Cụ ông 74 tuổi bị máu tụ dưới màng cứng mạn tính, đã trải qua 2 lần phẫu thuật tại TPHCM nhưng bệnh diễn tiến càng nặng. Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ đã tìm được vị trí rò động tĩnh mạch màng cứng, giải quyết triệt để nguyên nhân gây bệnh, cứu sống bệnh nhân.
Hôm nay 4/11, đúng 15 ngày kể từ ngày bệnh nhân N.H.S 74 tuổi quê ở Đồng Tháp được can thiệp do tắc gần hoàn toàn động mạch cảnh trong trái và mổ dẫn lưu máu tụ dưới màng cứng mạn tính. Gặp lại sau 2 tuần, ông S. vui mừng đến rơi nước mắt và liên tục cám ơn TS.BS Trần Chí Cường đã giành lại sự sống cho mình.
2 tháng trước, khi ông S. khám ở TPHCM thì phát hiện máu tụ dưới màng cứng mạn tính lượng nhiều và bệnh viện chỉ định mổ gấp. Chỉ trong 1 tuần bệnh nhân được tiến hành 2 lần phẫu thuật liên tiếp để dẫn lưu máu tụ nhưng vẫn không hết, người nhà sợ sức khỏe của bệnh nhân không đáp ứng cuộc mổ thứ 3 nên đưa bệnh nhân về nhà.
Bệnh diễn tiến ngày càng nặng hơn, bệnh nhân lơ mơ đi đứng khó, đau đầu nhiều. Sau khi tìm hiểu thêm thông tin bệnh thì người nhà quyết định đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ khám.
Tại đây, TS.BS Trần Chí Cường cho chụp MRI thì ngoài tình trạng máu tụ dưới màng cứng mạn tính, bệnh nhân còn hẹp nặng động mạch cảnh trong bên trái. Nhờ sự tư vấn nhiệt tình và giải thích tận tình của BS Cường, người nhà đồng ý can thiệp và thực hiện của mổ thứ 3 cho bệnh nhân.
Trong lúc nong động mạch cảnh để điều trị đột quỵ ThS.BS Nguyễn Lưu Giang, BS Trần Minh Luận đã phát hiện ra bệnh nhân có rò động tĩnh mạch màng cứng xoang dọc trên. Đây chính là nguyên nhân gây máu tụ dưới màng cứng tái phát nhiều lần.
TS.BS Trần Chí Cường cho biết thông thường máu tụ dưới màng cứng mạn tính thường xảy ra ở người lớn tuổi có chấn thương đầu nhẹ máu chảy rỉ rả điều trị thường thực hiện khá dễ dàng, chỉ cần mổ dẫn lưu máu tụ là thành công với tỉ lệ tái phát rất thấp.
Ông S. bị tái phát nhiều lần mặc dù đã được các bệnh viện lớn phẫu thuật, do đó việc tìm nguyên nhân một bệnh lý mạch máu não kèm theo (như rò động tĩnh mạch màng cứng) là điều hết sức cần thiết để cứu sống bệnh nhân. BS Cường nhấn mạnh: “Nếu không loại bỏ nguồn rò động tĩnh mạch thì bệnh nhân sẽ diễn biến nặng đến tử vong, cho dù có mổ bao nhiêu lần cũng thất bại”.
Trong trường hợp này Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ đã điều trị cho bệnh nhân bằng 3 phương pháp: Nong động mạch cảnh, gây tắc rò động tĩnh mạch màng cứng bằng keo, sau đó mổ dẫn lưu máu tụ.
Tin, ảnh: Nguyễn Đức Thịnh
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ