Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ vừa điều trị thành công cho người đàn ông bị đau chân và đi lại khó khăn kéo dài cho tắc mạch máu chi dưới. Mặc dù đã điều trị tại nhiều cơ sở y tế trong hơn một năm, ông vẫn không khỏi do bị chẩn đoán nhầm.
Trường hợp trên là ông N.V.L (73 tuổi, quê Cà Mau). Ông L. cho biết, khoảng một năm trước, ông bắt đầu có triệu chứng đau và tê mỏi chân. Dù đã khám và điều trị ở nhiều nơi từ Cần Thơ đến TP.HCM và được chẩn đoán là đau thần kinh tọa, tình trạng của ông không cải thiện. Gần đây, ông đi khập khiễng và xuất hiện các nốt tím trên chân.
Tìm đến S.I.S chữa bệnh mạch máu
Nhờ người quen giới thiệu, ông được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ để thăm khám. Qua siêu âm mạch máu và chụp cắt lớp vi tính, bác sĩ phát hiện bệnh lý mạch máu chi khá nặng, cùng với đó là tổn thương động mạch cảnh bên trái gần như tắc hoàn toàn.
BS.CK2 Ngô Minh Tuấn – Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh – Thăm dò chức năng, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ cho biết: “Nguyên nhân gây ra triệu chứng khó chịu cho bệnh nhân là hẹp tắc nhiều nơi ở động mạch chậu chung bên trái và động mạch chậu ngoài bên phải. Các nhánh động mạch đùi nông và động mạch dưới gối cũng bị xơ vữa và hẹp tắc.”
Triệu chứng của ông L. dễ nhầm lẫn với bệnh lý đau thần kinh tọa, khiến ông đã khám tại nhiều nơi mà không được chẩn đoán chính xác. May mắn là ông đến sớm, chưa có biểu hiện hoại tử, chỉ có dấu hiệu thiếu máu chi trầm trọng. Qua thăm khám các bác sĩ cũng phát hiện ông có cơn thiếu máu não (giống như đột quỵ nhẹ).
Sau hội chẩn, các bác sĩ đã quyết định trong một đợt can thiệp, sẽ giải quyết cả 2 vấn đề: một là tái thông hệ động mạch cảnh hẹp nặng; hai là thực hiện nong bóng, đặt stent cho các tổn thương chi dưới. Sau hơn 1 giờ, ca can thiệp thành công.
Sau can thiệp 12 tiếng, triệu chứng của ông L. gần như khỏi hoàn toàn, không còn tê mỏi và đi lại dễ dàng hơn.
Nhận biết bệnh mạch máu chi
Theo BS Tuấn, biểu hiện của bệnh lý hẹp tắc do xơ vữa mạch máu chi dưới là người bệnh sẽ có triệu chứng tê bì tay chân như kiến bò dẫn đến đi đứng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt khi đi sẽ mỏi như vọp bẻ và gây đau, do thiếu máu chi.
Thời gian đầu người bệnh có thể đi được khoảng 1.000m mới xuất hiện triệu chứng đau, tuy nhiên sau đó khoảng cách ngắn dần, nhiều người chỉ vừa đi 5 – 10m, thậm chí vừa bước xuống giường đi vài bước đã xuất hiện triệu chứng. Khi đứng lại nghỉ ngơi, triệu chứng sẽ giảm nhưng nếu đi tiếp sẽ đau trở lại.
“Khi người bệnh đi một quãng đường ngắn hoặc đứng tại chỗ vẫn đau thì cần phải can thiệp”. – BS Tuấn nhấn mạnh.
Theo các bác sĩ, nếu phát hiện sớm quá trình điều trị bệnh này tương đối dễ dàng và chi phí thấp. Tuy nhiên khi chẩn đoán muộn khả năng điều trị về sau sẽ gặp nhiều khó khăn, chi phí cao, thậm chí để lại hậu quả rất nặng nề như: bệnh nhân hoại tử chi phải cắt cụt chi, tàn phế; nhiễm trùng diễn tiến do hoại tử thiếu máu chi có thể dẫn đến sốc nhiễm trùng và tử vong.
Bác sĩ Tuấn khuyến cáo, những người có yếu tố nguy cơ như béo phì, tăng mỡ máu, tăng huyết áp, tiền căn hút thuốc lá lâu năm, đái tháo đường nên cảnh giác với tình trạng thiếu máu chi trầm trọng do xơ vữa hẹp mạch máu.
Kim Cương, ảnh & video: Đức Thịnh, Tuấn Anh