10/05/2023

Cần làm gì khi thấy một người lên cơn động kinh?

Chắc hẳn chúng ta đã từng chứng kiến một người bình thường bỗng lên cơn động kinh co giật, co cứng người, sùi bọt mép, sau đó vài phút thì trở lại bình thường. Lúc đó, chúng ta thường hốt hoảng và không biết làm gì, để tốt nhất cho người bệnh. Đôi khi chúng ta muốn giúp người bệnh nhưng thật ra điều chúng ta nghĩ là giúp lại gây hại thêm cho người bệnh.

Trong bài viết này, sẽ giúp bạn đọc biết được những việc nên làm và không nên làm khi thấy một người lên cơn động kinh. Việc xử trí đúng của người nhà, người thân hay của người đi đường sẽ góp phần quan trọng trong việc sơ cứu và điều trị đối với bệnh nhân động kinh.

Bệnh động kinh là gì?

Theo khoa học, động kinh là sự phóng điện không kiểm soát của não. Bệnh động kinh có biểu hiện đặc trưng là những cơn co cứng, co giật chân tay hoặc toàn thân, ngã lăn ra đất, trợn mắt, sùi bọt mép và không làm chủ được ý thức.

Đôi khi cơn động kinh chỉ là những cơn giật nhẹ cục bộ, đứng hình, thay đổi cảm giác, giác quan. Cơn thường chỉ kéo dài 1-2 phút và sau đó bệnh nhân có thể phục hồi lại trạng thái ban đầu.

Cần làm gì khi thấy một người lên cơn động kinh?

Co cứng, co giật chân tay hoặc toàn thân, sùi bọt mép từ 1 -2 phút là biểu hiện thường gặp của cơn động kinh

Những việc không nên làm đối với người đang lên cơn động kinh

  • Không tụ tập đông người: người lên cơn động kinh họ cần môi trường thông thoáng để hít thở, việc tu tập đông người dẫn đến giảm lượng không khí, giảm lượng oxy, khiến bệnh nhân khó thở và làm cho cơn động kinh nặng hơn.
  • Không đè hoặc giữa tay chân bệnh nhân khi co giật: điều này không giúp ích cho bệnh nhân, ngược lại chúng còn có thể gây hại cho bệnh nhân, một số tình huống xấu có thể gặp đó là khiến bệnh nhân gãy xương, trầy xước, gây ra những thương tích không mong muốn.
  • Không nhét vật thể lạ vào miệng bệnh nhân: như muỗng, đũa, khăn, vải, thậm chí ngón tay vào miệng bệnh nhân để ngừa cắn lưỡi. Điều này là không cần thiết, bởi thông thường khi bệnh nhân lên cơn co giật, theo sinh lý của con người lúc này lưỡi sẽ thụt lại, ít khi đưa lưỡi ra ngoài. Một số trường hợp nếu lưỡi có đưa ra ngoài dẫn đến cắn lưỡi cũng chỉ cắn rìa ngoài của lưỡi; thương tích này thường cũng không đáng kể.

Nếu chúng ta đưa vật thể lạ vào miệng như muỗng, đũa, khăn… điều này không giúp ích cho bệnh nhân mà nó còn gây một số nguy cơ khác nếu muỗng, đũa, khăn bệnh nhân cắn bị gãy, các dị vật này có thể bị nuốt hoặc hít vào phổi gây ra tình trạng hít sặc, khó thở, khiến cơn động kinh nặng lên.

Một số người thân còn đưa ngón tay vào họng bệnh nhân, điều này vừa nguy hiểm cho người bệnh mà cũng vừa nguy hiểm cho họ, bởi người động kinh thường không ý thức được, có thể gây đứt ngón tay…  

  • Không vắt chanh, không cho uống trà đường, không cho uống thuốc cho đến khi tỉnh táo.
  • Không ấn tim, hô hấp nhân tạo (bệnh nhân có thể tự thở được chỉ cần môi trường thông thoáng). Việc ấn tim trên bệnh nhân đang co giật rất có thể sẽ khiến bệnh nhân bị chấn thương như gãy xương sườn hoặc tổn thương những vùng xung quanh ngực…
  • Không di chuyển bệnh nhân khi tình trạng chưa ổn (chỉ di chuyển đến nơi an toàn một cách nhẹ nhàng). Trường hợp bệnh nhân lên cơn động kinh ở khu vực nguy hiểm như gần sông hồ (nếu đang đi bơi), gần đám cháy, ổ điện… chúng ta chỉ cần đưa bệnh nhân đến vị trí an toàn gần đó, không nên đưa bệnh nhân đi quá xa.

Những việc nên làm đối với người đang lên cơn động kinh

  • Kêu gọi hỗ trợ: Mặc dù không khuyến khích tụ tập đông người nhưng chúng ta cần phải gọi sự hỗ trợ của mọi người xung quanh để giúp đỡ.
  • Đặt bệnh nhân ở nơi an toàn, lót đầu bằng vật mềm: Nên cho bệnh nhân nằm nghiêng đầu sang 1 bên (nghiêng trái hoặc nghiêng phải) để phòng trường hợp bệnh nhân có ói, đờm dãi… có thể dễ dàng thoát ra ngoài tránh ói sặc vào phổi, nới lỏng quần áo để bệnh nhân dễ hô hấp…
  • Tạo môi trường an toàn xung quanh bệnh nhân: Cần thu dọn xung quanh an toàn, tránh các vật sắc nhọn, dễ vỡ, dễ cháy… nếu ở nhà thì các vật dụng như bàn ghế, dao kéo… ra xa bệnh nhân, để tạo môi trường an toàn cho bệnh nhân khi lên cơn động kinh.
  • Theo dõi biểu hiện cơn của bệnh nhân: Có thể quay video nếu thuận tiện, để mô tả cho nhân viên y tế hoặc bác sĩ. Điều này sẽ giúp ích cho bác sĩ chẩn đoán và điều trị phù hợp với cơn động kinh.  
Cần làm gì khi thấy một người lên cơn động kinh?

Cơn động kinh thường chỉ xảy ra từ 1-2 phút, vì vậy nếu chứng kiến một người lên cơn động kinh chúng ta không nên hoảng loạn, lo sợ mà hãy bình tĩnh, để xử trí kịp thời cho bệnh nhân.

Trong trường hợp, cơn động kinh của bệnh nhân kéo dài hơn 5 phút hoặc có những cơn liên tiếp nhau. Cần gọi ngay cấp cứu gần nhất, nếu ở khu vực miền Tây, đặc biệt là Cần Thơ thì có thể gọi tổng đài hoàn toàn miễn phí 1800.1115 của Bệnh viện ĐKQT S.I.S Cần Thơ để được hỗ trợ kịp thời.

Kim Cương – Tham vấn Y khoa BS.CKI Trần Tiến Thành

BS Điều trị – khoa Thần kinh đột quỵ Bệnh viện ĐKQT S.I.S Cần Thơ

Tin tức gần đây