Thời gian qua, thông tin về tỉ lệ đột quỵ gia tăng tại Việt Nam ngày càng đáng báo động. Nhiều câu hỏi được đặt ra: Vì sao lại bị đột quỵ? Những ai thì dễ bị đột quỵ? Có thể phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này hay không?

Chúng ta sẽ tìm hiểu ngay sau đây, với phần tư vấn từ TS.BS Trần Chí Cường, Chủ tịch LCH Can thiệp Thần kinh TP.HCM – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ.

PV: Thưa bác sĩ, trước nay ai cũng nghĩ đột quỵ là căn bệnh trời kêu ai nấy dạ, do đó mọi người ít biết cách để tìm hiểu và chủ động dự phòng, chính vì vậy mà câu hỏi đầu tiên, xin bác sĩ cho biết: Đột quỵ là gì? Nguyên nhân do đâu ạ?

TS.BS Trần Chí Cường: Mến chào độc giả,

Thông thường, chúng ta nghe đến chữ đột quỵ rất nhiều nhưng để hiểu rõ hơn về đột quỵ thì chúng ta cần phải có những kiến thức rất là cơ bản và quan trọng nhất chúng ta phải hiểu biết đột quỵ đó là gì?

Đột quỵ được định nghĩa đó là tình trạng ngưng trệ cung cấp oxy và dưỡng chất cho tế bào não xảy ra do các nguyên nhân tắc nghẽn mạch máu não hoặc vỡ mạch máu não làm cho tế bào não bị tổn thương.

Tùy theo vị trí tổn thương trên não, bệnh nhân sẽ có những biểu hiện lâm sàng tương ứng, biểu hiện ra bên ngoài mà chúng ta gọi là triệu chứng khi xảy ra đột quỵ.

PV: Từ sự phân tích này, xin bác sĩ vui lòng thông tin thêm đó là những ai dễ có khả năng bị đột quỵ nhất ạ?

TS.BS Trần Chí Cường: Có rất nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ. Phổ biến nhất là bệnh lý về tăng huyết áp; yếu tố nguy cơ tiếp theo đó là ở những bệnh nhân tiểu đường, bệnh nhân bị xơ vữa mạch, bệnh nhân thừa cân béo phì, bệnh nhân hút thuốc lá nhiều, uống rượu bia quá nhiều, người có lối sống sinh hoạt thụ động.

Ngoài ra trong thời gian gần đây, người ta ngày càng chứng minh rõ yếu tố tác động từ môi trường cũng có thể làm tăng nguy cơ dẫn đến đột quỵ như là khói bụi. Trong thời gian gần đây, chúng ta thấy rằng thế giới đang rất quan tâm đến bụi mịn trong môi trường. Đặc biệt là những ngành nghề sản sinh ra nhiều bụi và bụi trong môi trường nó cũng gia tăng tỷ lệ đột quỵ.

Yếu tố nguy cơ khác làm ảnh hưởng đến đột quỵ ở người trẻ mà chúng ta không thể thay đổi được đó là những yếu tố về bẩm sinh về di truyền hoặc những đột biến trong quá trình hình thành trong bào thai dẫn đến những dị tật, dị dạng trên hệ thống mạch máu não nguyên nhân hàng đầu dẫn đến đột quỵ người trẻ hiện nay.

Nguy cơ về tuổi tác điều này rất rõ ràng, nghĩa là khi mà cơ thể chúng ta ngày càng lão hóa, tuổi càng lớn thì nguy cơ đột quỵ càng cao và đây là một trong những yếu tố nguy cơ không thể thay đổi được.

Ai dễ bị đột quỵ?

PV: Dưới những tiến bộ của Y học hiện nay, chúng ta có thể hoàn toàn chủ động tầm soát sớm đột quỵ không, thưa bác sĩ?

Đây là một câu hỏi rất là thú vị. Trong cộng đồng, hiếm có ai có những kiến thức đúng về vấn đề này. Nhưng thực tế rằng, giới chuyên gia cũng như chúng tôi trong ngành y thì biết rất rõ là 80% đột quỵ có thể dự phòng được từ xa, có thể chẩn đoán sớm điều trị hiệu quả không để đột quỵ xảy ra.

Nếu chúng ta có kiến thức tốt hơn nữa, khi xảy ra đột quỵ chúng ta hoàn toàn có thể đảo ngược tình thế. Trong rất nhiều trường hợp là cứu bệnh nhân từ bên cửa tử thần. Nghĩa là sắp trên lằn ranh thập tử nhất sinh trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường trong rất nhiều trường hợp mà trong cộng đồng không phải ai cũng biết.

PV: Sự khác biệt của giá trị tầm soát đột quỵ và bệnh lý ác tính khác là gì ạ?

Có một sự khác biệt rất lớn trong tiên lượng điều trị và dự phòng, trong tầm soát đột quỵ. Nếu như so sánh với bệnh ung thư thì chúng ta có thể hiểu hai thái cực hoàn toàn khác nhau.

Trong bệnh ung thư

Trong bệnh ung thư, có nhiều vấn đề mà chúng ta không kiểm soát được. Mặc dù khoa học đang tiến bộ trong thời kỳ ngày nay so với các thập kỷ trước thì đã đến mức chúng ta không thể tưởng tượng nổi. Tuy nhiên, vấn đề điều trị ung thư vẫn còn những vấn đề chúng ta không thay đổi được.

Ví dụ: Khi một trường hợp ung thư bị chẩn đoán và tầm soát rất muộn. Khi bệnh nhân bị di căn đến cơ quan thứ hai, thì gần như chúng ta không thể chữa khỏi được. Dù có khoa học công nghệ hiện đại tới đâu và bệnh nhân có bao nhiêu tiền thì cũng rất là thụ động trong vấn đề điều trị ung thư.

Trong bệnh đột quỵ

Trong bệnh đột quỵ, có đến 80% có thể dự phòng điều trị và phòng ngừa tốt. Nếu như chúng ta phát hiện sớm, chúng ta hoàn toàn có thể loại trừ không để đột quỵ xảy ra trong thời gian gần.

Ví dụ: Bệnh nhân phát hiện có hẹp mạch máu não, chúng ta sẽ điều trị dự phòng không để tắc nghẽn xảy ra. Hay bệnh nhân có những rối loạn nhịp tim như rung nhĩ, đa hồng cầu… chúng ta có thể kiểm soát tốt hơn bệnh lý nền để ngăn chặn đột quỵ có thể xảy ra.

Cụ thể hơn là trong trường hợp bệnh nhân có những dị tật, dị dạng mạch máu não người trẻ thì chúng ta loại bỏ nó có thể trước khi nó xảy ra đột quỵ. Nếu không chẩn đoán kịp thời, không điều trị dự phòng thì khi đột quỵ xảy ra rồi chúng ta khó lòng thay đổi được. 

Thời gian vàng và công nghệ trang thiết bị máy móc cũng như chuyên môn của bác sĩ đó là một trong những yếu tố quyết định sự thành công trong quá trình cấp cứu bệnh nhân.

Nếu được phát hiện sớm bệnh nhân có nguy cơ đột quỵ cao, chúng ta hoàn toàn có thể dự phòng không để đột quỵ xảy ra. Đây là điều khác hoàn toàn với bệnh ung thư, cho dù chúng ta có dự phòng tốt ung thư vẫn xảy ra và khó lòng có thể ngăn ngừa triệt để ung thư khi đã phát hiện.

PV: Thực tế tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ khi trực tiếp cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân đột quỵ, bác sĩ có thể cho biết sự đáng tiếc khi bệnh nhân có những yếu tố nguy cơ nhưng không đi tầm soát và điều trị sớm là gì ạ?

Thực tế trong thời gian hoạt động hơn 5 năm qua, tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ chúng tôi thấy rất rõ những vấn đề sau đây:

Thứ nhất, bệnh nhân đột quỵ khi có xảy ra rồi, bệnh nhân không biết thời gian vàng nó quan trọng thế nào. Do đó, bệnh nhân đã làm mất đi thời gian mà lẽ ra nếu bệnh nhân đến sớm hơn một vài giờ, chúng tôi hoàn toàn có thể cứu sống được bệnh nhân đó. Đó là tiếc nuối thứ nhất về vấn đề nhận diện đột quỵ và thời gian vàng trong cấp cứu đột quỵ.

 Thứ hai, khi bệnh nhân đã xảy ra đột quỵ rồi thì nhiều người mới lầm tưởng rằng tại sao có rất nhiều những kiến thức mà họ đã bỏ qua cơ hội để tìm hiểu. Và một điều rất đau buồn là những triệu chứng sớm đột quỵ, đa số bệnh nhân đều xảy ra trước đó nhưng mà người ta hoàn toàn không nhận diện, đó là những dấu hiệu sớm của đột quỵ. Đặc biệt là, họ thường coi nhẹ yếu tố nguy cơ như là tiểu đường, tăng huyết áp, hút thuốc lá, uống rượu bia nhiều… và khi xảy ra đột quỵ rồi, nghe bác sĩ giải thích, người ta mới “té ngửa” bất ngờ “hóa ra đột quỵ rất dễ dự phòng, rất dễ tầm soát”.

Xin cảm ơn TS.BS Trần Chí Cường đã dành thời gian để trả lời câu hỏi.

Thực hiện: Kim Cương

Bệnh đột quỵ: Dấu hiệu, yếu tố nguy cơ, và cách phòng ngừa hiệu quả

Tin tức gần đây