Người phụ nữ phát hiện túi phình mạch máu não dọa vỡ, sau nhiều năm mỡ máu cao, tiểu đường, tăng huyết áp… Một lần nữa khẳng định, việc khám sức khỏe định kỳ với những kiểm tra cơ bản là chưa đủ, đặc biệt là ở người trung niên có nhiều bệnh nền và yếu tố nguy cơ cao của đột quỵ, tim mạch.
Trường hợp trên là bà T.T.T.T, 56 tuổi, quê Cần Thơ. Theo lời bà T., lần kiểm tra sức khỏe gần nhất của bà là cách đây 4 năm, tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ. Khi đó, bà được chẩn đoán tăng huyết áp, cùng với các xét nghiệm máu cho thấy chức năng gan, mỡ máu và đường huyết đều tăng. Bác sĩ đã khuyên bà nên kiểm tra chuyên sâu bằng cách chụp MRI não để đánh giá hệ thống mạch máu não, vì bà có nhiều yếu tố nguy cơ của đột quỵ. Tuy nhiên, bà nghĩ rằng mình khỏe mạnh, nên đã bỏ qua lời khuyên của bác sĩ.
Tầm soát chuyên sâu não, hệ thống mạch máu não bằng MRI 3 Tesla
Nói về lý do lần này đến tầm soát chuyên sâu về đột quỵ, bà cho biết sắp tới bà sẽ định cư ở nước ngoài cùng các con. Để yên tâm, bà thực hiện các kiểm tra sức khỏe cơ bản, cùng với việc chụp MRI não nhằm tầm soát các bệnh lý của mạch máu não tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ.
Không ngờ, qua phim MRI, các bác sĩ ghi nhận bà có phình động mạch cảnh trong trái đoạn động mạch mắt, kích thước 7x10mm, cổ rộng, có nhú dọa vỡ. Được chỉ định nhập viện can thiệp.
Ban đầu, bà T. cũng không tin mình có túi phình khá lớn, bà tham khảo ý kiến nhiều bác sĩ trong và ngoài nước (Mỹ), đều được khuyên là nên can thiệp trước khi túi phình tiến triển thêm, ở Mỹ chi phí ước tính hơn 100.000 USD cho điều trị túi phình này. Sau khi bàn bạc gia đình và tìm hiểu về Bệnh viện S.I.S Cần Thơ bà T. quyết định nhập viện S.I.S Cần Thơ để can thiệp chủ động.
Can thiệp chủ động
THS.BS Lê Minh Thắng – Đơn vị DSA Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ cho biết, bệnh nhân có túi phình mạch máu não khá lớn, đặc biệt là có nhú dọa vỡ. Rất may cho bệnh nhân là đã được chẩn đoán can thiệp kịp thời. Sau gần 1 giờ can thiệp, ekip của chúng tôi đã đặt stent chuyển dòng chảy và đặt coils thành công. Stent chuyển dòng có vai trò đặc biệt là chỉ cho dòng máu chảy một chiều giúp giảm nguy cơ vỡ túi phình, cùng với việc đặt coils để có thể tắc túi phình nhanh chóng.
Sau 1 ngày can thiệp, bà được tháo băng ép và sức khỏe đã bình thường trở lại. “Khi phát hiện ra túi phình, tôi cũng rất lo, vì không biết ngày mai nó có vỡ hay 10 năm nữa nó mới vỡ. Tôi tin tưởng S.I.S Cần Thơ, tin tưởng BS Trần Chí Cường, nên đã quyết định can thiệp tại đây” – bà T. nói.
Sau gần 1 tuần điều trị, bà T. chia sẻ thêm trong ngày ra viện: “Tôi nghĩ là nếu có điều kiện, sau khi kiểm tra các chỉ số về mỡ máu, tiểu đường, huyết áp có tăng, mà bác sĩ có kêu là nên chụp Mri để kiểm tra thêm thì nên làm. Vì mình mua sự yên tâm của mình với vài triệu thì nó cũng không có bao nhiêu so với việc khi đã vô cấp cứu rồi thì mình không thể đoán được chuyện gì…, mỗi người chỉ sống có một lần, vì vậy cái gì mình chủ động làm được thì mình nên làm, vì sức khỏe chính bản thân.”.
Cảnh báo của bác sĩ
Qua trường hợp này, bác sĩ Thắng cũng cảnh báo, người dân ở độ tuổi trung niên có các bệnh nền như mỡ máu cao, tăng huyết áp, đái tháo đường, hút thuốc lá, uống rượu bia… bên cạnh việc khám tổng quát định kỳ, cũng nên xem xét chụp MRI não. Điều này có thể giúp phát hiện sớm các bệnh lý về mạch máu não như hẹp, phình, dị dạng… từ đó có phương án điều trị kịp thời, giảm rủi ro cho sức khỏe.
Kim Cương, ảnh & video: Đức Thịnh, Tuấn Anh