Được TS.BS Trần Chí Cường thông báo kết quả điều trị bệnh đái tháo đường ngày một tốt hơn, bà Lê Thị V. 92 tuổi, ngụ tại TP. Cà Mau hết thảy vui mừng. Vì hơn ai hết trong 6 năm qua, bản thân bà đã trải qua đau đớn của biến chứng, cất công tìm nơi điều trị phù hợp, tuân thủ chế độ ăn uống và điều chỉnh thói quen sinh hoạt mới có được kết quả khả quan như hôm nay.

Trong lần tái khám này, kết quả xét nghiệm sinh hóa của bà cho thấy chỉ số Glucose 120,2 mg/dL (kết quả cũ là 221,8) giảm gần một nửa; định lượng % HbA1c là 7,2 % (kết quả cũ là 8,8%) trở về chỉ số đáng mơ ước trong quá trình điều trị bệnh tiểu đường. Là người khám trực tiếp và theo suốt quá trình điều trị cho bà trong thời gian qua, TS.BS Trần Chí Cường cho biết “Bệnh nhân đã 92 tuổi nhưng có “thành tích” điều trị rất tích cực và đáng học hỏi. Lần tái khám này so với 4 tháng trước, các chỉ số giảm ngoạn mục nhờ tuân thủ phác đồ điều trị và duy trì chế độ ăn uống và luyện tập. Các biến chứng về huyết áp, thiếu máu não, tim mạch, tiêu hóa cũng cải thiện rõ rệt. Ca bệnh này cần chia sẻ đến cộng đồng để các bệnh nhân mắc đái tháo đường khác có cái nhìn tích cực để quyết tâm điều trị”.

Được biết vào 6 năm trước, bà V. cảm thấy cơ thể không ổn, có triệu chứng ăn đồ ngọt ngày càng nhiều và đi tiểu đêm nhiều lần. Người nhà đưa bà đến bệnh viện địa phương khám thì phát hiện mắc bệnh đái tháo đường. Bà điều trị tại bệnh viện địa phương gần 2 năm nhưng chưa thấy thuyên giảm mà cảm thấy hay bị buồn ngủ và cơ thể tăng thêm 15 kg. Trong một lần thấy TS.BS Trần Chí Cường chia sẻ trên đài truyền hình, bà V có trao đổi với người nhà và quyết định chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ thăm khám. Từ khi điều trị tại S.I.S Cần Thơ, bà đã giảm được 7kg, chỉ số đường huyết duy trì ở mức độ ổn định, biến chứng cũng ít hơn.
Nỗ lực điều trị trong thời gian dài, bà V. cũng muốn chia sẻ bí kíp kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường và tiết kiệm chi phí đến mọi người: “Bác sĩ nói với chế độ ăn – uống đối với bệnh nhân đái tháo đường vô cùng quan trọng nên bà cố gắng làm theo.Về phần uống thì bà chỉ uống nước lọc, buổi sáng uống 1 ly trà khổ qua, tuyệt đối không uống các loại thuốc lá truyền miệng dân gian, không uống các loại nước mía, nước dừa, cà phê, trà đường,… Về phần ăn, bà chia nhỏ bữa ăn và ăn nhiều rau. Bà không ăn cơm gạo trắng chuyển sang ăn cơm gạo lứt, cả ngày chỉ ăn 1 chén cơm. Buổi sáng, bà thường ăn 1 chén yến mạch. Về cách ăn cơm, mỗi bữa ăn bà ăn rau, ăn canh trước đến no lưng bụng rồi mới ăn cơm sau. Vào buổi chiều nên ăn ít lại, bà chỉ ăn nhiều rau và khoảng 2 muỗng cơm. Cách chế biến thức ăn của bà cũng tối giản chỉ cần luộc, hấp, nấu canh, rất hạn chế các món chiên xào nhiều gia vị. Bà ăn đa dạng các loại rau củ, trái cây. Riêng các loại trái cây có vị ngọt đậm như dưa hấu, mít, sầu riêng, xoài chín, chuối cũng phải hạn chế ăn. Về sinh hoạt, buổi sáng bà duy trì tập thể dục nhẹ nhàng khởi động tay chân 15 phút mỗi ngày, giữ tinh thần vui vẻ lạc quan sợ chi bệnh tật. Nhờ vậy năm nay 92 tuổi mà bà còn minh mẫn, còn đi lại nhẹ nhàng được. Bà không tốn kém nhiều tiền cho các loại sữa, thực phẩm chức năng gây tốn kém lãng phí mà có khi mang lại kết quả không tốt ảnh hưởng đến chỉ số đường huyết. Mong là những kinh nghiệm của bà cũng giúp cho những người bị đái tháo đường khác sống vui khỏe ít gặp biến chứng.”

Đưa bà V. đi tái khám, cô Ng. con của bà V. cũng chia sẻ: “Đưa mẹ lên khám tại S.I.S Cần Thơ tối rất yên tâm về đội ngũ y tế và hài lòng về dịch vụ. Vài năm trước, chồng tôi đang đi làm thì có triệu chứng bị đột quỵ. Do biết trước bệnh viện này nên gia đình đã chuyển lên sớm trong giờ vàng. Nhờ các bác sĩ điều trị đến nay không để lại di chứng gì. Rất biết ơn các bác sĩ, y tá ở đây đã điều trị cho mẹ và chồng tôi”.
Các bác sĩ tại phòng khám bệnh đái tháo đường, nội tiết của Bệnh viện ĐKQT S.I.S Cần Thơ cho biết: “Hiện nay thuốc điều trị bệnh đái tháo đường khá phong phú giúp hỗ trợ bệnh nhân kiểm soát các chỉ số đường huyết dễ dàng. Hơn hết, bản thân bệnh nhân cũng phải hiểu rõ về bệnh, tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, không nên sử dụng bừa bãi các loại thực phẩm chức năng có thể gây tăng đường huyết. Đặc biệt hơn, bệnh nhân cần tuân thủ chế độ ăn kiêng theo hướng dẫn, tập thể dục vận động, kiểm soát cân nặng, chú ý ngủ đủ giấc để có sức khỏe tinh thần tốt, tránh lo âu, căng thẳng”.
Qua quá trình điều trị bệnh đái tháo đường đầy nỗ lực của cụ bà 92 tuổi trên đây, hy vọng sẽ tiếp thêm động lực cho những bệnh nhân đái tháo đường và những người bệnh khác có thêm niềm tin điều trị cũng như biết cách để kiểm soát tốt nó.
Để tầm soát bệnh tiểu đường cho cộng đồng nhằm giảm nguy cơ bệnh tật và giảm nguy cơ đột quỵ tổn thương cơ quan đích do bệnh tiểu đường không điều trị sớm, Bệnh viện ĐKQT S.I.S Cần Thơ có chương trình tầm soát, tư vấn tiểu đường hoàn toàn miễn phí cho bệnh nhân và thân nhân khi đến thăm khám vào ngày Thứ 3 hàng tuần.
Thông tin liên hệ khi cần đăng ký tầm soát tiểu đường miễn phí:
Số điện thoại: 02923 789 911
Địa chỉ: Bệnh viện Đa khoa quốc tế SIS Cần Thơ, 397 Nguyễn Văn Cừ nối dài, phường An Bình, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Cẩm Lài