Mới đây, Bệnh viện ĐKQT S.I.S Cần Thơ vừa tiếp nhận một bệnh nhân bị đột quỵ não được người nhà chuyển đến từ TP. Đà Lạt, Lâm Đồng. Các bác sĩ cho biết trường hợp này rất khó khăn trong việc chẩn đoán, cần phải điều trị chuyên sâu. Đặc biệt là sự hỗ trợ của kỹ thuật cao là chụp mạch máu số hóa xóa nền (DSA) tìm ra nguyên nhân điều trị triệt để cho bệnh nhân.

Quyết định sáng suốt của người nhà
Được biết, anh N.H.P (31 tuổi, ngụ tại TP. Cần Thơ) là tài xế xe tải tuyến Cà Mau – Lâm Đồng. Anh N.H.P đang điều khiển xe tải chạy trên đèo Bảo Lộc – Lâm Đồng thì bất ngờ đau đầu dữ dội. Cảm thấy cơ thể bất ổn, anh đã kịp thời giữ bình tĩnh điều khiển xe đến nơi an toàn. Sau đó, người anh đi cùng xe đã đưa anh N.H.P đến cấp cứu tại Bệnh viện địa phương.
Tại đây bệnh viện địa phương, anh được chụp CT và được bác sĩ chẩn đoán đột quỵ xuất huyết não. Sau 1 ngày, bác sĩ vẫn chưa tìm được nguyên nhân cũng như phương án điều trị cho bệnh nhân. Do trước đó gia đình có người thân bị đột quỵ nên anh lo lắng biến chứng xảy ra nếu không được điều trị kịp thời. Cuối cùng, người nhà quyết định đưa anh N.H.P về Bệnh viện ĐKQT S.I.S Cần Thơ để điều trị.
Tìm nguyên nhân xuất huyết não
Khi vừa đến S.I.S, anh N.H.P được điều trị cấp cứu. BS.CKI Mai Văn Muống – Đơn vị Can thiệp DSA Bệnh viện ĐKQT S.I.S Cần Thơ cho biết:
“Đây là trường hợp xuất huyết não với 3 điểm đặc biệt. Thứ nhất, độ tuổi đột quỵ khá trẻ 31 tuổi. Thứ 2 bệnh nhân bị đột quỵ khi đang lái xe, rất nguy hiểm với bệnh nhân và người đi đường. Thứ 3, tình trạng đột quỵ gây khó khăn trong việc chẩn đoán, tìm ra nguyên nhân để điều trị.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau đầu dữ dội, không bị yếu liệt tay chân. Kết quả chụp MRI não cho thấy bệnh nhân bị xuất huyết dưới nhện nhưng chưa thể tìm ra nguyên nhân gây xuất huyết. Do bệnh nhân còn quá trẻ cần phải tìm chính xác nguyên nhân gây ra xuất huyết để điều trị trận gốc tránh đột quỵ tái phát nguy cơ tử vong rất cao. Vì thế nên ê kíp quyết định đưa bệnh nhân chụp DSA (chụp mạch máu số hóa xóa nền).
Kết quả chụp DSA đã tìm ra một túi phình mạch máu não từ một nhánh mạch máu nhỏ của động mạch não giữa bên trái. Vì túi phình có kích thước khá nhỏ nên quá trình tiếp cận và can thiệp khá khó khăn. Nhưng may mắn là sau 30 phút, ê kíp can thiệp đã làm tắc túi phình an toàn. Hiện tại bệnh nhân đã giảm đau đầu, đáp ứng vận động tốt”.

Kết quả can thiệp
Sau can thiệp bệnh nhân hoàn toàn bình thường. Triệu chứng đau đầu giảm dần, bệnh nhân có thể lái xe trở lại sau khi xuất viện. Đây là điều thật sự khó nghĩ tới đối với bệnh nhân đột quỵ nếu không phát hiện ra túi phình và chỉ điều trị bằng các phương pháp đơn giản như trước đây. Bệnh nhân có thể tàn phế hoặc tử vong khi không điều trị triệt để.

Đến thăm anh N.H.P tại phòng theo dõi, anh bồi hồi kể lại: “Em nhập viện ở Đà Lạt được 1 ngày nhưng bác sĩ chưa có hướng điều trị. Đầu em vẫn cứ đau như búa bổ. Hồi trước cha em cũng điều trị đột quỵ ở S.I.S. Ông anh quyết định mua vé máy bay đưa em về đây. Vừa xuống máy bay là ông anh kè em ra taxi chạy thẳng tới S.I.S cấp cứu luôn. Cũng nhờ các bác sĩ điều trị đến nay thấy đỡ đau đầu rất nhiều. Quyết định về đây điều trị là sáng suốt. Cảm ơn các bác sĩ, anh chị điều dưỡng rất nhiều!”

Giảm nguy cơ đột quỵ tái phát
Đột quy xuất huyết não nếu không tìm ra nguyên nhân và can thiệp bít tắc túi phình sẽ rất nguy hiểm. Y học chứng minh nguy cơ tái vỡ của túi phình là 50%. Xuất huyết não lần 2 có thể gây tử vong nếu không điều trị kịp thời. Vì vậy, đột quỵ cần tìm ra nguyên nhân để điều trị tận gốc. Khi xác định được nguyên nhân, bác sĩ chuyên khoa sẽ có điều trị triệt để. Do đó sẽ giảm thiểu tỷ lệ đột quỵ tái phát, đảm bảo sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
Khi có các dấu hiệu nghi ngờ bị đột quỵ như yếu liệt tay chân, miệng méo, nói ngọng, nói đớ, đau đầu dữ dội,… Hãy đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có đủ khả năng điều trị đột quỵ sớm nhất có thể.
Cẩm Lài, ảnh bìa: Tuấn Anh