Sáng 15/3/2019, TS.BS Trần Thị Trúc Linh – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ có hẹn với bạn đọc AloBacsi, giải đáp các thắc mắc về “Biến chứng bàn chân ở người bệnh tiểu đường”. Mời bạn đọc đón xem.
TS.BS Trần Thị Trúc Linh có kinh nghiệm điều trị trên 1.000 bệnh nhân đái tháo đường với các biến chứng cấp tính hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu, các bệnh đái tháo đường có nhiễm trùng mãn tính bàn chân đái tháo đường…
NỘI DUNG TƯ VẤN
Thưa
TS.BS Trần Thị Trúc Linh, những vấn đề về bàn chân thường gặp ở người
bệnh tiểu đường là gì? Vì sao người bệnh lại gặp những biến chứng này?
TS.BS Trần Thị Trúc Linh:
Bàn
chân của con người với một cấu trúc tuyệt vời bao gồm 26 xương,
29 khớp và 42 cơ với các hệ thống cân cơ và dây chằng phức
tạp. Cuộc đời mỗi người đi bộ trên đôi chân của mình từ 75.000-
100.000 dặm, tương đương đi vòng quanh Trái Đất 3 đến 4 lần.
Bệnh
đái tháo đường (ĐTĐ) làm tăng nguy cơ tổn thương bàn chân cũng
như nguy cơ cắt cụt chi cao gấp 20 lần so với người bình thường.
Trên Thế giới, mỗi năm có 1 triệu bệnh nhân ĐTĐ bị cắt cụt chi
– tương ứng là mỗi 30 giây có 1 người bị cắt cụt chi. Ngoài
ra, 70% bệnh nhân cắt cụt chi sẽ tử vong trong vòng 5 năm.
Bệnh
ĐTĐ gây tổn thương bàn chân ở nhiều phương diện kết hợp với
nhau bao gồm: (1) Bệnh lý mạch máu ngoại vi gây đau, tưới máu
kém, hoại tử ngón, tắc mạch… (2) Bệnh lý thần kinh ngoại vi
gây đau, tê, dị cảm, mất cảm giác. (3) Bệnh lý thần kinh-khớp
gây biến dạng bàn chân, ngón chân (4) Loét, nhiễm trùng bàn chân
đưa đến tình trạng cắt cụt chi, tàn phế.
Những dấu hiệu nào cho thấy người bệnh tiểu đường đã gặp biến chứng ở bàn chân? Khi nào cần đến bác sĩ?
TS.BS Trần Thị Trúc Linh:
Nóng
rát, châm chích, kiến bò, đau, dị cảm là dấu hiệu của biến chứng thần
kinh. Ngoài ra còn có các dấu hiệu khác như chân lạnh, đau cách hồi, đau
khi nghỉ, hoại tử khô đen. Vết chai, vết loét hoại tử, biến dạng bàn
chân cứng, phù nề là những tổn thương có thể đi kèm.
Người
bệnh cần đến bác sĩ ngay từ khi có bất thường ở bàn chân từ lúc bắt đầu
để bác sĩ tiến hành thăm khám, hướng dẫn điều trị tích cực, phòng ngừa
nặng nề hơn và hướng dẫn bệnh nhân loại bỏ các yếu tố gây hại đến bàn
chân.
Những vết loét thường thấy ở bàn chân của bệnh nhân đái tháo đường. Ảnh minh họa – Nguồn Internet
Các xét nghiệm cần làm để phát hiện biến chứng ở bàn chân do tiểu đường? Hướng điều trị như thế nào?
TS.BS Trần Thị Trúc Linh:
Để
đánh giá tổn thương thần kinh, bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm,
bao gồm đo áp lực, monofilament, đo chỉ số ABI, Siêu âm Doppler mạch
máu, đo oxy qua da, chụp CT mạch máu,… Mỗi tình trạng của người bệnh sẽ
có xét nghiệm phù hợp để đưa ra hướng giải quyết cụ thể.
Tùy theo nguyên nhân và tổn thương sẽ có nhiều phương pháp điều trị chuyên biệt, có thể kết hợp nhiều phương pháp nội khoa – ngoại khoa với quy tắc kiểm soát toàn diện và tối ưu. Cụ thể, nội khoa để kiểm soát đường huyết, loại bỏ các yếu tố nguy cơ. Ngoại khoa là cắt lọc vết thương, điều trị kháng sinh, hút VAC – hút áp lực âm liên tục, tái thông mạch máu, hoặc là phẫu thuật cắt cụt chi.
BS Trúc Linh trả lời kỹ càng từng câu hỏi, giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về những biến chứng bàn chân nguy hiểm ở người bệnh ĐTĐ. Ảnh: Viết Hưởng
Loét bàn chân đái tháo đường là gì? Ai là người có nguy cơ bị loét bàn chân?
TS.BS Trần Thị Trúc Linh:
Loét
bàn chân là một biến chứng nặng nề của bệnh ĐTĐ, được hình thành do
nhiều yếu tố, chẳng hạn như: mất cảm giác ở bàn chân, tuần hoàn máu kém,
dị tật ở chân, thời gian mắc bệnh lâu năm… từ đó nhiễm trùng và dẫn
đến tình trạng cắt cụt chi.
Các đối tượng có
nguy cơ bị loét bàn chân gồm có: người lớn tuổi, hút thuốc lá, thời gian
phát hiện bệnh lâu, đường huyết kiểm soát kém, hạn chế vận động, biến
dạng chi, tiền sử loét và đoạn chi, giảm thị lực, tăng áp lực bàn chân,
biến chứng thần kinh ngoại biên, biến chứng mạch máu ngoại biên, bệnh
thận mãn.
Chăm sóc vết loét là một việc khó khăn, vết loét rất dễ nhiễm trùng trở lại và tổn thương sẽ sâu hơn. Bác sĩ có thể đưa ra lời khuyên dành cho bệnh nhân hướng xử lý đúng cách vết lở loét bàn chân do tiểu đường để nhanh hồi phục, tránh đoạn chi?
TS.BS Trần Thị Trúc Linh:
Vết loét nhiễm trùng trên bệnh nhân đái tháo đường rất nặng nề và nguy hiểm cho bản thân người bệnh.
Lời
khuyên duy nhất là đến bác sĩ khám và tư vấn hướng dẫn điều trị, tuyệt
đối không được đắp thuốc lá cây hay bôi bất kỳ loại thuốc nào khi chưa
có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
BS Trúc Linh chia sẻ, bệnh nhân ĐTĐ khi bị tê bì chân không nên chườm đá nóng, điều này sẽ gây bỏng và hình thành các vết loét, dẫn đến đoạn chi. Ảnh: Viết Hưởng.
Một số bệnh nhân tiểu đường khi xuất hiện triệu chứng tê bì thường ngâm chân bằng nước nóng, đá nóng, hoặc đốt lả ngải hơ chân… Xin hỏi bác sĩ, những mẹo dân gian này có thực sự đem lại lợi ích điều trị cho người bệnh?
TS.BS Trần Thị Trúc Linh:
Những
mẹo dân gian này hoàn toàn không có lợi mà rất nguy hiểm cho bệnh nhân.
Khi chân bệnh nhân bị tê bì, dị cảm là dấu hiệu cho thấy đã có biến
chứng thần kinh ngoại biên.
Khi thực hiện các mẹo dân gian như trên bệnh nhân mất cảm giác sẽ không cảm nhận được mức độ nóng, vì vậy dẫn đến bỏng và từ đó hình thành vết loét, tạo cơ hội cho vi trùng xâm nhập gây nhiễm trùng, nhiễm trùng máu hay cắt cụt chi và tử vong.
Sau khi điều trị, có cần tái khám, xét nghiệm định kỳ?
TS.BS Trần Thị Trúc Linh:
Sau
điều trị nên tái khám thường xuyên, định kỳ, thường từ 3-6 tháng/lần để
kiểm soát đường máu, mỡ máu, huyết áp. Bác sĩ sẽ thăm khám thường xuyên
chân bị tổn thương và chân đối bên để phát hiện sớm các vết loét, vết
chai hay những biến chứng thần kinh, mạch máu và tổn thương cơ học khác.
Người
bệnh ĐTĐ nên kiểm tra, thăm khám thường xuyên, đặc biệt là khi bàn chân
có những dấu hiệu bất thường. Ảnh minh họa – Nguồn Internet
Khả năng tái phát biến chứng bàn chân ở tiểu đường như thế nào?
TS.BS Trần Thị Trúc Linh:
Khả năng tái phát của biến chứng bàn chân rất cao, gấp 4-7 lần so với người chưa có biến chứng.
Tỉ lệ biến chứng bàn chân: 40-60% trường hợp cắt cụt chi do ĐTĐ, loét chân, tử vong sau cắt cụt chi chiếm tỷ lệ 50%.
Người bệnh nên sử dụng hoặc chọn lựa những loại giày dép như thế nào để giảm áp lực tì đè lên những chỗ tổn thương của bàn chân?
TS.BS Trần Thị Trúc Linh:
–
Bệnh nhân ĐTĐ nên chọn những loại giày dép thông thoáng; tránh sandal
và dép xỏ ngón, tuy thoáng chân nhưng cũng làm tăng nguy cơ chấn thương
bàn chân.
– Giảm sốc tốt: sẽ giúp trọng lực cơ thể chuyển đều từ gót chân lên các ngón chân khi di chuyển, giảm sức căng cho bàn chân.
Nếu bạn đã chọn được một đôi giày khá ưng ý nhưng lại không có tính năng giảm sốc, bạn có thể mua đệm giảm sốc riêng.
–
Đôi giày được chọn nên vừa khít dọc theo hai phần ba của bàn chân,
nhưng phải hơi rộng ở phần ngón chân để có thể cử động thoải mái hơn.
Tất nhiên, để chính xác hơn, đừng quên thử giày với loại tất mà bạn định
sử dụng cùng.
– Nếu sau 1 – 2 tháng đi giày
mới, bạn phát hiện chân bị sưng lên thì có nghĩa là kích cỡ giày bạn
chọn không phù hợp. Lúc này, bạn nên đi mua đôi mới.
Bệnh nhân tiểu đường nên chăm sóc đôi chân của mình như thế nào để phòng ngừa các biến chứng thưa bác sĩ?
TS.BS Trần Thị Trúc Linh:
–
Kỹ năng chọn giày dép thích hợp này có vẻ như đơn giản nhưng
lại vô cùng cần thiết và quan trọng giúp phòng ngừa tổn thương
bàn chân đối với bệnh nhân ĐTĐ.
Tiêu chí chọn giày dép cần chú ý:
+ Kiểu dáng: gót thấp, vừa bàn chân nhưng thông thoáng ở các ngón chân. Hạn chế giày sandal và dép xỏ ngón dễ gây trầy xước bàn chân.
+ Chất liệu: mềm, xốp, thích hợp như da, vải.
+
Tính năng: có đệm giảm sốc hay đế hơi cong để giảm trọng lực
của gót và mu bàn chân. Đối với một số bàn chân bị biến dạng
thì nên được thiết kế riêng cho phù hợp, tránh tạo áp lực gây
vết chai, loét trên bàn chân.
– Không đi chân đất.
– Kiểm tra bàn chân mỗi ngày.
–
Chăm sóc bàn chân từ khi mới phát hiện bệnh ĐTĐ: rửa chân với
nước ấm và xà bông trung tính, lau khô nhẹ nhàng các kẽ ngón,
giữ da chân mềm mại, đặc biệt giữ gót chân không bị chai, dày
sừng. Cắt móng chân đúng quy cách mỗi tuần, không quá dài,
không quá ngắn, khôngo cắt sâu vào 2 khoé móng.
– Luôn mang giày, vớ mềm, thông thoáng và kiểm tra trước khi mang vào.
– Tập thể dục giúp máu lưu thông tốt hơn.
–
Tái khám định kỳ để kiểm soát bệnh, tham khảo ý kiến bác sĩ
chuyên khoa khi có bất thường hay trước khi thay đổi hoạt động
tập luyện nào khác.
AloBacsi
trân trọng cảm ơn TS.BS Trần Thị Trúc Linh đã dành thời gian chia sẻ
những thông tin hữu ích về cách chăm sóc và phòng ngừa biến chứng bàn
chân ở người tiểu đường, giúp bạn đọc hiểu rõ hơn, từ đó sẽ có hướng
chăm sóc cho người thân cũng như bản thân mình.
Chúc bác sĩ thật nhiều sức khỏe!
Thực hiện: Viết Hưởng