đột quỵ

Người đã từng bị đột quỵ thì khả năng tái phát đột quỵ của họ cao gấp 7 lần người thường. Theo ước tính, có 40% trường hợp đột quỵ sẽ tái phát trong 5 năm đầu tiên. Đột quỵ quay lại sớm hay muộn phụ thuộc vào việc tìm nguyên nhân gây đột quỵ và  người bệnh kiểm soát được các yếu tố nguy cơ và tuân thủ điều trị tốt hay không.

4. Dấu hiệu của bệnh đột quỵ là gì?

Chúng ta hoàn toàn có thể nhận biết được bệnh và chủ động phòng ngừa theo dấu hiệu F.A.S.T sau:

·        F= Face= KHUÔN MẶT: Đột ngột bị thay đổi như miệng méo lệch sang một bên, liệt mặt (Hãy bảo người đó cười và quan sát nét mặt).

·        A= Arms= TAY/CHÂN: Đột ngột bị tê yếu chân tay hoặc liệt chân tay (Hãy bảo người đó giơ 2 tay/chân lên và so sánh 2 bên tay/chân).

·        S= Speech= GIỌNG NÓI: Đột ngột bị nói khó, nói ú ớ không rõ lời (Hãy bảo người đó nói một vài từ và lắng nghe). ·        T=Time= THỜI GIAN: Khi phát hiện một người có 3 dấu hiệu trên, cần chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất có đủ điều kiện cấp cứu đột quỵ hoặc gọi ngay đến cấp cứu 1800.1115 để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời

5. Các biện pháp phòng ngừa đột quỵ

Cách phòng ngừa đột quỵ tốt nhất là kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ gây ra đột quỵ!

Thường xuyên tập thể dục

Đây là biện pháp đơn giản nhưng mang đến rất nhiều lợi ích, không chỉ giúp ngăn ngừa đột quỵ mà còn làm giảm nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch khác cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống. Duy trì:

  • Mỗi lần tập ít nhất 30 phút.
  • 5 ngày mỗi tuần.
  • Tập theo khả năng của bản thân hạn chế gắng sức.
  • Lựa chọn môn tập phù hợp. Ví dụ đối với người già nên chọn môn tập luyện nhẹ nhàng như tập dưỡng sinh. Đối với người trung niên và người trẻ lựa chọn các môn như bơi lội, đạp xe, đi bộ, yoga hoặc bất kỳ một môn thể thao yêu thích để giải tỏa căng thẳng sau làm việc, giúp nâng cao sức khỏe.

Chế độ ăn lành mạnh

Chế độ ăn cân đối giúp chúng ta có đủ năng lượng sinh hoạt và phòng ngừa bệnh tật tốt hơn. Ăn đầy đủ các nhóm chất sau:

  • Ăn đủ chất đường bột gồm cơm, miếng, bún… giúp duy trì hoạt động các dây thần kinh trung ương và các hoạt động khác của cơ thể.
  • Chất đạm gồm thịt cá, trứng, sữa… ít nhất 2 lần/tuần giúp giảm nguy cơ mắc bệnh lý mạch máu.
  • Chất béo: Khuyến khích sử dụng chất béo thực vật, hạn chế chất béo động vật. Hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh, đồ ăn chiên xào nhiều dầu mỡ.
  • Vitamin và khoáng chất gồm rau, trái cây và ngũ cốc: Có nhiều chất xơ và khoáng chất, giúp kiểm soát được cân nặng, hạ cholesterol máu.
  • Giảm muối: Không cho thêm muối vào món ăn đã được chế biến, việc ăn muối quá mặn sẽ làm tăng huyết áp, mà tăng huyết áp là nguy cơ hàng đầu dẫn đến đột quỵ.

Bỏ thuốc lá và hạn chế bia rượu

Hút thuốc lá từ lâu đã được biết đến là nguy cơ quan trọng gây ung thư phổi và các bệnh lý tim mạch, đặc biệt là bệnh mạch máu não. Không những người hút trực tiếp mà người thụ động cũng bị ảnh hưởng.Nếu bỏ thuốc lá sẽ mang lại lợi ích:

  • Sau 2 năm sẽ giảm 50% nguy cơ đột quỵ.
  • Sau 5 năm, nguy cơ mắc bệnh đột quỵ sẽ gần như người không hút thuốc.
  • Đối với người bị xơ vữa mạch cảnh hay xơ vữa mạch vành việc ngừng hút thuốc cùng với điều trị sẽ giúp các mảng xơ vữa thoái triển.
  • Hạn chế bia rượu giúp trái tim khỏe mạnh hơn, làm giảm nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch và đột quỵ.

Kiểm soát huyết áp

Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến đột quỵ, vì vậy việc kiểm soát tốt huyết ápgiúp giảm thiểu được nguy cơ đột quỵ và các bệnh lý mạch máu. Mức huyết áp mục tiêu:

  • Ở người bình thường: Dưới 140/90 mmHg.
  • Ở bệnh nhân mắc tiểu đường hoặc bệnh thận mạn: Dưới 130/80 mmHg.
  •  Ăn chế độ ăn lành mạnh, đặc biệt hạn chế muối.
  • Tập luyện thể lực và duy trì cân nặng hợp lý.
  • Có lối sống vui vẻ, thoải mái, hạn chế rượu bia, thuốc lá và những stress trong cuộc sống.

Kiểm soát các bệnh lý tim mạch

Bệnh tim mạch là nguy cơ thứ 2 dẫn đến đột quỵ, việc kiểm soát tốt các bệnh lý tim mạch bằng thuốc và theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ, góp phần giảm nguy cơ đột quỵ và có một trái tim khỏe mạnh.

Kiểm soát mỡ máu

  • Rối loạn mỡ máu là yếu tố nền tảng trong cơ chế gây nên xơ vữa động mạch. Mỡ máu cao tích  tụ trong thành mạch làm cho thành mạch trở nên xơ vữa gây hẹp lòng mạch khiến thiếu máu nuôi các cơ quan trong cơ thể, trong đó có não bộ.
  • Với những bệnh nhân đã bị đột quỵ thì LDL-c (Cholesterol xấu) cần hạ thấp dưới 70 mg/dl và HDL-c (Cholesterol tốt) trên 50 mg/dl.
  • Việc kiểm soát mỡ máu quan trọng nhất vẫn là chế độ ăn giảm chất béo và tăng cường hoạt động thể thao.
  • Dùng thuốc để kiểm soát nếu cần thiết.

Kiểm soát đường huyết

  • Tiểu đường làm tăng nguy cơ đột quỵ thiếu máu não từ 2 – 4 lần. Vì vậy, việc kiểm soát đường huyết phải thật chặt chẽ sẽ tránh được những biến chứng nặng nề lên mắt, thận, đột quỵ…
  • Người có sức khỏe bình thường, cần duy trì HbA1C dưới 6.5%, đường huyết lúc đói dưới 126 mg/dl là hợp lý.
  • Trường hợp đối với người lớn tuổi có các bệnh lý nền như bệnh thận mạn, suy tim, nhồi máu cơ tim, nhồi máu não cũ thì mức HbA1C khuyến khích dưới 7,5 – 8% và đường huyết đói dưới 180 mg/dl.
  • Với người bệnh tiểu đường nên có máy thử đường huyết tại nhà để kiểm tra đường huyết khi cần thiết. Tăng hoạt động thể lực để giúp cơ thể nhạy cảm với Insulin, dùng thuốc đúng liều lượng của bác sĩ để kiểm soát tốt đường huyết. 
  • Hạn chế các loại bánh ngọt, kẹo các thức ăn có lượng đường cao.

Kiểm soát và duy trì cân nặng

  • Với một người thừa cân: nguy cơ đột quỵ tăng 40% mỗi khi BMI tăng thêm 5kg/m2 trên mức 25 kg/m2
  • Chỉ số BMI = Cân nặng : (chiều cao)2
  • Cân nặng (kg); Chiều cao (mét); BMI bình thường: 18 – 24
  • Vòng eo khuyến khích: Nam dưới 90cm, nữ dưới 80cm. Nếu cao hơn số khuyến khích, nguy cơ đột quỵ tăng đáng kể.
  • Chế độ ăn hợp lý bằng việc ăn uống đúng giờ kết hợp khẩu phần ăn cân đối, hạn chế thức ăn nhanh, thức ăn nhiều dầu mỡ.
  • Ngủ đủ giấc đúng giờ và thường xuyên tập thể dục.

TS.BS Trần Chí Cường, BS.CKII Châu Thị Thúy Liễu, BS.CKII Phương Hồng Thọ

Bệnh viện Đa Khoa Quốc Tế S.I.S Cần Thơ

Bệnh đột quỵ: Dấu hiệu, yếu tố nguy cơ, và cách phòng ngừa hiệu quả

Tin tức gần đây