Ngày nay, bệnh gout ngày càng phổ biến, không chỉ ở nam giới trung niên mà còn xuất hiện ở phụ nữ và người trẻ. Nhiều người bất ngờ khi thấy mình sưng đau khớp, đi lại khó khăn, rồi lại chủ quan vì cơn đau tự hết – để rồi bệnh tái phát nặng hơn.

Vậy gout là bệnh gì? Ăn uống nhiều đạm có phải là nguyên nhân duy nhất? Làm sao để nhận biết và điều trị đúng cách? Và quan trọng nhất – phải làm gì để sống khỏe mạnh khi đã mắc gout?

Chúng tôi đã có buổi trò chuyện cùng ThS.BS Nguyễn Trần Duy – Khoa Ngoại tổng hơp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ – để giải đáp những thắc mắc thường gặp nhất xoay quanh căn bệnh này.

Gout – không còn là "bệnh nhà giàu" như nhiều người lầm tưởng

1. Thưa bác sĩ, có phải chỉ những người ăn nhiều đạm mới bị gout không? Nguyên nhân gây ra bệnh gout là gì ạ?

THS.BS Nguyễn Trần Duy: Đây là câu hỏi mà tôi gặp rất thường xuyên trong quá trình khám bệnh hằng ngày.

Trước đây, bệnh gout (hay còn gọi là viêm khớp gút) thường được cho là “bệnh của nhà giàu” – vì hay gặp ở những người ăn uống nhiều chất đạm, thịt cá, hải sản, uống bia rượu. Đối tượng mắc chủ yếu là nam giới.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, chúng tôi ghi nhận bệnh xuất hiện cả ở nữ giới và có xu hướng trẻ hóa. Như vậy, gout không chỉ liên quan đến chế độ ăn uống nữa, mà còn do nhiều yếu tố khác như: rối loạn chuyển hóa, di truyền, béo phì, ít vận động, dùng thuốc lợi tiểu kéo dài, v.v.

2. Triệu chứng của bệnh gout thường biểu hiện như thế nào, làm sao để phân biệt với các bệnh viêm khớp khác?

THS.BS Nguyễn Trần Duy: Bệnh gout thường khởi phát đột ngột với các biểu hiện sưng – nóng – đỏ – đau tại khớp. Vị trí thường gặp là: khớp ngón chân cái, cổ chân, cổ tay, khớp gối, khớp khuỷu… Khớp bị viêm khiến bệnh nhân đau dữ dội, đi lại khó khăn, gần như không thể vận động.

Cơn đau có thể kéo dài vài ngày đến hai tuần, rồi tự hết khiến người bệnh chủ quan, tưởng là đã khỏi. Nhưng thực chất, bệnh vẫn âm thầm tiến triển và dễ tái phát nếu không điều trị đúng.

Ngoài các triệu chứng lâm sàng, chúng tôi còn xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ axit uric – một chỉ số thường tăng cao trong đợt cấp của gout.

Gout – không còn là "bệnh nhà giàu" như nhiều người lầm tưởng

3. Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ đang áp dụng phương pháp điều trị nào để hỗ trợ bệnh nhân gout, thưa bác sĩ?

THS.BS Nguyễn Trần Duy: Gout là bệnh không quá khó điều trị nếu được phát hiện sớm và tuân thủ đúng phác đồ.

Tại Chuyên khoa cơ xương khớp – chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ, chúng tôi áp dụng điều trị kết hợp không dùng thuốc và dùng thuốc:

  • Không dùng thuốc: Bệnh nhân được tư vấn thay đổi lối sống – ăn uống lành mạnh, hạn chế thực phẩm nhiều purin như thịt đỏ, nội tạng động vật, hải sản có vỏ cứng. Đồng thời, cần kiêng bia rượu và bỏ thuốc lá.
  • Dùng thuốc: Trong đợt cấp, chúng tôi sử dụng thuốc giảm đau, kháng viêm mạnh. Nếu bệnh nhân đau nhiều, có thể chỉ định tiêm thuốc kháng viêm trực tiếp vào khớp để kiểm soát cơn đau nhanh chóng

4. Bác sĩ có lời khuyên gì để giúp bệnh nhân phòng ngừa gout tái phát và bảo vệ sức khỏe xương khớp lâu dài không ạ?

THS.BS Nguyễn Trần Duy: Gout là bệnh mạn tính – tức là có thể tái đi tái lại – nên điều quan trọng là phòng ngừa tái phát.

Để phòng ngừa gout tái phát, người bệnh cần:

  • Duy trì lối sống lành mạnh, kiểm soát cân nặng hợp lý.
  • Tăng cường vận động, tập thể dục đều đặn.
  • Hạn chế ăn thực phẩm chứa nhiều purin (thịt đỏ, lòng, hải sản…).
  • Tránh bia rượu và uống nhiều nước để hỗ trợ đào thải axit uric.
  • Tái khám định kỳ và tuân thủ điều trị nếu đã được chẩn đoán gout.

Kim Cương

Tin tức gần đây