Trào ngược dạ dày thực quản là một trong những bệnh lý tiêu hóa rất phổ biến, có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Nhiều người chủ quan khi thấy ợ hơi, ợ nóng, đau tức ngực mà không biết rằng nếu không điều trị sớm, bệnh có thể gây viêm loét thực quản, thậm chí tiến triển thành ung thư thực quản.

Vậy nguyên nhân nào dẫn đến trào ngược dạ dày? Dấu hiệu nhận biết ra sao? Và làm thế nào để điều trị cũng như phòng ngừa hiệu quả?

BS.CKII Nguyễn Anh Kiệt – Chuyên khoa Tiêu hóa Gan mật – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ sẽ giúp bà con hiểu rõ hơn về căn bệnh này.

Nguyên nhân gây trào ngược dạ dày

  1. Thưa bác sĩ, bệnh trào ngược dạ dày thực quản ngày nay ngày càng phổ biến, nguyên nhân do đâu ạ?

BS.CKII Nguyễn Anh Kiệt: Bệnh trào ngược dạ dày thực quản, hay còn gọi là trào ngược dạ dày, xảy ra khi axit từ dạ dày trào lên thực quản, gây cảm giác nóng rát, khó chịu. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó phổ biến nhất là:

  • Ít vận động: Những ai ngồi nhiều, ít đi lại, đặc biệt là dân văn phòng, rất dễ bị trào ngược.
  • Thừa cân, béo phì: Mỡ bụng nhiều sẽ tạo áp lực lên dạ dày, khiến axit dễ bị đẩy lên thực quản.
  • Ăn uống không lành mạnh: Rượu bia, đồ cay nóng, chua, cà phê đậm… đều kích thích dạ dày tiết axit nhiều hơn.
  • Thói quen xấu: Ăn khuya, vừa ăn xong đã nằm ngay cũng làm tăng nguy cơ trào ngược, nhất là ở người trẻ.
  • Căng thẳng, stress: Áp lực công việc, cuộc sống khiến dạ dày tiết nhiều axit hơn bình thường.
  • Dùng thuốc điều trị bệnh khác: Một số loại thuốc trị viêm khớp, trầm cảm… có tác dụng phụ ảnh hưởng đến dạ dày, làm tăng nguy cơ trào ngược.

Dấu hiệu nhận biết – Chẩn đoán trào ngược dạ dày ra sao

2. Biểu hiện có trào ngược dạ dày thực quản khá đa dạng, có người cảm thấy nuốt nghẹn, hay ợ hơi, ợ nóng, đặc biệt là vào buổi sáng thì cảm giác nôn trớ. Như vậy việc chẩn đoán chính xác cho BN được thực hiện tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ ra sao ạ?

BS.CKII Nguyễn Anh Kiệt: Trào ngược dạ dày có những triệu chứng dễ nhầm lẫn với bệnh khác, đặc biệt là bệnh tim mạch và hô hấp. Một số dấu hiệu thường gặp gồm:

  • Cảm giác nóng rát ở ngực, ợ hơi, ợ nóng, ợ chua, nhất là sau khi ăn hoặc khi nằm xuống.
  • Ho khan kéo dài, khàn giọng vào buổi sáng do axit kích thích cổ họng.
  • Đau tức ngực, dễ nhầm với bệnh tim mạch.

Vì triệu chứng có thể giống với các bệnh khác, bác sĩ thường cần kiểm tra kỹ để loại trừ các nguyên nhân khác. Nếu nghi ngờ trào ngược, bệnh nhân sẽ được thử điều trị bằng thuốc trong khoảng 8 tuần. Nếu các triệu chứng thuyên giảm, tức là bệnh nhân đáp ứng tốt với điều trị. Ngược lại, nếu sau 8 tuần vẫn không cải thiện hoặc bệnh tái phát khi ngừng thuốc, bác sĩ sẽ chỉ định nội soi để kiểm tra kỹ hơn.

Biến chứng nguy hiểm của trào ngược dạ dày

3. Bệnh trào ngược dạ dày thực quản nếu để lâu ngày không điều trị thì có nguy hại đến sức khỏe ra sao, thưa bác sĩ?

BS.CKII Nguyễn Anh Kiệt: Nếu không điều trị kịp thời, bệnh trào ngược dạ dày có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm:

  • Viêm loét thực quản: Axit dạ dày gây tổn thương niêm mạc thực quản, tạo thành vết loét, gây đau đớn.
  • Barrett thực quản: Đây là tình trạng thay đổi bất thường ở niêm mạc thực quản, là dấu hiệu cảnh báo sớm của ung thư thực quản.
  • Ung thư thực quản: Nếu Barrett thực quản không được phát hiện và điều trị kịp thời, nguy cơ ung thư sẽ tăng cao.

Vì vậy, nếu bà con thấy mình bị ợ nóng, ợ hơi kéo dài, uống thuốc mà không khỏi thì nên đi nội soi dạ dày để phát hiện bệnh sớm.

Lời khuyên từ bác sĩ

4. Như bác sĩ chia sẻ, bệnh trào ngược dạ dày thực quản dễ bị tái lại, như vậy ngoài dùng thuốc thì bác sĩ có những khuyến cáo nào để đạt hiểu qủa cao trong điều trị căn bệnh này ạ?

BS.CKII Nguyễn Anh Kiệt: Để kiểm soát tốt bệnh trào ngược dạ dày, ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, bà con cần thay đổi lối sống như sau:

  • Hạn chế thực phẩm gây trào ngược: Tránh xa rượu bia, thuốc lá, đồ ăn cay nóng, chua, trà, cà phê đậm…
  • Ăn uống khoa học: Không ăn quá no, không ăn khuya, sau khi ăn nên vận động nhẹ nhàng thay vì nằm ngay.
  • Duy trì cân nặng hợp lý: Nếu bị thừa cân, hãy giảm cân bằng cách tập thể dục như đi bộ, bơi lội hoặc tập yoga.
  • Giữ tinh thần thoải mái: Giảm căng thẳng, ngủ đủ giấc cũng giúp hạn chế trào ngược dạ dày.
  • Không tự ý mua thuốc: Việc tự mua thuốc có thể làm giảm triệu chứng tạm thời nhưng không trị tận gốc, khiến bệnh dễ tái phát.

Kim Cương

Tin tức gần đây