14/06/2022

Bệnh nhân đột quỵ gia tăng, phòng cấp cứu Bệnh viện S.I.S Cần Thơ quá tải

Lượng bệnh nhân đột quỵ gia tăng những ngày gần đây khiến phòng cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa S.I.S Cần Thơ quá tải, tăng gấp đôi so với số tiếp nhận trung bình theo dự kiến ban đầu. Do đó, vấn đề mở rộng diện tích cho bệnh viện càng thêm cấp thiết.

Liên tiếp 3 ngày 6-7-8 tháng 6 lượt bệnh nhân cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa S.I.S Cần Thơ tăng liên tục: 53, 37, 40 ca một ngày. Còn 3 ngày 11-12-13 tháng 6, các con số này là 55, 47, 60 ca. Trong khi đó, theo thiết kế ban đầu, phòng cấp cứu có thể tiếp nhận 23 bệnh nhân cùng lúc (bao gồm giường và băng ca).

Những người đến cấp cứu trong độ tuổi từ 48 – 82 tuổi, đa số là bệnh đột quỵ. Ngoài ra, còn có bệnh lý tim mạch, cơn đau thắt ngực, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, viêm phổi…

Giường bệnnh, băng ca kê san sát tại phòng cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ, (tháng 6/2022)

Mới đây, TS.BS Trần Chí Cường – Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ cũng chia sẻ một bài viết về tình trạng người bị đột quỵ xuất huyết não ngày càng nhiều. Đây là một trong hai loại đột quỵ não, chỉ chiếm khoảng 20% trong tổng số ca đột quỵ hiện nay nhưng lại vô cùng nguy hiểm.

“Cảnh báo! Cảnh báo! Trong mấy ngày qua chẳng hiểu vì lý do gì mà bệnh nhân xuất huyết não nhiều quá! Ca này mới vào cấp cứu sáng nay. Hôm qua cũng có rất nhiều ca xuất huyết não. Quý bà con có tiền căn tăng huyết áp nên điều trị theo dõi cẩn thận. Nếu có đau đầu đột ngột, nôn ói, tê yếu tay chân… hãy đến ngay bệnh viện có điều trị đột quỵ gần nhất.

Xuất huyết não rất khó tiên lượng, tử vong cao, tùy thuộc vào nguyên nhân gây chảy máu. Nếu chảy máu ồ ạt bệnh nhân sẽ tử vong nhanh chóng sau vài giờ. Thời gian vẫn là thứ quý giá nhất cho bệnh nhân đột quỵ.

Quý đồng nghiệp của tôi ơi! Đừng chủ quan kể cả ta là bác sĩ.

Hổm rày cũng có khá nhiều phụ huynh của các y bác sĩ bị đột quỵ và cũng có rất nhiều phụ huynh may mắn được những đứa con ngành y đưa đi tầm soát tại S.I.S và phát hiện sớm, điều trị trước khi đột quỵ xảy ra, quan trọng nhất là chỗ này!”

Theo TS.BS Trần Chí Cường việc phát hiện các dấu hiệu của bệnh là vô cùng quan trọng, giúp mọi người hạn chế được nguy cơ tử vong cũng như di chứng nặng nề khi bị đột quỵ.

BS Cường cũng nhấn mạnh vai trò của việc tầm soát đột quỵ, giúp phát hiện các yếu tố nguy cơ của đột quỵ (tăng huyết áp, tim mạch, tiểu đường, cholesterol cao,…) và phát hiện các bất thường của mạch máu để kịp thời can thiệp xử trí và phòng ngừa đột quỵ.

Thời tiết mùa hè, nắng nóng cũng là yếu tố bất lợi cho sức khỏe mọi người, nhất là nhóm trung niên, cao tuổi, vốn đã có trong mình nhiều yếu tố nguy cơ của đột quỵ, hay nhiều bệnh mạn tính khác.

Khu tiếp nhận bệnh cũng đông nghẹt mỗi sáng (tháng 6/2022)

Số lượng bệnh nhân đến Khoa Vật lý trị liệu – Phục hồi chức năng của Bệnh viện S.I.S Cần Thơ, chưa tới 10 giờ sáng đã gần 50 người

Bên cạnh đó, vấn đề gia tăng bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ có thể là tăng cơ học, do đây là cơ sở chuyên cấp cứu và điều trị đột quỵ nên bệnh nhân tìm đến ngày càng nhiều. Để đánh giá đầy đủ về tình hình bệnh đột quỵ cần có con số thống kê từ nhiều bệnh viện khác trong khu vực.

Chỉ sau 3 năm đi vào hoạt động, bệnh viện chuyên điều trị đột quỵ, tim mạch (S.I.S Cần Thơ) tại khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long đã bắt đầu rơi vào tình trạng quá tải, cần được nhanh chóng mở rộng.
Năm 2019, bệnh nhân đã khám, điều trị cho hơn 26.000 bệnh nhân; năm 2020 hơn 66.000 bệnh nhân, năm 2021 hơn 80.000 bệnh nhân. Diện tích xây dựng hiện hữu chỉ hơn 3.800m2 đất với 13.000 msàn phân bố trên 10 tầng, số giường thực kê là 200, dù đã vận hành hết công suất nhưng bệnh viện vẫn không đủ đáp ứng trước nhu cầu điều trị quá lớn của người bệnh đột quỵ, tim mạch.
Để giải quyết vấn đề quá tải, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ cũng đã nhiều lần đưa ra kiến nghị với UBND TP Cần Thơ về việc cần mở rộng để phân luồng sàng lọc bệnh nhân đột quỵ, mở rộng khu bệnh nặng cần hồi sức, cần không gian điều trị phục hồi chức năng cho những bệnh nhân sau đột quỵ, cần không gian cho thân nhân người bệnh lưu trú.
Điểm đặc trưng là bệnh nhân đột quỵ thường rơi vào tình trạng yếu liệt, phải nằm dài ngày cần người trợ giúp nên rất cần không gian cho bệnh nhân và thân nhân.Bệnh viện đã có công văn gửi đến các sở ngành và UBND thành phố Cần Thơ đề nghị hỗ trợ các chính sách xã hội hóa y tế, cho thuê thêm khu đất 7.500m2 triển khai xây dựng giai đoạn 2 của bệnh viện. “Nếu được giao thêm đất, chúng tôi sẽ khởi công ngay và cam kết chỉ trong hơn 1 năm sẽ có thêm 500 giường phục vụ bệnh nhân, trong đó có khoảng 50 giường sẽ sử dụng cho mục đích điều trị từ thiện cho bệnh nhân nghèo bị đột quỵ, góp phần cùng nhà nước phục vụ an sinh xã hội”.
Dân số Việt Nam đang già đi, kéo theo bệnh đột quỵ, tim mạch, tiểu đường và các bệnh không lây sẽ gia tăng và cần chăm sóc y tế. Hơn nữa chăm sóc y tế ngày nay rất cần phải đầu tư hoàn chỉnh từ cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng mạng lưới kết nối, cạnh tranh về chất lượng, dịch vụ giá cả… để phát triển cùng các nước trong khu vực và đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của mọi tầng lớp nhân dân: công nghệ cao, dịch vụ tốt, nhưng vẫn phải hỗ trợ vấn đề an sinh xã hội và lòng nhân ái trong cộng đồng, chúng ta rất cần những cơ chế chính sách của đảng nhà nước, cơ quan chính quyền… mới có thể thực hiện được những “ước mơ” mà mọi người cùng mơ ước.

Theo Kim Quy – Benhdotquy.net

Xem bài viết gốc, tại đây.

Tin tức gần đây