Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ vừa cứu sống một bệnh nhân bị hôn mê sâu chưa rõ nguyên nhân, nhờ thở máy và điều trị hồi hồi sức tích cực 10 ngày. Đây là trường hợp của ông H.V.D (57 tuổi, quê ở An Giang). 

Theo lời kể của gia đình, cách đây khoảng nửa tháng trong lúc đang tắm, ông D. đột ngột ngã quỵ dẫn đến hôn mê sâu, được đưa vào bệnh viện tỉnh An Giang, được chẩn đoán đột quỵ, nên đã chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ. 

Ông D. vào viện S.I.S trong tình trạng hôn mê sâu, Glasgow 3 điểm, mất phản xạ tự nhiên của cơ thể, suy hô hấp, viêm phổi nặng, suy thận nặng. Các bác sĩ đã cho chỉ định xét nghiệm và chụp MRI để tìm nguyên nhân. Tuy nhiên, lúc đầu vẫn không thể xác định được chính xác nguyên nhân dẫn đến hôn mê của ông D.

Theo bác sĩ Lâm Thành Luân – Khoa Phẫu thuật – Gây mê hồi sức Bệnh viện S.I.S Cần Thơ: “Chúng tôi đã chỉ định chụp MRI não, mạch máu não bằng hệ thống MRI 3T nhanh chóng loại trừ tình trạng đột quỵ và bắt đầu hội chẩn nhiều chuyên khoa, để loại trừ nguyên nhân khác: Chọc dịch não tủy (loại trừ viêm màng não), xét nghiệm tìm độc chất (loại trừ nguyên nhân ngộ độc rượu, do bệnh nhân có tiền sử nghiện rượu), điện não đồ (loại trừ bệnh động kinh cũng như đánh giá hoạt động của não)… tuy nhiên các kết quả này đều trả về bình thường, thực sự đây là một trường hợp rất hiếm gặp”. 

Hình anh MRI não bn H.V.D Cứu sống bệnh nhân hôn mê sâu bằng hồi sức tích cực

Sau hội chẩn, Ông D. được chuyển đến khu Hồi sức tích cực để theo dõi và điều trị: thở máy, duy trì tuần hoàn hô hấp, cân bằng nước điện giải, nuôi ăn, chống nhiễm trùng, vật lý trị liệu chống loét… Các tình trạng nhiễm trùng, suy thận đã cải thiện tốt sau 7 ngày.  Đến ngày thứ 10, ông D. đã hồi phục dần về tri giác như nghe hiểu và nói chuyện với bác sĩ, cử động tay chân tự nhiên không có biểu hiện yếu liệt, và đã rút nội khí quản. 

Cứu sống bệnh nhân hôn mê sâu bằng hồi sức tích cực
Bác sĩ Luân đang theo dõi cho ông D, các tình trạng nhiễm trùng, suy thận đã cải thiện tốt sau 7 ngày điều trị,
Cứu sống bệnh nhân hôn mê sâu bằng hồi sức tích cực
Ngày thứ 10, ông D. đã hồi phục dần về tri giác, đến ngày thứ 13 ông D. ổn định được chuyển lên trại, dự kiến sẽ xuất viện trong vài ngày tới

Cũng theo bác sĩ Luân, trên thực tế ngoài nguyên nhân phổ biến nhất gây hôn mê là đột quỵ, còn có nhiều nguyên nhân khác dẫn đến hôn mê như: ngộ độc (thuốc, rượu), tăng đường huyết, hạ đường huyết quá mức, rối loạn điện giải nặng, trạng thái động kinh, nhiễm trùng hệ thần kinh, đầu nước… Đặc biệt trong trường hợp bệnh nhân có tiền sử nghiện rượu hôn mê còn có thể do thiếu vitamin B1 trầm trọng kéo làm tế bào não bị ngừng hoạt động.

Trong mọi trường hợp bệnh nhân hôn mê sâu, thì việc duy trì sự sống chủ động tích cực tại các khoa Hồi sức (ICU) là rất quan trọng giúp bảo tồn chức năng sống cho bệnh nhân song song với việc tìm nguyên nhân và điều trị nguyên nhân dẫn đến hôn mê là vô cùng quan trọng để cứu sống bệnh nhân.

Qua trường hợp này, các bác sĩ chẩn đoán khả năng cao nhất nguyên nhân gây hôn mê là do thiếu vitamin B1 trên cơ địa bệnh nhân sử dụng rượu bia kéo dài, và cũng nhấn mạnh vai trò điều trị hồi sức tích cực. Việc thăm khám chuyên khoa Thần kinh lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh công nghệ cao đánh giá mạch máu não (MRI 3T) đã giúp các bác sĩ loại trừ nguyên nhân hôn mê do đột quỵ khá dễ dàng giúp việc điều trị được định hướng đúng.   

Kim Cương

Tin tức gần đây