Quý vị thân mến,

Trong chương trình tọa đàm y tế “Đột quỵ: Từ phòng ngừa đến điều trị & phục hồi”, các chuyên gia của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ đã nhận được rất nhiều câu hỏi từ khán giả. Điều này cho thấy mọi người ngày càng quan tâm hơn đến căn bệnh nguy hiểm này và mong muốn tìm hiểu cách phòng ngừa cũng như điều trị hiệu quả.

Tuy nhiên, do thời lượng chương trình có hạn, một số câu hỏi chưa kịp giải đáp trực tiếp trên sóng. Vì vậy, ngay sau đây, BS.CKI Nguyễn Kim Phụng – Phó Khoa Thần kinh Đột quỵ 2, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ sẽ tiếp tục giải đáp những thắc mắc mà khán giả đã gửi về chương trình.

Mời quý vị cùng theo dõi!

1. Khán giả Thái Thị Thuận (44 tuổi, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang), hỏi:

Tôi bị nhồi máu não 2 năm rồi, giờ chân tay vẫn còn tê. Có cách nào chữa dứt điểm không?

Giải đáp:
Tê tay chân sau nhồi máu não có thể do tổn thương hệ thần kinh hoặc các nguyên nhân khác. Nếu nguyên nhân là do đột quỵ, điều trị có thể bao gồm thuốc và tập vật lý trị liệu. Tuy nhiên, mức độ hồi phục nhanh hay chậm, nhiều hay ít còn phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể.

Điều quan trọng là phải kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ để tránh tái phát, vì đột quỵ có thể xảy ra lần nữa nếu không phòng ngừa đúng cách. Bạn nên tái khám định kỳ để bác sĩ đánh giá và có hướng điều trị phù hợp.

2. Khán giả Đỗ Văn Điệp ở Ninh Xá – tỉnh Bắc Ninh, hỏi:

Tôi đột quỵ 1 năm rồi, về giờ liệt tay và chân trái. Tôi năm nay 74 tuổi, xin hỏi còn có thể phục hồi được hay không?

Giải đáp:

Tình trạng liệt tay chân sau đột quỵ có thể được điều trị hỗ trợ bằng nhiều biện pháp phối hợp với nhau, bao gồm thuốc, vật lý trị liệu đúng cách và từ trường xuyên sọ.

Mức độ cải thiện phụ thuộc vào nhiều yếu tố, ví dụ:

  • Thời gian bệnh nhân được tiếp cận điều trị (sớm hay muộn)?
  • Điều trị cấp cứu ban đầu phù hợp (điều trị thuốc/can thiệp phù hợp trong giờ vàng nếu có chỉ định)
  • Vùng tổn thương trên não (vùng chi phối vận động)?
  • Mức độ tổn thương (nhiều/ít)?
  • Phương tiện và cách tập vật lý trị liệu ra sao?

Các trường hợp được điều trị sớm, đúng cách và đầy đủ thì tiên lượng cải thiện sẽ tốt hơn. Song song với việc điều trị triệu chứng thì quan trọng hơn hết là phải xác định nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ đột quỵ để có biện pháp điều trị phòng ngừa tái phát hiệu quả.

Bạn nên đến bác sĩ chuyên khoa để được đánh giá tình trạng hiện tại và hướng dẫn phương pháp phục hồi phù hợp

3. Khán giả Nguyễn Văn Thuận, hỏi:

Thường xuyên bị chuột rút có liên quan đến đột quỵ không?

Giải đáp:

Chuột rút có thể do nhiều nguyên nhân như thiếu vi chất (canxi, magie, kali), vận động quá mức, hoặc bệnh lý thần kinh – cơ. Nếu bạn từng có các dấu hiệu như đột ngột tê, yếu nửa người, méo miệng, nói khó… nhưng sau đó tự hết, thì cần đi khám sớm vì có thể đó là cơn thiếu máu não thoáng qua – dấu hiệu cảnh báo nguy cơ đột quỵ.

4. Khán giả Huyền Si, hỏi:

Rối loạn lo âu hay mỏi vùng đầu có nguy cơ đột quỵ không?

Giải đáp:

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thỉnh thoảng sẽ có lúc lo âu, căng thẳng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu tình trạng lo âu, căng thẳng nhiều và kéo dài, hệ thống mạch máu trong cơ thể sẽ bị ảnh hưởng về sau. Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng, khi bạn lo âu nhiều trong thời gian dài, hàm lượng các stress hormome trong cơ thể sẽ tăng cao, làm tăng huyết áp và nhịp tim. Đồng thời, những người lo âu, căng thẳng nhiều thường có xu hướng hút thuốc nhiều hơn, ít vận động hơn và những yếu tố này, đều liên quan đến đột quỵ.

Nếu bạn thường xuyên lo âu, hãy cố gắng kiểm soát bằng cách tập thể dục, ngủ đủ giấc và có chế độ ăn uống lành mạnh.

5. Khán giả Đào Phạm, hỏi:

Ngoài chụp chiếu phát hiện máu đông, có dấu hiệu nào nhận biết đột quỵ bằng cảm giác hay mắt thường không?

Giải đáp:

Mắt thường con người không thể nhìn thấy được cục máu đông trong lòng mạch máu. Cần lưu ý rằng, có nhiều nguyên nhân gây đột quỵ chứ không phải chỉ do một nguyên nhân là cục máu đông. Do đó, mấu chốt của phòng ngừa đột quỵ là phát hiện, điều trị nguyên nhân (nếu có thể) và kiểm soát các yếu tố nguy cơ.

Đồng thời, việc nhận biết được các triệu chứng đột quỵ là rất quan trọng để người bệnh có thể kịp thời đến cơ sở y tế trong giờ “vàng” để được điều trị hiệu quả. Các dấu hiệu của đột quỵ gồm đột ngột nói khó, đớ lưỡi, méo miệng, tê/yếu/liệt nửa bên. Một số trường hợp có thể đột ngột nhìn mờ hoặc mất thị lực, choáng, đi loạng choạng, mất thăng bằng.

Khi có các dấu hiệu như trên, bạn cần đến các cơ sở y tế càng sớm càng tốt (tốt nhất trong vòng 4.5 giờ) để được khám xác định nguyên nhân và điều trị nhé.

Kim Cương

Tin tức gần đây