Tầm soát sớm đột quỵ là một giải pháp hiệu quả để nhận diện những dấu hiệu cảnh báo và giảm thiểu rủi ro của đột quỵ.
Trong các phương pháp tầm soát hiện nay, chụp cộng hưởng từ (MRI) mạch máu não được xem là kỹ thuật nổi bật, hỗ trợ phát hiện các bất hường trong não bộ, đặc biệt là các yếu tố tiềm ẩn có thể dẫn đến đột quỵ.
Chúng tôi có cuộc phỏng vấn BS. CKII Ngô Minh Tuấn – Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh – Thăm dò chức năng, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ, để hiểu rõ hơn về lợi ích của MRI trong tầm soát đột quỵ.
PV: Chụp cộng hưởng từ (MRI) được xem là kỹ thuật tối ưu cho việc tầm soát sớm đột quỵ, bác sĩ có thể chia sẻ rõ hơn vì sao nó lại được phổ biến như vậy ạ?
BS. CKII Ngô Minh Tuấn: Thưa quý độc giả,
Kỹ thuật chụp cộng hưởng từ mạch máu não (hay còn gọi là chụp MRI mạch máu não) là phương pháp chẩn đoán hình ảnh rất đặc biệt và có giá trị lớn trong tầm soát đột quỵ.
Về nguyên lý cơ bản MRI sử dụng từ trường và sóng radio. Do đó, độ mạnh của từ trường càng cao sẽ tạo ra hình ảnh với độ phân giải không gian và thời gian càng tốt.
Đôi khi, MRI không cần sử dụng thuốc tăng cường độ tương phản mà vẫn có thể ghi nhận được hình ảnh mạch máu não một cách chính xác. Chính vì vậy, MRI trở thành phương pháp phổ biến trong việc tầm soát đột quỵ.
PV: Một trong những ưu điểm nổi bật của MRI là khả năng hiển thị rõ ràng cấu trúc não và mạch máu não. Vậy MRI có thể giúp phân biệt các loại đột quỵ não không? Giá trị của MRI trong tầm soát đột quỵ như thế nào ạ?
BS. CKII Ngô Minh Tuấn: Đúng vậy. MRI 3 Tesla hiện đang sử dụng tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ có khả năng phân biệt các cấu trúc trong não cũng như tình trạng bệnh lý mạch máu não.
Ví dụ: MRI có thể phát hiện tình trạng hẹp động mạch não, các bệnh lý như dị dạng mạch máu não hay túi phình mạch máu não.
Với khả năng của MRI 3 Tesla, chúng ta có thể phát hiện và xác định nguy cơ đột quỵ trong tương lai.
PV: Những ai nên chụp MRI & độ tuổi nào là cần thiết để tầm soát đột quỵ, thưa BS?
BS. CKII Ngô Minh Tuấn: Tầm soát đột quỵ nên ưu tiên cho những bệnh nhân đã từng bị đột quỵ. Tiếp theo là những người đã từng có cơn thiếu máu não thoáng qua. Đặc biệt, những người có bệnh lý nền như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường, thói quen hút thuốc lá, thường xuyên sử dụng rượu bia, hoặc người béo phì.
Ngoài ra, những người có bệnh lý mạch máu ngoại biên đã được chẩn đoán, bệnh nhân đã được điều trị hoặc theo dõi các bệnh lý như hẹp động mạch cảnh, dị dạng mạch máu não, bệnh lý tim mạch như rối loạn nhịp tim, bệnh mạch vành, bệnh cơ tim, bệnh van tim cũng nên tầm soát.
Đặc biệt, bệnh nhân có hội chứng ngưng thở khi ngủ hoặc những người có tiền sử gia đình có người bị đột quỵ cần tầm soát càng sớm càng tốt.
PV: Vì sao chụp MRI tại S.I.S luôn phát hiện bệnh chính xác hơn ạ?
BS. CKII Ngô Minh Tuấn: Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ được đầu tư các trang thiết bị y tế hiện đại, đặc biệt là các phương tiện chẩn đoán hình ảnh tiên tiến, có thể nói là các thiết bị hiện đại nhất trên thế giới có, thì tại S.I.S đều có. Chính vì vậy, bệnh viện có thể mang lại những ưu điểm vượt trội để phục vụ cộng đồng.
Thứ hai, đội ngũ bác sĩ và các ê kíp tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ được đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn cao từ chuyên khoa I, chuyên khoa II trở lên. Điều này giúp chúng tôi phát huy tối đa giá trị của các phương tiện chẩn đoán hình ảnh mà bệnh viện đã đầu tư, mang lại kết quả chẩn đoán chính xác nhất cho người bệnh.
PV: Tầm soát đột quỵ bằng MRI thì bao lâu nên thực hiện một lần?
BS. CKII Ngô Minh Tuấn: Theo khuyến cáo chung hiện nay, nên tầm soát một năm một lần. Đối với những người có yếu tố nguy cơ cao, như đã nêu ở trên, tần suất tầm soát có thể là ba tháng, sáu tháng, hoặc chín tháng một lần. mục đích để phát hiện ra tất cả những yếu tố nguy cơ, để kiểm soát, quản lý, theo dõi hoặc thay đổi lối sống, sao cho phù hợp.
Kim Cương, ảnh: Tuấn Anh