Miền Nam đang bước vào giữa mùa mưa, tạo thuận lợi cho nhiều bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh về hô hấp.

Theo ghi nhận tại S.I.S, số ca bệnh về hô hấp nhập viện có sự gia tăng, đặc biệt là viêm phổi ở người cao tuổi có bệnh lý nền. Người cao tuổi, người cao tuổi có bệnh nền khi mắc viêm phổi có nguy cơ diễn tiến nặng và tử vong cao.

Khoảng 10 ngày nay, bà L.T.T, 77 tuổi, quê ở Kiên Giang, liên tục ho nhiều về đêm, chảy mũi, sốt cao, khó thở hơn khi nằm.

Không nên chủ quan bệnh viêm phổi ở người già có bệnh lý nền
BS. Tô Thanh Ửng đang thăm khám cho bà T.

Tuổi đã cao, cùng với mắc nhiều bệnh nền như tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ, nên khi bà T. có những bất thường, gia đình đã đưa bà đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ để điều trị. Theo các bác sĩ, bà T. bị viêm phổi, suy tim, rung nhĩ. Sau hai ngày điều trị kháng sinh, loãng đàm, khí dung kèm theo điều trị các bệnh lý nền sức khỏe của bà T. đã có tiến triển tốt hơn.

Không nên chủ quan bệnh viêm phổi ở người già có bệnh lý nền
BS. Tô Thanh Ửng đang thăm khám cho bà H.

Nằm cạnh bà T. là bà M.Y.N.H (64 tuổi, quê Kiên Giang), cũng vào viện với các triệu chứng như ho đàm nhiều, khó thở. Sau 5 ngày điều trị, tình trạng viêm phổi trên nền xơ gan, tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư vú (đã phẫu thuật cắt 2 bên) đã có cải thiện.

Cảnh báo của bác sĩ chuyên khoa

Lý giải về việc người già có bệnh nền thường dễ mắc viêm phổi vào mùa mưa, BS. CKI Tô Thanh Ửng – Trưởng khoa Nội tổng hợp 2, Bệnh viện ĐKQT S.I.S Cần Thơ cho biết, mùa mưa thời tiết khá ẩm ướt, đây là điều kiện thuận lợi của nhiều loại virus, vi khuẩn có môi trường phát triển.

Cùng với đó, ở người cao tuổi mắc một số bệnh lý khác, như: đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, cao huyết áp, tim mạch… thì hệ thống miễn dịch cũng giảm hơn, điều này đã tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus xâm nhập và phát triển gây nên các bệnh nhiễm trùng, trong đó có viêm phổi.

Bác sĩ Ửng khuyến cáo, để phòng ngừa bệnh viêm phổi không nên để người cao tuổi bị nhiễm lạnh, nhất là nhiễm lạnh đột ngột. Luôn giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng cổ, ngực và hai bàn chân, cũng như cần vệ sinh sạch sẽ, tạo môi trường thoáng khí.

Khi có các dấu hiệu như sốt cao kèm ngủ li bì, ít nói, chán ăn, có nhịp tim nhanh, huyết áp thấp kèm theo khó thở, thở bất thường… cần đưa ngay đến bệnh viện chuyên khoa để thăm khám và điều trị kịp thời.

Ngoài ra, việc tiêm ngừa cúm, phế cầu là một trong những cách phòng ngừa đơn giản, hiệu quả và tiết kiệm giúp người lớn và trẻ em (từ 6 tháng) phòng ngừa tốt căn bệnh này.

Kim Cương, ảnh: Đức Thịnh

Tin tức gần đây