Trong khoảng 5 năm trở lại đây, trên những phương tiện truyền thông có rất nhiều thông tin về bệnh lý tiểu đường và các hướng dẫn cách tự điều trị. Điều này cho thấy người dân bắt đầu ý thức hơn, tuy nhiên khi có quá nhiều nguồn thông tin chưa được kiểm chứng, sẽ dễ dẫn đến tình trạng loạn thông tin. 

Thời gian qua, tại Bệnh viện Đa khoa quốc tế SIS Cần Thơ đã tiếp nhận và điều trị cho rất nhiều bệnh nhân đến trong tình trạng  biến chứng nặng nề như tắc chi, hoại tử chi buộc phải đoạn chi, suy thận thậm chí đột quỵ, vì chủ quan và tin theo những hướng dẫn trên mạng. 

Chính vì thế, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ – Bác sĩ Nguyễn Minh Nguyệt- Phụ trách khoa khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Cần Thơ để giúp bệnh nhân có thêm những kiến thức hữu ích về bệnh lý này. 

Ths BS Nguyễn Minh Nguyệt – Phụ trách khoa khám bệnh. Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ

PV: Thưa bác sĩ, xin bác sĩ hãy cho biết bệnh tiểu đường hay bệnh đái tháo đường là gì? Và người dân cần hiểu như thế nào cho đúng về bệnh lý này?

Thạc sĩ – Bác sĩ Nguyễn Minh Nguyệt:  

Bệnh tiểu đường hay đái tháo đường được Hiệp hội đái tháo đường Mỹ (ADA) định nghĩa như sau: “Đái tháo đường còn gọi là bệnh tiểu đường, là một nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa cacbohydrat khi hóc-môn insulin của tụy bị thiếu hay giảm tác động trong cơ thể, biểu hiện bằng mức đường trong máu luôn cao”.

Đối với người bình thường, sau khi ăn, tuyến tụy tiết ra insulin,nó hoạt động như một chìa khóa mở ra cánh cửa cho phép đường vào các tế bào, để giúp tạo năng lượng cho cơ thể và giúp làm giảm lượng đường máu. Trong khi đó, ở người đái tháo đường, tuyến tụy bắt đầu không tiết đủ insulin hoặc các tế bào trở nên đề kháng với insulin, làm cho đường thay vì vào các tế bào thì tích tụ trong máu khiến đường huyết cao hơn bình thường.

PV: Khi bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường, thì có dấu hiệu nào để nhận biết không, thưa bác? Và đường huyết bao nhiêu được xem là bị tiểu đường, thưa bác sĩ? 

Thạc sĩ – Bác sĩ Nguyễn Minh Nguyệt: 

Đối với bệnh nhân bị đái tháo đường, có những dấu hiệu sau đây: bạn liên tục khát nước dù bạn đã uống và luôn muốn uống nhiều hơn; bạn đi tiểu nhiều lần trong ngày; bạn bị sụt cân bất thường; bạn luôn cảm thấy đói và mệt mỏi; thị lực của bạn bỗng dưng bị yếu đi. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bạn chưa có dấu hiệu nào bất thường, bạn vẫn có nguy cơ bị tiểu đường, vì thế bạn cần nên có kế hoạch thăm khám định kỳ, kết hợp rèn luyện sức khỏe từ hôm nay. 

Tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường (theo Hiệp Hội Đái tháo đường Mỹ – ADA) dựa vào 1 trong 4 tiêu chuẩn sau đây:

a) Glucose huyết tương lúc đói (fasting plasma glucose: FPG) ≥ 126 mg/dL (hay 7 mmol/L). b) Glucose huyết tương ở thời điểm sau 2 giờ làm nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống 75g (oral glucose tolerance test: OGTT) ≥ 200 mg/dL (hay 11,1 mmol/L)..

c) HbA1c ≥ 6,5% (48 mmol/mol).

d) Ở bệnh nhân có triệu chứng kinh điển của tăng glucose huyết hoặc mức glucose huyết tương ở thời điểm bất kỳ ≥ 200 mg/dL (hay 11,1 mmol/L).
Nếu không có triệu chứng kinh điển của tăng glucose huyết (bao gồm tiểu nhiều, uống nhiều, ăn nhiều, sụt cân không rõ nguyên nhân).

Trong điều kiện thực tế tại Việt Nam, nên dùng phương pháp đơn giản và hiệu quả để chẩn đoán đái tháo đường là định lượng glucose huyết tương lúc đói 2 lần ≥ 126 mg/dL (hay 7 mmol/L). Nếu HbA1c được đo tại phòng xét nghiệm được chuẩn hóa quốc tế, có thể đo HbA1c 2 lần để chẩn đoán đái tháo đường. 

PV: Đái tháo đường được phân loại như thế nào, thưa bác?

Thạc sĩ – Bác sĩ Nguyễn Minh Nguyệt: 

Phân loại bệnh tiểu đường:

Tiểu đường tuýp 1: Chiếm khoảng 5 – 10% tổng số bệnh nhân bệnh tiểu đường, thường gặp nhất ở trẻ em và người trẻ tuổi dưới 20 tuổi. Các triệu chứng thường khởi phát đột ngột và tiến triển nhanh nếu không điều trị.

Tiểu đường tuýp 2: Chiếm khoảng 90 – 95 % trong tổng số bệnh nhân bệnh tiểu đường, thường gặp ở lứa tuổi trên 40, nhưng gần đây xuất hiện ngày càng trẻ hóa, gặp nhiều ở độ tuổi 30 đến 40 tuổi Và thông thường bệnh nhân được chẩn đoán tiền đái tháo đường nếu không ngăn ngừa, từ 3 – 10 năm sẽ chuyển sang tiểu đường tuýp 2. . 

Tiểu đường thai kỳ: Tỷ lệ bệnh tiểu đường trong thai kỳ chiếm 3 – 5 % số thai nghén, thường được phát hiện lần đầu tiên trong khoảng thai từ 24 đến 26 tuần. 

Ngoài ra còn có Đái tháo đường do các nguyên nhân khác

PV: Đối tượng nào dễ mắc bệnh đái tháo đường, thưa bác sĩ? 

Thạc sĩ – Bác sĩ Nguyễn Minh Nguyệt: Nếu một người có các yếu tố nguy cơ như: thừa cân, béo phì; ít vận động thể lực; lớn hơn 45 tuổi; có mắc các bệnh tăng huyết áp hay mỡ máu; tiền căn trong gia đình có người bị đái tháo đường tuýp 2; phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang; đã từng bị đái tháo đường thai kỳ hay sinh con nặng trên 4kg, thì nên xét nghiệm đường máu định kỳ và cần sự tư vấn của bác sĩ.

PV: Vậy biến chứng thường gặp nhất của bệnh nhân đái tháo đường là gì thưa bác sĩ?

Thạc sĩ – Bác sĩ Nguyễn Minh Nguyệt:   Biến chứng của bệnh tiểu đường thường rất nặng nề, bệnh nhân có thể bị biến chứng lên Mắt gây mù, là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến mù lòa ở người tiểu đường; biến chứng lên Tim gây ra tình trạng nhồi máu cơ tim, tỷ lệ này cao gấp 2 lần so với người bình thường; biến chứng lên Não gây đột quỵ, tỷ lệ này cao gấp 3 lần so với người bình thường; biến chứng lên thận gây suy thận. Đặc biệt, đối với bệnh nhân tiểu đường dễ dẫn đến tắc mạch máu chi gây mất cảm giác. Khi xảy ra va vấp chảy máu chân sẽ không đau đớn nhiều, bệnh nhân thường không quan tâm, dần dần chân bị hoại tử dẫn đến việc phải đoạn chi. 

Tại Bệnh viện Đa khoa quốc tế SIS Cần Thơ, thời gian qua đã tiếp nhận và điều trị cho không ít bệnh nhân bị biến chứng do tiểu đường buộc các bác sĩ phải chỉ định đoạn chi chân, hay can thiệp mạch máu do tiểu đường dẫn đến đột quỵ. 

PV: Từ những biến chứng trên, có thể thấy bệnh tiểu đường là một bệnh lý vô cùng thầm lặng nhưng sự tàn phá rất nặng nề. Vậy bác sĩ có những lời khuyên nào cho người dân về cách phòng tránh bệnh đái tháo đường không, thưa bác? 

Thạc sĩ – Bác sĩ Nguyễn Minh Nguyệt:  CÁCH PHÒNG TRÁNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TYP 2

Theo khuyến cáo từ Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA), rèn luyện thói quen sống lành mạnh là chiếc chìa khóa vàng, giúp phòng tránh bệnh đái tháo đường (tiểu đường) nói riêng và các bệnh tim mạch nói chung. Các phương pháp này rất đơn giản, không tốn kém, không gây đau đớn và ai cũng có thể thực hiện được để đẩy lùi căn bệnh mãn tính này.

Dù là người có sức khỏe bình thường hay thuộc nhóm nguy cơ cao đái tháo đường (tiểu đường), bạn hãy luôn nhớ rằng không bao giờ là quá trễ để rèn luyện thói quen sống lành mạnh. Bạn có thể bắt đầu với 6 lưu ý sau:

Kiểm soát mức huyết áp

Tuân thủ chế độ dinh dưỡng lành mạnh

Cai thuốc lá, chất gây nghiện

Tăng cường rèn luyện thể dục thể thao

Nghỉ ngơi, thư giãn tinh thần

Hiện, vào mỗi thứ 3 hàng tuần, tại Bệnh viện Đa khoa quốc tế SIS Cần Thơ luôn có chương trình tầm soát và tư vấn tiểu đường hoàn toàn miễn phí cho bệnh nhân, thân nhân khi đến thăm khám. Chương trình ra đời với mong muốn chung tay vì cộng đồng chủ động kiểm soát và ngăn ngừa bệnh đái tháo đường tốt hơn, từ đó giúp nâng cao ý thức cộng đồng về bệnh đái tháo đường – được coi là “kẻ giết người  thầm lặng”. 

Thông tin liên hệ khi cần đăng ký tầm soát tiểu đường miễn phí:

Số điện thoại:  02923 789 911

Địa chỉ: Bệnh viện Đa khoa quốc tế SIS Cần Thơ, 397 Nguyễn Văn Cừ nối dài, phường An Bình, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. 

PV: Xin cảm ơn sự chia sẻ của Bác sĩ! 

Tin tức gần đây