Vào các dịp lễ Tết, việc tiêu thụ rượu bia thường gia tăng, kéo theo nhiều vấn đề về sức khỏe. Các bác sĩ luôn cảnh báo về tác hại của việc uống rượu bia quá mức, đặc biệt trong mùa lễ hội. Tuy nhiên, vào dịp này, số ca nhập viện liên quan đến rượu bia luôn có xu hướng tăng cao.
Rượu bia tác động như thế nào đến sức khỏe và biện pháp nào giúp chúng ta kiểm soát tốt hơn để vui xuân, đón Tết an toàn?
BS. CKII Huỳnh Quốc Sĩ, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ, sẽ có những giải đáp cùng chúng ta.
1. Đầu tiên, bác sĩ vui lòng cho biết những tác hại cấp tính của việc uống rượu bia quá mức là gì ạ?
BS. CKII Huỳnh Quốc Sĩ: Mến chào quý bà con,
Khi uống rượu bia quá mức, tác hại cấp tính đầu tiên là có thể bị ngộ độc rượu, ngoài ra còn có thể gây ra rối loạn đường huyết, thân nhiệt và huyết áp. Nặng hơn, bệnh nhân có thể bị hôn mê, thậm chí là đột quỵ sau khi uống rượu. Vì thế, chúng ta cần cẩn trọng khi sử dụng rượu bia, đặc biệt trong dịp lễ Tết.
2. Vào dịp cuối năm, chúng ta thường thấy trên các phương tiện truyền thông đưa tin về các trường hợp đột quỵ sau khi uống rượu bia. Bác sĩ có thể chỉ ra cách phân biệt đột quỵ sau khi uống rượu và người say rượu không?
BS. CKII Huỳnh Quốc Sĩ: Khi một người uống rượu, đôi khi rất khó để phân biệt giữa say rượu và đột quỵ, vì cả hai đều có thể gây ra những thay đổi trong hành vi và trạng thái của người bệnh. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân có uống rượu nhưng vẫn còn tỉnh và có thể giao tiếp, bạn có thể thử những cách sau:
- Hỏi bệnh nhân nói chuyện để kiểm tra xem họ có nói đúng không? Có nói ngọng, hoặc khó nói không?
- Quan sát xem miệng có bị méo một bên không? Nhân trung có bị lệch không?
- Yêu cầu bệnh nhân nâng tay, chân lên để kiểm tra xem có yếu một bên không?
Nếu bệnh nhân có dấu hiệu đau đầu dữ dội, nôn ói, hoặc yếu tay chân một bên, có thể là dấu hiệu của đột quỵ và cần đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện.
Nếu bệnh nhân có dấu hiệu ngủ gà, hôn mê. Chúng ta có thể lây gọi bệnh nhân bằng cách kích thích đau như véo ở những vùng da non trên cơ thể: vị trí nếp da đùi, nếp da bắp chân… Nếu không phản ứng với các kích thích đau, có thể là do đột quỵ hoặc ngộ độc rượu. Lúc này, bạn cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được kiểm tra và xử lý kịp thời.
3. Tết Nguyên Đán sắp đến gần, bác sĩ có lời khuyên gì để mọi người có thể kiểm soát việc uống rượu bia, bảo vệ sức khỏe và có một cái Tết an lành, vui vẻ không ạ?
BS. CKII Huỳnh Quốc Sĩ: Trong những ngày Tết, nếu có uống rượu bia, mọi người nên uống một cách vừa phải, đừng uống quá nhanh hoặc quá nhiều. Uống nhiều rượu cùng một lúc sẽ làm tăng nhanh nồng độ cồn trong máu và có thể dẫn đến ngộ độc.
Nếu bạn phải uống rượu bia, hãy ăn nhẹ trước để giúp cơ thể tránh rối loạn đường huyết. Sau khi uống, nhớ uống thêm nhiều nước lọc để giúp cơ thể thải rượu nhanh chóng.
Điều quan trọng là quan trọng chúng ta phải lắng nghe cái cơ thể của mình. Nếu cảm thấy nhức đầu quá, chóng mặt hay mệt… cũng đừng ngại ngần là từ chối uống rượu bia để chúng ta giữ gìn sức khỏe. Tôi nghĩ rằng, tiệc rượu thì không ai ép ai, vui hay là chính, vì vậy đảm bảo sức khỏe của bản thân vẫn là quan trọng.
Và đặc biệt, đã uống rượu bia thì tuyệt đối không lái xe để tránh những rủi ro không đáng có.
Cuối cùng, kính chúc mọi người có một kỳ nghỉ Tết vui khỏe, an toàn và đầy ý nghĩa!
Cảm ơn bác sĩ đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện này.
Kim Cương