Sau cú té ngã sụm lưng, nằm liệt suốt 3 tháng, người phụ nữ ở An Giang đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ để bác sĩ bơm xi măng sinh học vào đốt sống. Sau can thiệp, lưng giảm đau nhiều, bà xoay trở người thoải mái, tránh biến chứng viêm phổi, lở loét do nằm lâu

Tai nạn sinh hoạt tưởng nhẹ nhàng, chỉ đơn giản là trượt chân té ngã, không ngờ khiến bà P.T.Đ. ở An Giang bị sụm lưng, nằm liệt suốt 3 tháng trời. Chỉ cần cử động là cơn đau ập đến khiến bà không dám ngồi dậy.

Lối thoát mở ra khi bà được biết một người quen ở gần nhà, cũng đau lưng như mình, đã được bơm xi măng đốt sống tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ, rất hiệu quả nên bà cũng tìm đến, hi vọng mình sẽ thoát cảnh nằm liệt giường.

Sau khi thăm khám, các bác sĩ Bệnh viện S.I.S thấy bà Đ. có một đốt sống bị xẹp. BS.CK1 Nguyễn Quang Hưng – khoa Ngoại tổng hợp cho biết, ở một bệnh nhân loãng xương, té ngã gây đau nhiều thì phương pháp điều trị tại S.I.S là tạo hình thân đốt sống bằng xi măng sinh học (thường gọi là bơm xi măng sinh học).

“Trong quá trình thực hiện, người bệnh tỉnh táo hoàn toàn, có thể theo dõi phản ứng của bệnh nhân đau như thế nào, đồng thời trên hình ảnh bác sĩ sẽ nhìn thấy kim đi tới đâu… Xi măng sinh học có tính chất giống như xương nhưng cứng hơn, đông cứng trong vài phút sẽ làm ổn định chỗ gãy, giảm đau các đầu mút thần kinh, kết hợp với một số cơ chế giảm đau khác, nhờ đó bệnh nhân dễ dàng xoay trở, tránh được những biến chứng viêm phổi hay loét do nằm lâu”.

BS.CK1 Nguyễn Quang Hưng hỏi thăm tình hình bà P.T.Đ. ngay sau ca bơm xi măng đốt sống – Ảnh: BVCC

Sau ca can thiệp, nữ bệnh nhân hết sức vui mừng: “So với hồi chưa bơm thì tôi khoẻ dữ lắm luôn. Hồi chưa bơm thì nhích nhích từng chút một, qua ngồi xe không được. Còn bây giờ tôi tự qua xe được rồi, thấy nhẹ trong người, như là giảm cả mấy ký luôn đó. Tôi thấy như không còn bệnh nữa rồi”.

Nghe bác sĩ nói chỉ ngày mai là bà được ngồi dậy ăn cơm, bà càng phấn chấn, bởi suốt 3 tháng qua mọi sinh hoạt cá nhân phải phụ thuộc vào người khác, ăn uống có người đút, vô cùng bất tiện.Đối với những trường hợp đau cột sống do chấn thương hoặc xẹp đốt sống do loãng xương, có khối u hoặc do những chấn thương đi kèm thì khi đó bác sĩ sẽ có chỉ định bơm xi măng.

Tuy nhiên, khi đọc kết quả MRI phải nhận thấy có phù thân đốt sống, nghĩa là bệnh nhân bị yếu vùng xẹp và có nguy cơ xẹp thêm mới có chỉ định bơm. Nếu bệnh nhân xẹp quá 50% chiều cao thân đốt sống thì sẽ không được chỉ định bơm xi măng sinh học.

Bơm xi măng vào cột sống là một thủ thuật ít xâm lấn; tuy nhiên để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân thì trước khi thực hiện kĩ thuật bệnh nhân cần: xét nghiệm máu, siêu âm, chụp X-quang hoặc MRI cột sống để đảm bảo cho bệnh nhân có được một kĩ thuật an toàn và đạt hiệu quả cao.

Sau khi bệnh nhân được chuẩn bị đầy đủ và xác nhận có đủ điều kiện sức khỏe để thực hiện kĩ thuật bơm xi măng thì khi đó bệnh nhân sẽ được gây tê ở vùng bơm (gây tê tại chỗ, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo).

Vì đây là một kĩ thuật ít xâm lấn nên không gây đau hay khó chịu cho bệnh nhân trong lúc thực hiện thủ thuật.

Bơm xi măng cột sống cũng có thể gây ra một vài biến chứng như: đau nhiều hơn, xi măng sinh học bị xì ra khỏi vùng thân sống, nhiễm trùng tại chỗ vùng thân sống, dị ứng với xi măng sinh học được bơm.

Những biến chứng này xảy ra với tỉ lệ rất ít, nên bệnh nhân hoàn toàn có thể an tâm thực hiện vì trước khi làm bệnh nhân luôn được các bác sĩ giải thích kĩ lưỡng về các nguy cơ gây ra biến chứng.

Bơm xi măng vào cột sống cần những thiết bị hỗ trợ bao gồm máy C – arm hoặc DSA. Hiện tại Bệnh viện S.I.S Cần Thơ đang sử dụng máy DSA có định vị bằng laser giúp bệnh nhân được chẩn đoán và xác định vị trí chính xác khi bơm xi măng sinh học, từ đó giúp giảm nguy cơ tai biến, đặc biệt là những nguy cơ gây xì xi măng vào trong tủy, gây ra chèn ép tủy (một tai biến đáng lo ngại)

Theo Kim Quy Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi

Xem bài viết gốc, tại đây.

Tin tức gần đây