Khán giả Nguyễn Sanh hỏi:
Em xin chào các quý bác sĩ, em bị viêm gan B siêu vi B, em có đi khám định kì thì em có bị viêm gan siêu vi B, số lượng virus hơn 10^9, men gan bình thường ổn định khoảng 23, số lượng virus sinh sôi liên tục nhưng không tăng chỉ số men gan, Bác sĩ khám chẩn đoán không cần điều trị và virus sống chan hoà trong cơ thể em.
Vậy cho em hỏi, virus sống trong cơ thể và sinh sôi như vậy thì có nguy hiểm và em nên chú ý gì về cách ăn uống, như khả năng lây lan cho những người xung quanh cũng như trong gia đình không ạ! Em xin cảm ơn.

Giải đáp từ BS. Huỳnh Thị Kim Yến:
Xin chào bạn Nguyễn Sanh. Trước tiên, tôi không rõ bạn là nam hay nữ, bao nhiêu tuổi, nên xin phép chia sẻ một cách tổng quát nhất.
Trước hết, có một số khái niệm cũ chúng ta nên bỏ, chẳng hạn như chỉ số men gan – ngày xưa ta thường nghĩ dưới 40 là bình thường, nhưng theo hướng dẫn mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tháng 4 năm 2024, thì men gan bình thường ở nam là dưới 30 U/L và ở nữ là dưới 18 U/L.
Thứ hai, nhiều người hay nói “sống chung với viêm gan B”, nhưng đây không phải cách diễn đạt chính xác. Chúng ta nên dùng cụm từ “người bị viêm gan B chưa điều trị”. Vì viêm gan B là bệnh có thể diễn tiến âm thầm thành ung thư gan mà không có dấu hiệu báo trước xơ gan.
Tại Việt Nam, phần lớn người nhiễm viêm gan B là do lây từ mẹ sang con. Nếu bạn đã trên 30 tuổi, khả năng cao bạn đã mang virus này hơn 30 năm. Và với thời gian kéo dài như vậy, nguy cơ tiến triển thành xơ gan, ung thư gan là điều đáng lo ngại.
Nếu nồng độ virus HBV-DNA của bạn là 10^9, tức rất cao, mà men gan lại nằm ở mức bình thường, thì hiện nay theo quan điểm mới, chúng ta nên xem xét điều trị sớm. Hiện đã có xét nghiệm tầm soát thêm như HBcrAg để đánh giá nguy cơ tổn thương gan tiềm ẩn, kể cả khi men gan bình thường.
Nếu xét nghiệm tầm soát HbcrAg của bạn trên 3, bạn cần điều trị & tuân thủ điều trị.
Do đó, lời khuyên chân thành là bạn nên đến cơ sở y tế có chuyên khoa gan mật để được tầm soát kỹ lưỡng – đặc biệt nếu bạn ở gần khu vực ĐBSCL thì có thể đến Bệnh viện S.I.S Cần Thơ để được thăm khám và tư vấn cụ thể.
Về sinh hoạt hằng ngày, tôi xin khuyên chân thành là không sử dụng rượu bia, không chỉ rượu mà cả bia – vì đây là yếu tố rất dễ làm gan tổn thương thêm, nhất là với người đã nhiễm virus viêm gan. Ngoài ra, không nên tự ý dùng thuốc Nam, thuốc Bắc không rõ nguồn gốc. Các loại thuốc này có thể làm gan tổn thương nặng hơn và hoàn toàn không có tác dụng kiểm soát hay làm giảm nồng độ virus.
Về chế độ ăn, hiện nay không cần kiêng lòng trắng trứng, trứng, dầu mỡ… Bạn có thể ăn uống bình thường, lành mạnh, hạn chế đồ ăn nhiều dầu mỡ, và tuyệt đối tránh rượu bia như tôi đã nói.
Một lần nữa, cảm ơn câu hỏi của bạn và chúc bạn mạnh khỏe.
Kim Cương, ghi từ chương trình Livestream S.I.S Vì sức khỏe cộng đồng, với chủ đề: Điều trị viêm gan siêu vi – Ngăn chăn Xơ gan và Ung thư Gan