Một trường hợp bệnh nhân người Campuchia tên D.K (59 tuổi, ở Phnôm Pênh) bị đột quỵ được đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ điều trị thành công và hồi phục sức khỏe nhanh chóng.
Hành trình “xuyên biên giới”
Đầu tháng 8/2024, đang sinh hoạt bình thường thì bà D.K đột ngột yếu đi, liệt nửa người, nói đớ. Lập tức, bà được người nhà đưa đến một bệnh viện tại Thủ đô Phnôm Pênh điều trị. Tại đây, bà D.K được chẩn đoán nhồi máu não, điều trị 1 tuần nhưng không tiến triển. Người nhà quyết định chuyển bà D.K sang Việt Nam điều trị tại Bệnh viện ĐKQT S.I.S Cần Thơ.
Tại đây, bệnh nhân được chụp MRI não, dựng hình mạch máu não. Trên phim MRI, bác sĩ thấy có tổn thương nhồi máu não ở vị trí hạch nền, cạnh não thất bên bên trái. Bệnh nhân được các bác sĩ điều trị nội khoa tích cực. Song song đó, bệnh nhân được chỉ định tập Vật lý trị liệu phục hồi chức năng (VLTL – PHCN).
Điều trị đột quỵ kết hợp VLTL-PHCN
Là người trực tiếp lên phác đồ điều trị cho bà D.K, BS.CKI Trương Đan Kha – Khoa VLTL-PHCN cho biết: “Bệnh nhân được Kỹ thuật viên (KTV) tập các bài tập vật lý trị liệu. Đặc biệt, phác đồ điều trị có kết hợp với các thiết bị máy móc điều trị chuyên sâu. Đó là hệ thống sóng cao tần, điện trị liệu, hệ thống từ trường siêu dẫn, máy laser công suất cao. Sau 2 tuần điều trị, bệnh nhân đã có thể tự đi lại và xuất viện về nhà.”
Hiện tại, bà D.K đã nói chuyện rõ ràng, ăn uống tốt, tự vận động đi lại nhẹ nhàng. Bà chia sẻ: “Cô biết đến bệnh viện S.I.S Cần Thơ qua bạn của con cô. Mẹ của cháu ấy từng điều trị ở đây và khen bệnh viện điều trị đột quỵ rất tốt. Ở đây, bác sĩ, điều dưỡng, KTV rất quan tâm, hỏi han cô mỗi ngày. Cô trải qua cảm giác bị đột quỵ và may mắn chữa khỏi nên cô khuyên mọi người. Ai có vấn đề về đột quỵ thì đến thẳng bệnh viện này. Mình đến đúng bệnh viện và điều trị nhanh sẽ phục hồi tốt hơn”.
Con trai bà D.K liên tục bắt tay cảm ơn bác sĩ, điều dưỡng và KTV điều trị cho bà. “Không thể tưởng tượng là trong thời gian ngắn mẹ tôi đã phục hồi tốt như vậy. Ở nơi tôi ở có vài người bị đột quỵ nhưng không may mắn được như vậy. Tôi mừng và biết ơn bệnh viện rất nhiều” – Con trai bà D.K chia sẻ.
Khi nào bệnh nhân đột quỵ tập VLTL-PHCN?
“Từ trường hợp phục hồi ngoạn mục của bà D.K có thể thấy để phục hồi chức năng sau đột quỵ cần phải thực hiện đúng, đủ các yếu tố. Đầu tiên, bệnh nhân nên được tập VLTL – PHCN sớm, đúng cách dưới sự theo dõi của bác sĩ, KTV. Thứ 2, bệnh nhân nên được phục hồi toàn diện các chức năng: chức năng vận động, nhận thức, rối loạn nói, nuốt, chức năng sinh hoạt. Cuối cùng, khoảng thời gian 1 – 3 tháng là thời gian vàng để phục hồi cho bệnh nhân sau đột quỵ. Bệnh nhân nên được điều trị tại bệnh viện có đầy đủ trang thiết bị chuyên sâu. Bên cạnh đó cần có bác sĩ thăm khám theo dõi mỗi ngày” BS.CKI Trương Đan Kha cho biết thêm.
Sau đột quỵ, nguy cơ tử vong của bệnh nhân trung bình khoảng 30% với điều kiện chăm sóc y tế tốt. Trong trường hợp chăm sóc y tế thiếu chuyên khoa thì tỉ lệ tử vong và tàn phế sẽ cao hơn. VLTL-PHCN chuyên sâu với đầy đủ trang thiết bị máy móc hiện đại tại S.I.S Cần Thơ đã giúp cho kết quả điều trị được tối ưu. Bệnh nhân hạn chế được những di chứng sau đột quỵ để chất lượng cuộc sống được tốt hơn.
Bài và ảnh: Cẩm Lài
Phiên dịch phỏng vấn: Lý Minh Đại