Những ngày qua, chúng ta đã bước vào mùa nắng nóng đỉnh điểm, có nơi lên tới 43 độ, theo dự báo nắng nóng gây gắt sẽ tiếp tục kéo dài trong vài ngày tới. Nắng nóng gây ra nhiều hệ lụy về sức khỏe như phù do nhiệt, phát ban, sốc nhiệt, kiệt sức, thậm chí đột quỵ.

Theo TS.BS Trần Chí Cường – Giám đốc chuyên môn Bệnh viện ĐKQT S.I.S Cần Thơ khi thay đổi thời tiết có thể là nhiệt độ quá nóng hoặc lạnh quá mức đều gia tăng tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ.

Chúng ta đang trong mùa nắng nóng đỉnh điểm, nhiệt độ ngoài trời có nơi gần 50 độ C, chúng ta nên cẩn thận đặc biệt đối với người có đặc thù công việc là phải làm việc ở ngoài trời, ít cây xanh. Vì đây là thời điểm dễ gây ra các bệnh về hô hấp, phát ban, kiệt sức do nắng nóng, thậm chí là đột quỵ.

Lý giải về việc trời nắng nóng có thể gia tăng đột quỵ, TS Cường cho biết: Khi nhiệt độ tăng cao, cơ thể sẽ đổ mồ hôi nhiều hơn để tự làm mát cho cơ thể, từ đó khiến mất nước nhiều hơn, làm cho thể tích lòng mạch giảm đi, máu trở nên cô đặc hơn, dễ hình thành cục máu đông và làm mạch máu nhỏ dễ bị tắc, gây ra đột quỵ.

Khi ra đường cần che chắn kỹ lưỡng như mặc áo chống nắng, đội nón… quan trọng là phải cung cấp đầy đủ nước cho cơ thể, trung bình mỗi người có thể uống từ 1.5-2 lít nước mỗi ngày, với người làm việc ở ngoài trời có thể uống nhiều hơn để bù vào lượng nước đã mất do đổ mồ hôi. Khi đổ mồ hôi, chúng ta cũng mất một lượng muối, nên có thể uống nước khoáng hay chanh muối để bù nước được tốt hơn.

Cần cung cấp đầy đủ nước cho cơ thể mỗi ngày, đặc biệt là khi thời tiết nắng nóng góp phần giảm thiểu nguy cơ đột quỵ. ảnh: internet

Với những người có tiền sử đột quỵ thì phải hết sức cẩn thận, hạn chế đi ra ngoài vào thời điểm nắng gắt như giữa trưa và đầu giờ chiều. Nếu buộc phải đi ra ngoài thì nên che chắn cẩn thận, mang nước theo uống, kiểm tra huyết áp thường xuyên, tránh cơn tăng huyết áp đột ngột và cả những cơn tụt huyết áp khi lượng mồ hôi ra quá nhiều. Khi ra mồ hôi cũng khiến thể tích tuần hoàn giảm, dễ hình thành cục máu đông gây đột quỵ.

Với người làm việc thường xuyên thay đổi nhiệt độ đột ngột như shipper hoặc người ngồi trên oto, để giảm nguy cơ sốc nhiệt khi từ nơi có máy lạnh ra ngoài trời nắng nóng, lý tưởng nhất là có nơi “giao thoa” giữa 2 vùng nhiệt độ, cần hít thở sâu để cơ thể quen với không khí ở nhiệt độ mới rồi mới đi ra ngoài, để giảm thiểu được sốc nhiệt.

Có nên tắm ngay khi đi ngoài trời nắng về cho mát mẻ? TS Cường cũng đưa ra lời cảnh báo, không nên tắm ngay khi vừa ở ngoài trời nắng nóng về nhà, vì cơ thể đang ở nhiệt độ rất nóng mà tắm nước lạnh ngay dẫn đến tình trạng sốc nhiệt, gây phản ứng co mạch đột ngột, làm gia tăng nhanh lượng máu lên não, rất dễ xảy ra đột quỵ. Cần để cơ thể nghỉ ngơi từ 15 đến 20 phút, cũng như lau khô mồ hồi trước khi tắm, để tránh cảm lạnh…

Kim Cương

Tin tức gần đây