Một cụ ông 73 tuổi, ngụ huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ, đã may mắn thoát khỏi “lưỡi hái tử thần” sau khi bị đột quỵ nặng, nhờ được cấp cứu và can thiệp mạch não kịp thời trong “thời gian vàng” tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ.

Đây không chỉ là cảm nhận của bệnh nhân và gia đình, mà còn là đánh giá chuyên môn của các bác sĩ trực tiếp điều trị, bởi trên thực tế, rất hiếm trường hợp tắc động mạch thân nền có thể được cứu sống và phục hồi ngoạn mục như ông.

Đột ngột liệt nửa người, không nói được lúc 3 giờ sáng

Trước đó hai ngày, ông P. bắt đầu có dấu hiệu huyết áp tăng, kèm theo nôn ói và chóng mặt. Tưởng chỉ là bệnh tuổi già, nên ông đã đến chích thuốc ở phòng khám tư gần nhà. Đến khoảng 3 giờ sáng ngày 16/6, ông bất ngờ không thể cử động tay phải, không nói được, không thể ngồi dậy.

Gia đình lập tức chuyển ông đến bệnh viện địa phương, sau đó nhanh chóng chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ. Vì gia đình biết đây là nơi chuyên sâu về điều trị đột quỵ tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Can thiệp cấp cứu trong giờ vàng, giành lại sự sống

Tại đây, qua thăm khám và chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ xác định ông P. bị đột quỵ nhồi máu não do tắc động mạch thân nền, đồng thời tắc luôn động mạch đốt sống bên phải. Đây là một trong những thể đột quỵ nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong cao nếu không được xử trí kịp thời.

Ngay lập tức, ekip can thiệp thần kinh tiến hành chụp mạch số hóa xóa nền (DSA), nong và đặt stent điều trị hẹp động mạch nội sọ. Ca can thiệp diễn ra khẩn trương, đúng thời điểm “giờ vàng”,  tức dưới 6 giờ đầu kể từ khi khởi phát triệu chứng.

Kết quả thật sự ngoài mong đợi. Sau một tuần điều trị tích cực, ông P. phục hồi gần như hoàn toàn. Đến ngày tái khám sau xuất viện (7/7), ông đã đi lại bình thường, không còn chóng mặt hay choáng váng, trí nhớ ổn định, lời nói rõ ràng.

TS.BS Trần Chí Cường cùng ông P. (áo caro xanh) trong ngày tái khám, hôm 7/7/2025.

Sợ bác sĩ nói mình bị quên ông P. cứ nói đi nói lại: “Sau khi được cứu sống lại… ngay trong phòng hồi sức có rất nhiều bác sĩ đến thăm khám, tôi nhớ hết và đến nay về nhà tôi nhà nhớ hết, đi đứng bình thường không còn chóng mặt choáng váng nữa. Tôi cũng không ngờ tôi khoẻ lại được như vậy! Tôi cám ơn các bác sĩ!”

“Nếu trễ hơn vài giờ, kết cục đã rất khác…”

TS.BS Trần Chí Cường – Giám đốc chuyên môn Bệnh viện S.I.S Cần Thơ nhận định: “Nếu bệnh nhân đến muộn hơn vài giờ, kết cục rất có thể đã rơi vào hôn mê sâu, thậm chí tử vong. Chúng tôi rất cảm ơn sự chủ động của người nhà khi nhận biết sớm các dấu hiệu bất thường và đưa đi cấp cứu kịp thời.”

Nếu bệnh nhân không được tái thông kịp thời, vùng cầu não, hành não của bệnh nhân sẽ bị tổn thương hoàn toàn, sau đó chức năng hô hấp, tim mạch cũng sẽ bị ngưng trệ, bệnh nhân có thể diễn tiến tử vong ngay sau đó. Theo thống kê, ở bệnh nhân bị tắc động mạch thân nền nguy cơ tử vong có thể lên đến trên 90%. – TS.BS Trần Chí Cường

Thời gian vàng trong đột quỵ từ 4 đến 6 giờ. Đây là thời gian tốt nhất để cứu sống bệnh nhân và bệnh nhân có cơ hội phục hồi tốt nhất. Một phút trôi qua bệnh nhân đột quỵ sẽ mất đi 2 triệu tế bào não. Theo Y văn: tiết kiệm được mỗi 15 phút cho bệnh nhân đột quỵ sẽ giảm được 4% tử vong và tàn phế cho người bệnh.

Kim Cương

Tin tức gần đây