Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ là cơ sở y tế chuyên sâu về cấp cứu, can thiệp đột quỵ, tim mạch đầu tiên tại ĐBSCL. Tại đây đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại để chẩn đoán, hỗ trợ bác sĩ can thiệp điều trị đột quỵ, tim mạch tốt nhất, trong đó có hệ thống chụp CT Scanner 128 lát cắt.
Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ là cơ sở y tế chuyên sâu về cấp cứu, can thiệp đột quỵ, tim mạch đầu tiên tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Tại đây đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại để chẩn đoán, hỗ trợ bác sĩ can thiệp điều trị đột quỵ, tim mạch tốt nhất, chẳng hạn như hệ thống chụp MRI 3 Tesla, máy chụp mạch máu xóa nền DSA, máy siêu âm chẩn đoán tim bẩm sinh…
Trong bài viết này, AloBacsi xin giới thiệu về kỹ thuật chụp CT Scanner 128 lát cắt tại bệnh viện.
I. Chụp CT là gì? Ai không nên chụp CT?
Theo kỹ thuật viên CN Lê Văn Phú – Khoa Chẩn đoán Hình ảnh – Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ, chụp CT là chụp cắt lớp vi tính sử dụng tia X với các lát cắt ngang để khảo sát các bộ phận trong cơ thể. Sau đó, sử dụng các thuật toán và bộ xử lý trên máy tính để tạo ra các hình ảnh 2 chiều hay 3 chiều để phục vụ cho việc chẩn đoán.
“Không có chống chỉ định tuyệt đối trong chụp CT. Những chống chỉ định liên quan đến thuốc cản quang là bệnh nhân có chức năng gan thận kém, dị ứng với thuốc cản quang. Phụ nữ có thai, đặc biệt trong 3 tháng đầu của thai kỳ, vì vào thời kỳ này, các tế bào thai nhi chưa phát triển nhiều nên rất nhạy cảm với tia X, nếu tiếp xúc với tia X có khả năng làm xuất hiện các dị tật của thai nhi” – kỹ thuật viên Phú cho biết.
II. Chụp CT 128 lát cắt là gì, chẩn đoán những bệnh lý nào?
Chụp CT 128 lát là kỹ thuật chụp có khả năng thu đồng thời 128 lát cắt trong thời gian chụp tương đối ngắn. Số dãy đầu dò càng nhiều thời gian thu hình càng nhanh và độ phân giải sẽ cao hơn so với số dãy thấp hơn, do đó có thể phát hiện tổn thương có kích thước nhỏ chỉ vài mm. Nên đó là ưu thế 128 lát số với 64 lát hay thấp hơn.
Hệ thống chụp CT 128 lát cắt được đầu tư tại Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ thực hiện ứng dụng để chẩn đoán các bệnh lý về thần kinh, sọ xoang, vùng đầu mặt cổ, tim, mạch máu tạng và chi, ngực, vùng bụng chậu, xương khớp, mô mềm…
Đặc biệt là CT mạch vành phát hiện có bị hẹp mạch máu nuôi tim hay không, nếu có sẽ điều trị sớm nhằm giúp bệnh nhân tránh khỏi bị nhồi máu cơ tim; CT phổi liều thấp tầm soát sớm u phổi…
Ngoài ra, kỹ thuật viên Phú thông tin thêm với AloBacsi, ở Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ, các bệnh nhân với chẩn đoán nhồi máu não sớm được chỉ định chụp CT Perfusion để tìm ra vùng có khả năng điều trị có thể phục hồi cho bệnh nhân.
III. Khi nào cần chụp CT?
1. Ưu và nhược điểm của chụp CT?
a. Ưu điểm
Chụp CT có độ tương phản cao và chụp được nhiều góc, cho phép phân biệt mức độ tổn thương thông qua những khác biệt có độ đậm rất nhỏ và tránh bỏ sót tổn thương. Một vòng quay được 128 lát cắt, nên thời gian chụp nhanh, có thể thực hiện được đối với những bệnh nhân không hợp tác.
b. Nhược điểm
Gây nhiễm tia X, đồng thời tia X còn mang tính chất tích lũy. Ngoài ra, vì CT sử dụng thuốc cản quang nên có khả năng xảy ra các phản ứng phụ không mong muốn từ nhẹ đến nặng (hiện nay sử dụng các thuốc cản quang thế hệ mới, nên các tác dụng này rất hiếm gặp), thậm chí là gây sốc phản vệ. Chụp CT sẽ hạn chế đối với các bệnh lý gân, cơ, dây chằng, tủy…
Chụp CT thời gian ngắn hơn so với chụp MRI. Thời gian chụp CT khoảng 5 phút (tùy theo tình trạng của người bệnh).
2. Khi nào cần chụp CT?
Các trường hợp thường sử dụng CT:
– Chụp CT sọ não: bị đột quỵ não, đau đầu, chóng mặt, viêm mũi xoang, chấn thương sọ não…
– Chụp CT vùng đầu mặt cổ: chẩn đoán u, viêm, chấn thương, di vật vùng cổ…
– Chụp CT ngực: tầm soát u phổi, phình hay hẹp cung động mạch chủ, thuyên tắc động mạch phổi, bệnh lý về phổi và màng phổi, u trung thất, u xương thành ngực, chấn thương ngực…
– Chụp CT mạch vành, tim:
+ Đau ngực không điển hình.
+ Nghi ngờ có bệnh lý mạch vành khi đã có các kế quả xét nghiệm khác như: thử nghiệm gắng sức, siêu âm…
+ Có các yếu tố nguy cơ bệnh lý tim mạch như mỡ máu, đái tháo đường, hút thuốc lá, tăng huyết áp…
+ Xác định các bất thường giải phẫu hệ mạch vành, các trường hợp đau ngực không điển hình ở người bệnh có đặt stent hoặc làm cầu nối trước đó.
– Chụp CT bụng chậu: bệnh lý về gan mật, lách, tụy, thận, tiền liệt liệt tuyến, tử cung, buồng trứng, bệnh lý đường tiêu hóa, chấn thương bụng…
– Chụp CT xương khớp: chấn thương xương, u hay viêm xương…
Tại Bệnh viện Đột qụy Tim mạch Cần Thơ đã xây dựng quy trình cấp cứu đột quỵ, trong đó mỗi phương tiện chẩn đoán hình ảnh sẽ đóng vai trò cụ thể tùy theo tình trạng của mỗi bệnh nhân.
IV. Quy trình chụp CT tại Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ
1. Kinh nghiệm chụp CT tại Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ
Ngoại trừ những trường hợp cấp cứu, nếu bạn có nhu cầu chụp CT để khảo sát, kiểm tra tình trạng sức khỏe, phát hiện bệnh lý có thể đăng ký chụp CT tại Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ qua tổng đài 1800 1115. Sau đó cung cấp thông tin họ và tên; địa chỉ sinh sống; ngày giờ hạn khám; nhu cầu khám sẽ có bộ phận chăm sóc khách hàng xác nhận với bạn. Hệ thống của bệnh viện sẽ thông báo lịch khám qua tin nhắn.
Bạn nên đến bệnh viện sớm hơn thời gian hẹn 15 phút, đến bàn chăm sóc khách hàng (bên trái ngay cửa ra vào) sẽ có nhân viên hỗ trợ, tư vấn. Sau đó lấy số thứ tự, xác nhận thông tin. Nếu cần hỗ trợ, bạn có thể đến quầy tiếp nhận sẽ có bác sĩ hướng dẫn, tư vấn các xét nghiệm cần làm tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của bạn. Sau đó, đóng phí tại quầy tiếp nhận.
Vào chụp CT theo thứ tự tại khu Chẩn đoán hình ảnh (bên cạnh quầy tiếp nhận, tầng trệt). Kỹ thuật viên sẽ hướng dẫn chi tiết các việc bạn cần phải làm. Bạn cần báo với nhân viên y tế nếu có thai hoặc nghi ngờ có thai, hoặc các dị vật và thiết bị kim loại được đặt trong cơ thể.
Khi vào phòng chụp CT, thay trang phục của bệnh viện theo quy định (nếu cần). Trong quá trình chụp, bạn cần thực hiện đúng các tư thế kỹ thuật viên hướng dẫn (hít hơi vào, nín thở và thở lại bình thường (nếu cần)).
Sau khi chụp CT, lấy giấy hẹn và quay lại phòng khám chờ kết quả (nếu đã thực hiện xong các cận lâm sàng khác).
Lưu ý, trong trường hợp có tiêm chất cản quang, sau khi chụp sẽ được theo dõi tại phòng chờ khoảng 30 phút.
2. Lưu ý trước, trong và sau khi chụp CT
Trước khi chụp CT có tiêm thuốc cản quang, bạn cần nhịn ăn trong 4-6 giờ và vẫn có thể uống nước với lượng vừa phải trước khi chụp 2 giờ. Bạn cần thông báo với nhân viên y tế về tiền sử bệnh như hen suyễn, tĩnh mạch, đái tháo đường, thận, dị ứng thuốc.
Trước khi chụp, bạn cần tháo bỏ tất cả các vật dụng bằng kim loại có trên người để không gây nhiễu khi chụp như kẹp tóc, áo nịt ngực có gọng bằng kim loại, trang sức, kính, đồng hồ đeo tay, máy trợ thính, răng giả…
Trong khi chụp CT, nếu có tiêm thuốc cản quang thường sẽ có cảm giác nóng rát dọc theo tay hoặc nóng ở mặt, nhưng bạn cần cố gắng nằm yên, thực hiện theo các hướng dẫn của kỹ thuật viên để có hình ảnh tốt nhất.
Thời gian chụp trung bình từ 3 – 5 phút, một số trường hợp cần kéo dài hơn (15, 30 hoặc 45 phút) thì nhân viên y tế sẽ giải thích thêm trong khi chụp.
Sau khi chụp CT, như đã nói ở trên nếu có tiêm thuốc cản quang sẽ được theo dõi 30 phút trong phòng chờ. Nếu bạn thấy có bất thường như chóng mặt, buồn nôn, nôn, ngứa ngáy, đỏ da, mệt, sốt, khó thở… cần thông báo ngay với nhân viên y tế.
Thời gian trả kết quả trong vòng 30 – 60 phút. Một số trường hợp sẽ trả kết quả lâu hơn nếu cần hội chẩn.
V. Chi phí chụp CT tại Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ
Chụp CT hệ động mạch cảnh có tiêm thuốc cản quang, chụp CT tưới máu não (CT Perfusion), chụp CT sọ não có dựng hình 3D, chụp CT cột sống cổ có tiêm thuốc cản quang giá khoảng 2,2 triệu đồng. Chụp CT sọ não, chụp CT cột sống cổ không tiêm thuốc cản quang giá khoảng 1,6 triệu đồng.
VI. Địa chỉ và số điện thoại liên hệ Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ
Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ (hay còn gọi là Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ)
397 Nguyễn Văn Cừ nối dài, An Bình, Ninh Kiều, Cần Thơ
ĐT: 1800 1115