Lá thư thật dài nhưng cũng thật đong đầy cảm xúc của thân nhân gửi đến
Chúng tôi đến với Bệnh viện Đa khoa Quốc tế SIS Cần Thơ từ câu chuyện của một người bạn. Người bạn tôi đã ở bên lằn ranh giữa cái sống và cái chết, cuối cùng bạn tôi đã được Tiến sĩ, bác sĩ Trần Chí Cường cứu sống.
Trường hợp của chồng tôi thì lại là một câu chuyện đặc biệt. Chồng tôi được phát hiện hẹp mạch máu não và đã điều trị bằng cách uống thuốc suốt hai năm ròng. Sẽ không có gì đáng nói khi đến năm thứ ba bệnh cứ dần dần chuyển biến xấu.
Chúng tôi đã đi khám nhiều nơi: từ Bắc vào Nam, từ bệnh viện trung ương đến bệnh viện địa phương, kể cả ra nước ngoài. Những nơi chúng tôi kì vọng nhất đều khuyên nên dùng thuốc để an toàn, giữ tính mạng, nếu can thiệp thì tỉ lệ thành công chỉ 50% vì ca bệnh của chồng tôi quá khó: hẹp mạch máu não đến hơn 90% và ở một vị trí nhạy cảm, khó can thiệp.
Từ câu chuyện của người bạn được cứu sống, chúng tôi tìm đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế SIS Cần Thơ tìm gặp Tiến sĩ, bác sĩ Trần Chí Cường, vị bác sĩ đã cứu sống bạn tôi năm xưa và đây cũng là vị bác sĩ lần đầu tiên thăm khám cho chồng tôi đã đưa ra hướng giải quyết: can thiệp.
Nhưng chồng tôi là một người đặc biệt nên không phải nói can thiệp là can thiệp được ngay vì còn bao lí do khác khiến chúng tôi đắn đo, suy tính sao cho vẹn tròn mọi ngả. Trong khi đó thuốc đã không cản được sự chuyển biến ngày càng xấu đi trên cơ thể chồng tôi.
Từ một con người khoẻ như vâm, ăn nói như vũ bão, đi đứng hoạt bát, giải quyết công việc quyết đoán, linh hoạt nay chồng tôi trở thành một con người hoàn toàn khác: nói năng ngọng nghịu, đi đứng nghiêng ngả, tính tình trầm mặc, ngại giao tiếp, ngại đám đông.
Bản thân anh không chấp nhận mình cứ sống như thế và thấy rằng mình phải chọn phương pháp điều trị phối hợp (Dùng thuốc và đặt stent). Chúng tôi trở lại bệnh viện SIS lần thứ hai rồi lần thứ ba. Lần nào bác sĩ Trần Chí Cường cũng giữ quan điểm phải can thiệp và đặc biệt ở lần thứ ba ông khẳng định tỉ lệ thành công 90%.
Vui quá! Chúng tôi tràn ngập niềm hi vọng và tin tưởng ở bàn tay vàng của bác sĩ.
Sau khi sắp đặt mọi việc ổn thoả, chúng tôi trở lại bệnh viện SIS lần thứ tư để can thiệp. Và cuối cùng, không chỉ 90 % mà ca can thiệp của chồng tôi đã thành công 100 %. Gia đình, bạn bè, đồng nghiệp của chúng tôi vỡ oà trong niềm sung sướng và hạnh phúc.
Và chắc chắn Tiến sĩ, bác sĩ Trần Chí Cường cũng cùng chung cảm xúc như chúng tôi. Ông đã sinh ra chồng tôi một lần nữa! Chúng tôi khắc mãi trong tâm cái ơn cứu mạng này! Nhớ lại lần đầu gặp bác sĩ Cường, ngay từ đầu tôi đã cảm nhận được ông là người bình dị, chất phác, hoạt bát, tự tin và quyết đoán.
Nhân viên của ông ai cũng nể trọng, kính phục và yêu quý ông. Họ nói với tôi rằng: ông là người rất có tâm.
Nay được bác chữa trị cho chồng tôi, tôi cảm nhận được nhân viên của ông nói về ông là chính xác. Tiến sĩ, bác sĩ Trần Chí Cường không chỉ là người có tâm mà còn là người có tầm, có tài. Những ngày điều trị tại bệnh viện sau đó là những ngày chúng tôi nhận được sự chăm sóc tận tình, chu đáo, nhẹ nhàng và ấm áp tình người của đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên khoa ngoại nói riêng và bệnh viện nói chung.
Họ thật xứng đáng với lời Bác Hồ dạy: Lương y như từ mẫu. Tôi tin rằng họ sẽ là những người thầy thuốc : Nhân – Minh – Đức – Trí – Lượng – Cần – Thành – Khiêm (Nhân ái – Sáng suốt – Đức độ – Hiểu biết- Rộng lượng -Cần cù -Thành thật – Khiêm tốn) và Bệnh viện Đa khoa Quốc tế SIS Cần Thơ sẽ là địa chỉ tin cậy của người dân đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và người dân cả nước nói chung, là điểm sáng trên bản đồ y tế của nước nhà mà các nhà lãnh đạo, quản lí cần quan tâm và nhân rộng.
Chúng tôi ước mong sao đất nước ta có nhiều bệnh viện như Bệnh viện đa khoa Quốc tế SIS Cần Thơ và có nhiều bác sĩ có tâm, có tài như Tiến sĩ, bác sĩ Trần Chí Cường cho dân Việt được nhờ.