Bệnh nhân C.T.M thường xuyên bị mệt mỏi, huyết áp tăng cao không kiểm soát được bằng thuốc, nghĩ tưởng do bệnh tim nhưng hóa ra lại bị dị dạng động mạch thận hiếm gặp. Tuy nhiên, sau khi được can thiệp nội mạch, bệnh nhân đã khỏe mạnh hoàn toàn trở lại.
Bà C.T.M nhập viện tại bệnh viện Đa khoa S.I.S Cần Thơ lần đầu trong tình trạng huyết áp tăng cao, kèm theo các dấu hiệu của suy tim, nên khiến cơ thể thường xuyên mệt mỏi, khó thở và té ngã. Sau khi được thăm khám và cấp thuốc điều trị theo dõi tại nhà, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định và đi lại bình thường.
Tuy nhiên, sau hơn 1 tháng điều trị, bà M. tiếp tục xuất hiện các triệu chứng ngày càng khó chịu hơn như mệt mỏi kéo dài 2-3 tiếng đồng hồ, khó thở, ăn ngủ không được, huyết áp luôn trong tình trạng tăng cao vào buổi chiều và uống thuốc không kiểm soát được huyết áp.
Chị Duyên, con bệnh nhân C.T.M cho biết: “Trước đây khi chưa mắc bệnh, huyết áp của mẹ tôi thường không ổn định khoảng 20 ngày trong vòng 1 tháng. Và do mẹ tôi không uống thuốc huyết áp thường xuyên, nên sau này điều trị mới uống đều. Nhưng sau này thấy biểu hiện bệnh thận ngày càng rõ và huyết áp không thể hạ xuống.”
Nhận thấy tình trạng của mẹ ngày càng không ổn, chị Duyên quyết định cho bà nhập viện tiếp để điều trị. Trong quá trình thăm khám và theo dõi 1 tuần tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ, cuối cùng các bác sĩ cũng đã phát hiện bệnh nhân C.T.M bị dị dạng rò trực tiếp động tĩnh mạch thận (AVF thận) bên phải rất phức tạp.
Tổn thương rò trực tiếp từ thân chính của động mạch thận đi trực tiếp vào tĩnh mạch thận và về tĩnh mạch chủ, đường kính 12-13mm. Kích thước này cao gấp 2-3 lần động mạch thận bình thường gây nên hiện tượng dòng máu trở về tim và làm bệnh nhân suy tim phải nặng nề với dấu hiệu khó thở, tăng huyết áp.
ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường – Trưởng khoa Nội Tim mạch bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ thăm khám cho bệnh nhân C.T.M
BS.CK2 Ngô Minh Tuấn – Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh – Trưởng Đơn vị can thiệp mạch máu tạng – ngoại biên Bệnh viện S.I.S Cần Thơ cho biết: “Chúng tôi phát hiện triệu chứng nổi trội của bệnh nhân này là tăng huyết áp và không kiểm soát được bằng thuốc. Việc điều trị vô cùng khó khăn do lỗ rò quá lớn và trực tiếp, lưu lượng cao nên nếu bác sĩ can thiệp không có nhiều kinh nghiệm hoặc không có phương tiện hiện đại hỗ trợ thì khả năng thất bại rất lớn.
May mắn, sau hội chẩn chúng tôi quyết định can thiệp bằng đường trực tiếp, sau đó dùng bóng, dù chặn bớt dòng máu lại và dùng vật liệu sinh học bằng keo để hỗ trợ. Chúng tôi huy động toàn bộ ekip bệnh viện thực hiện can thiệp nội mạch khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ đã thành công.”
Sau can thiệp 24 giờ, bệnh nhân C.T.M đã biến mất hoàn toàn các triệu chứng khó chịu mà không cần dùng thuốc, huyết áp cũng trở về bình thường 120-130Hmg, triệu chứng đau ở lưng cũng hết và đặc biệt bệnh nhân thở bình thường không cần hỗ trợ hô hấp.
Niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt của bệnh nhân C.T.M và con gái sau ca can thiệp thành công
Chị Duyên xúc động nói: “Sau can thiệp, tôi thấy sức khỏe của mẹ tốt hơn nhiều. Mẹ không còn mệt mỏi, ngủ được và ăn ngon hơn. Quan trọng cải thiện được vấn đề mệt nên người mẹ rất khỏe. Vì mẹ cứ mệt thường xuyên khi ở nhà rất nguy hiểm và sợ. Tôi thấy mẹ được đến bệnh viện Đa khoa S.I.S Cần Thơ là rất may mắn khi được xử lý đúng bệnh.”
“Điều này cũng phù hợp với y văn trên thế giới là những trường hợp có biểu hiện suy tim, ứ huyết hay tăng huyết áp do nguyên nhân bệnh lý mạch máu, đặc biệt trong rò tĩnh mạch thận nếu can thiệp thành công gần như giải quyết được hoàn toàn triệu chứng mà không cần sự hỗ trợ của thuốc.” – BS.CK2 Ngô Minh Tuấn cho biết thêm.
Dị dạng động mạch thận là một bệnh hiếm gặp, do sự liên lạc bất thường giữa hệ thống tĩnh mạch và động mạch nội thận. Có 2 loại bệnh lý mạch máu ở thận là dị dạng mạch máu bẩm sinh và mắc phải.
Trong đó, dị dạng động tĩnh mạch thận (AVM thận) đa phần bẩm sinh và chiếm khoảng 1/3 tất cả các loại dị dạng mạch máu ở thận. Thứ 2 là rò trực tiếp động tĩnh mạch thận (AVF thận) chiếm khoảng 80% các loại dị dạng mạch máu ở thận và là nguyên nhân mắc phải. Nguyên nhân này chỉ chiếm 3% và thường xảy ra do chấn thương, bao gồm:
– Chấn thương do can thiệp thủ thuật, phẫu thuật vùng thận: sinh thiết thận qua da, tán sỏi thận qua da, hoặc thủ thuật xuyên da vào thận.
– Chấn thương trực tiếp do vật sắc nhọn như dao đâm vào thận.
Điều trị dị dạng động tĩnh mạch bằng can thiệp nội mạch đang là xu thế, do ít xâm lấn, ít gây tổn hại và mang lại hiệu quả cao cho người bệnh.
Theo Cẩm Chi – benhdotquy.net
Xem bài viết gốc tại đây