BSCK2. HUỲNH TẤN VŨ
Cố vấn chuyên môn Bệnh viện Đa Khoa Quốc Tế S.I.S Cần Thơ
Giảng viên Trường Đại Học Y Dược TP HCM
Đau vai gáy là căn bệnh phổ biến, xảy ra do căng cơ hoặc những nguyên nhân thường gặp. Tuy không ảnh hưởng tính mạng nhưng đau vai gáy khiến người bệnh cảm thấy đau đớn, mệt mỏi, căn bệnh kéo dài khiến tình hình của người bệnh ngày càng trở nặng, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt, học tập thường ngày của người bệnh. Người đau vai gáy có thể kiểm soát cơn đau bằng các phương pháp dùng thuốc hoặc không dùng thuốc, sử dụng các phương pháp vật lý trị liệu góp phần cải thiện đau, phục hồi sức khỏe nhất là đau vai gáy..
Một số nguyên nhân gây đau vai gáy
👨⚕️ Thoái hóa: Theo tuổi tác, các đốt sống và đĩa đệm ở cổ sẽ mòn dần., có thể bị đau cổ dai dẳng hoặc mạn tính nếu chúng bị thoái hóa. Một số tình trạng bệnh lý cũng khiến cho đốt sống, đĩa đệm hay các bộ phận khác ở cổ bị phá vỡ. Những tình trạng đó bao gồm:
– Viêm
– Chèn ép dây thần kinh
– Gãy cổ
– Viêm khớp
– Thoái hóa đĩa đệm ở cổ
👨⚕️ Do tư thế: Tư thế khi ngủ cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến gây đau vai gáy. Khi ngủ dậy vào buổi sáng, cảm thấy cứng, đau ở vùng vai, lưng hay cổ có thể do đã ngủ sai tư thế. Có thể do nằm gối quá cao hoặc tối nằm đè lên vật gì, hoặc do nệm quá cứng… Cơn đau cũng có thể do tư thế không đúng gây ra như khi ngồi làm việc với máy tính, sử dụng điện thoại với tư thế cúi cổ… Cổ không giữ thẳng hàng với cột sống trong thời gian dài có thể làm căng các cơ ở đó.
👨⚕️ Stress: Với những người bị stress, bên trong cơ thể sẽ sản xuất ra các hóa chất gây căng thẳng thần kinh, điển hình như cortisol. Đây là các hóa chất cực kỳ nguy hiểm gây phá hủy hệ thống thần kinh và cơ xương khớp trong cơ thể, thậm chí phá hủy hệ thống miễn dịch và tiêu hóa của người bệnh. Đặc biệt khi bị stress thường xuyên các hóa chất này sẽ càng được sản xuất ra nhiều hơn, chúng xâm nhập và tàn phá hệ gân cơ xương khớp, khiến bệnh nhân bị co cứng cơ vùng cổ vai gáy kèm theo đau khớp…
👨⚕️ Chấn thương đám rối thần kinh cánh tay: Nếu các dây thần kinh liên kết với tủy sống đến tay bị tổn thương, chúng có thể gây đau cổ. Nếu một chấn thương nào đó ở cổ ảnh hưởng đến đám rối thần kinh này, cơn đau cũng có khả năng xuất hiện ở bàn tay. Một nguyên nhân phổ biến của chấn thương đám rối thần kinh cánh tay là chấn thương kín (blunt force trauma), xảy ra do chấn thương thể thao hoặc tai nạn xe.
Chấn thương đột ngột ở cổ: Chấn thương xảy ra ở cổ khi mà đầu bị bật về phía trước sau đó quay trở lại vị trí cũ rất nhanh. Mọi người thường nghĩ chấn thương này liên quan đến tai nạn xe hơi, nhưng thực tế nó cũng có thể là do các hoạt động thể thao và những chuyển động đột ngột khác gây ra.
👨⚕️ Bệnh lý rễ tủy cổ: Đây là tình trạng dây thần kinh bị chèn ép, xảy ra khi các dây thần kinh bắt nguồn từ tủy sống ở cổ bị kích thích gây ra cảm giác đau lan tỏa xuống cánh tay. Mặc dù bệnh lý có thể dẫn đến đau vai gáy nhưng các triệu chứng chính khác bao gồm:
– Tê ở cánh tay
– Có cảm giác như kim chích trong cánh tay
– Đau hoặc yếu một phần cánh tay
Hai nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh lý rễ tủy cổ là thoái hóa đốt sống cổ hay viêm khớp cổ và trượt đĩa đệm.
👨⚕️ Những nguyên nhân hiếm gặp của đau vai gáy: Có một số nguyên nhân gây đau vai gáy ít phổ biến hơn nhưng chúng có thể nghiêm trọng hơn, bao gồm:
– Viêm khớp dạng thấp
– Ung thư
– Chấn thương nghiêm trọng
– Tổn thương dây thần kinh, đốt sống hoặc tủy sống
– Nhiễm trùng…
👨⚕️ Những phương pháp điều trị đau vai gáy
– Tập các động tác giãn cơ đơn giản: Người bệnh có thể tập một vài động tác giãn cơ đơn giản, dễ dàng thực hiện tại nhà để giúp giảm đau vai gáy. Tuy nhiên, tư thế khi tập cực kì quan trọng do đó bạn phải làm đúng kĩ thuật mới có thể kiểm soát tốt cơn đau.
– Phương pháp xoa bóp: Sử dụng tay tác động sâu vào mô cơ giúp giảm đau nhức cơ. Xoa bóp có đặc điểm là dùng sự khéo léo và sức mạnh của đôi tay là chính để tác động lên huyệt, da thịt, gân khớp của người được xoa bóp một lực thích hợp tạo cho người được xoa bóp cảm giác sảng khoái nhằm làm dịu đi chứng đau mỏi của cơ, khớp, thần kinh. Làm tăng tính đàn hồi của cơ, tăng khả năng làm việc, sức bền cơ và làm giãn những nhóm cơ đã bị co cứng trước đó.
– Thay đổi tư thế học tập hay làm việc: Nếu đau vai gáy là kết quả từ việc ngồi không đúng tư thế, hãy cố gắng ngồi thẳng lưng và xem lại độ cao của bàn ghế đang sử dụng. Xem lại thói quen khi ngồi viết hoặc sử dụng điện thoại.
– Vật lý trị liệu: Vật lý trị liệu đau vai gáy là liệu pháp điều trị được nhiều bệnh nhân lựa chọn vì những lợi ích sau đây:
👨⚕️ Không dùng thuốc tránh được nhiều tác dụng phụ có hại cho dạ dày, gan, thận.
👨⚕️ Không phẫu thuật, hạn chế nhiều rủi ro, tiết kiệm chi phí.
👨⚕️ Giảm đau nhanh chóng, ngăn ngừa cơn đau tái phát.
👨⚕️ Hạn chế co cứng khớp cổ hiệu quả.
👨⚕️ Tăng cường khả năng lưu thông máu đến vùng vai gáy và cổ.
👨⚕️ Giúp các cử động ở vùng cổ và vai gáy trở lại bình thường và linh hoạt hơn.
Vật lý trị liệu có thể giảm bớt các cơn đau vai gáy tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng này. Chuyên gia vật lý trị liệu sẽ giúp người bệnh điều trị khu vực bị ảnh hưởng với các chỉ định điều trị cho từng cá nhân. Mục tiêu của phương pháp này là tăng cường sức mạnh cơ bắp ở khu vực bị tổn thương, đồng thời giải tỏa căng thẳng cho các cơ. Vật lý trị liệu như sóng xung kích, sóng ngắn, siêu âm,… là những phương pháp hỗ trợ điều trị bảo tồn vừa an toàn lại hiệu quả đang được rất nhiều người áp dụng chữa trị hiện nay. Xin giới thiệu các phương pháp
👨⚕️ Siêu âm trị liệu: Tác dụng đầu tiên của siêu âm trong tổ chức là tác dụng cơ học, do sự lan truyền của sóng siêu âm gây nên những thay đổi áp lực tương ứng với tần số siêu âm, tạo nên hiện tượng gọi là “xoa bóp vi thể”. Với tần số càng lớn (3MHz), sự thay đổi áp lực nhanh hơn so với tần số thấp (1MHz). Sự thay đổi áp lực gây ra:
👨⚕️ Thay đổi thể tích tế bào.
👨⚕️ Thay đổi tính thấm màng tế bào.
👨⚕️ Tăng chuyển hóa.
Tác dụng cơ học phụ thuộc vào cường độ siêu âm (W/cm2) và chế độ liên tục hay xung.
o Tác dụng nhiệt của siêu âm: Sự sinh nhiệt trong tổ chức do tác dụng của siêu âm là do hiện tượng cọ xát chuyển từ năng lượng cơ học sang năng lượng nhiệt. Đối với siêu âm, có thể tác động tới độ sâu 1/2 từ 3-5cm. Để tăng nhiệt độ mô mềm ở độ sâu trên 8cm, cần dùng siêu âm với cường độ lớn hơn 1,5w/cm2. ở độ sâu dưới 8cm có thể dùng siêu âm cường độ 1w/cm2. Khi nghiên cứu tác dụng sóng ngắn, vi sóng và siêu âm để làm tăng nhiệt độ khớp háng thì thấy chỉ có siêu âm mới có thể làm tăng nhiệt độ tới mức có hiệu lực điều trị.
o Tác dụng sinh học của siêu âm: Từ tác dụng cơ học và tác dụng sinh nhiệt dẫn đến hàng loạt tác dụng sinh học tạo nên hiệu quả siêu âm điều trị là:
👨⚕️ Tăng tuần hoàn và dinh dưỡng do tăng nhiệt độ, tăng tính thấm của mạch máu và tổ chức.
👨⚕️ Giãn cơ do kích thích trực tiếp của siêu âm lên các thụ cảm thể thần kinh.
👨⚕️ Tăng tính thấm của màng tế bào.
👨⚕️ Kích thích quá trình tái sinh tổ chức.
👨⚕️ Tác dụng lên hệ thần kinh ngoại vi.
👨⚕️ Giảm đau.
Trong thực hành, kỹ thuật phát siêu âm có hai cách:
👨⚕️ Cố định đầu phát siêu âm: Thường dùng với vùng điều trị nhỏ. Chỉ dùng liều thấp <0,3w/cm2 với siêu âm liên tục và 1w/cm2 với siêu âm xung.
👨⚕️ Di động đầu phát: đầu phát siêu âm được di động chậm theo vòng xoáy, hoặc theo chiều dọc ngang trên vùng da điều trị, luôn đảm bảo đầu phát tiếp xúc với da.
👨⚕️ Sóng ngắn: Sóng ngắn là những bức xạ điện từ có bước sóng tính bằng mét (còn gọi là sóng radio cao tần, hay điện trường cao tần), sóng ngắn dùng trong điều trị thông thường có bước sóng 11m (tương đương tần số 27,12KHz) và 22m (tần số 13,56KHz). Người ta tạo ra sóng ngắn bằng cách cho dòng điện siêu cao tần chạy trong các điện cực kim loại (điện cực cứng hình đĩa, điện cực mềm, điện cực cáp, điện cực kim…), các điện cực này sẽ phát ra các bức xạ điện từ có tần số đúng bằng tần số của dòng điện trong mạch.
Tác dụng vật lý của sóng ngắn
o Tác dụng sinh nhiệt: Khi đặt phần tổ chức cơ thể hay các vật dẫn điện khác trong điện từ trường của dòng điện cao tần, các phân tử lưỡng cực trong cơ thể (một đầu âm một đầu dương, điển hình là phân tử nước) sẽ xoay theo sự đảo chiều của dòng điện với tần số rất cao bằng tần số dòng điện, động năng của các phân tử này sẽ chuyển thành nhiệt năng làm tổ chức nóng lên. Khác với các phương pháp nhiệt bề mặt chỉ tác dụng nhiệt ở nông, nhiệt do sóng ngắn tạo ra là nhiệt sâu, hay nhiệt khối, còn gọi là nội nhiệt, tức là năng lượng lý học trực tiếp truyền theo 3 chiều của khối tổ chức, năng lượng này chuyển thành nhiệt. Nhiệt khối làm cho cơ thể dễ chịu (hợp sinh lý) hơn nhiệt bề mặt. Khả năng sinh nhiệt của tổ chức dưới tác dụng của sóng ngắn phụ thuộc vào hằng số điện môi và dung kháng của tổ chức đó. Nếu tổ chức có nhiều nước và điện giải thì khả năng sinh nhiệt càng cao, ngược lại tổ chức có hàm lượng nước và điện giải thấp thì khả năng sinh nhiệt kém. Ví dụ: khi dùng dòng cao tần 2450MHz thì nhiệt độ của các tổ chức tăng lên như sau: mô cơ là 50-520C, mô gan là 43-450C, mô da là 40-430C.
o Tác dụng tăng chuyển hóa: Do tác dụng của sóng ngắn gây tăng nhiệt nên có tác dụng làm tăng các phản ứng hóa học và tăng chuyển hóa, phù hợp theo định luật Vant Hoff: khi tăng nhiệt độ lên 10C thì chuyển hóa tăng lên 13%.
Tác dụng điều trị
o Tác dụng giảm đau: Nhiệt sóng ngắn còn ức chế các sợi dẫn truyền cảm giác đau. Trên hạch giao cảm, nhiệt khối tác dụng lên các hạch giao cảm cổ và thắt lưng làm dịu và giảm căng thẳng của hệ thần kinh thực vật, do đó có tác dụng giảm đau ở nội tạng. Tác dụng giảm đau còn do tăng tuần hoàn cục bộ làm tăng thải trừ các sản phẩm chuyển hóa, tái hấp thu các dịch tiết bị tích tụ, ngoài ra tăng nhiệt còn làm giãn và giảm trương lực cơ vân.
o Tác dụng chống viêm: Sóng ngắn làm tăng bạch cầu đến tổ chức viêm, tăng khả năng di chuyển và thực bào của thực bào do đó có tác dụng chống viêm rất tốt.
o Tác dụng đối với mạch máu: Với liều điều trị nhiệt khối gây giãn mạch, giảm ứ đọng, tăng cường lưu lượng máu lưu thông. Ngược lại với liều mạnh và thời gian kéo dài lại có tác dụng co mạch thậm chí đe dọa tắc mạch.
o Tác dụng lên hệ thần kinh vận động: Khi điều trị băng sóng ngắn kết hợp với vận động liệu pháp sẽ làm tăng nhanh sự dẫn truyền thần kinh vận động, điều này đáp ứng tốt cho công việc phục hồi chức năng.
👨⚕️ Sóng xung kích: Sóng xung kích là sóng âm có áp lực biến đổi đột ngột, biên độ lớn và ngắt quãng, nó là dạng sóng đơn với xung áp lực dương là chính theo sau là phần sóng nhỏ giãn ra với một pha áp suất âm nhỏ hơn rất nhiều (bằng 10%) so với áp suất đỉnh. Như vậy, khác với sóng siêu âm là các dao động tuần hoàn với độ rộng xung hạn chế thì sóng xung kích có biên độ áp suất rộng đặc biệt, tạo thuận lợi cho sóng được hấp thu tốt hơn trong môi trường cơ thể. Đây là phương pháp không xâm lấn mới để điều trị đau. Liệu pháp sóng xung kích ngoài cơ thể thường được dùng trong vật lý trị liệu, chấn thương chỉnh hình và y học thể thao. Những ứng dụng thường gặp là rối loạn dây chằng gân mãn tính, đau lưng cổ. Những chỉ định thường gặp bao gồm: đau vai, viêm mỏm trên lồi cầu, đau lưng, đau gân gót, viêm gân bánh chè và các điểm đau.Thiết bị đa năng sử dụng sóng xung kích (shockwave) tạo ra sóng âm năng lượng cao tác động đến những điểm đau, phần mềm bị tổn thương qua đó thúc đẩy quá trình làm lành một số rối loạn cơ xương khớp mãn tính, tiền mãn tính hoặc bán cấp. Phương pháp điều trị này giúp cải thiện hệ thống vi mạch máu, thúc đẩy quá trình trao đổi chất, có tác dụng giảm đau cũng như phân hủy vôi hóa gân cơ. Với những bệnh nhân đang trong quá trình phục hồi chức năng, phương pháp trị liệu bằng sóng xung kích có thể kết hợp với kỹ thuật xoa bóp, nắn xương, kéo giãn gân cơ… để kết quả điều trị được tốt nhất.
Bệnh nhân cần khám lâm sàng, chụp MRI, CT hoặc siêu âm để được bác sĩ chẩn đoán và xem xét các chống chỉ định trước khi thực hiện điều trị bằng song xung kích.
Laser cường độ cao: được thiết kế nhằm phát ra năng lượng phổ hồng ngoại để cung cấp kích thích cục bộ cho các mô sinh học. Các mô kích thích này giúp tăng tốc quá trình chữa lành cục bộ, tăng cường trao đổi chất và phản ứng giảm đau. Laser cường độ cao được chỉ định trong trường hợp đau cơ và khớp thứ yếu, co thắt cơ, đau và cứng khớp liên quan đến viêm khớp. Ứng dụng cực hiệu quả vào khu vực điều trị và chiều sâu của các mô được xác định
Liệu pháp laser cường độ cao có ảnh hưởng mạnh mẽ lên các mô ở người. Các tác dụng lâm sàng đáng kể nhất là:
👨⚕️ Tác dụng giảm đau
👨⚕️ Tác dụng kích thích sinh học
👨⚕️ Tác dụng chống viêm
👨⚕️ Tác dụng chống phù nề
👨⚕️ Tác dụng làm giãn mạch
o Các cơ chế tác dụng:
👨⚕️ Tăng tốc vi tuần hoàn
👨⚕️ Kích hoạt các cơ chế kiểm soát cổng Melzack – ức chế nhận biết đau
👨⚕️ Tăng hoạt tính nội bào của nhiều enzyme, đặc biệt trong chu trình Krebs
👨⚕️ Làm tăng tuần hoàn oxy, cải thiện việc sử dụng glucose
👨⚕️ Kích thích tổng hợp ADN (thông qua kích thích ngưng kết tố hồng cầu thực vật)
👨⚕️ Tăng hoạt tính nguyên bào sợi (đối với sẹo lồi các nguyên bào sợi hoạt tính này có thể thực hiện việc tái hấp thu fibrin)
👨⚕️ Hoạt hóa thực bào
👨⚕️ Hoạt hoá bơm Na/K trên màng
👨⚕️ Vận động trị liệu vùng cổ gáy: Tùy vào cơ địa và tình trạng bệnh mà các thầy thuốc sẽ đưa ra cho các bệnh nhân một số bài tập nhẹ nhàng kéo giãn cơ thể như ưỡn cổ, cúi đầu về phía trước, ngửa đầu ra phía sau, nghiêng đầu sang trái, sang phải, xoay tròn đầu và cổ, cử động cổ lên xuống,… giúp giãn cơ chỗ đau, tăng cường lưu thông máu trong cơ thể. Sau khi ổn định sẽ tập bài vận đông khớp cổ có kháng lực.
Ngoài việc tuân thủ theo lời chỉ dẫn của các bác sĩ trong quá trình tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng người bệnh khi bị đau vai, gáy nên nghỉ ngơi, hạn chế vận động ít ngày, bổ sung một số khoáng chất và titamin, luyện tập thể dục thể thao với các bài tập phù hợp; vận động, nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng cũng là những cách giúp bệnh sớm hồi phục đau vai gáy..
Bệnh viện đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ
397 Đường Nguyễn Văn Cừ, P.An Bình, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ
Tổng đài đặt lịch khám 18001115
Thứ 2 – Thứ 7 : 7g – 16g30
Cấp cứu: 24/24
ĐT: 0292 378 9911
Email: cskh@dotquy.vn