Bạn trên 50 tuổi, kèm theo nhiều bệnh lý nền từ tim mạch, tăng huyết áp đến tiểu đường, mỡ máu? Vậy hãy lắng nghe những lời khuyến đến từ TS.BS Trần Chí Cường – Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TPHCM, Giám đốc Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ để biết mùa lạnh năm nay cần trang bị những kỹ năng gì để phòng ngừa đột quỵ.

I. Vì sao đột quỵ thường ghé thăm độ tuổi 50, đặc biệt là mùa lạnh?

1. Thưa TS.BS Trần Chí Cường, thời gian vừa qua tại Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ đã cấp cứu và điều trị cho nhiều trường hợp đột quỵ trên 50 tuổi. Điển hình như một trường hợp bị đột quỵ treo người trên cây dừa cũng rơi vào độ tuổi này. Xin hỏi BS vì sao khi vừa qua ngưỡng 50 nhiều người thường bị đột quỵ ghé thăm như vậy? Nam hay nữ giới dễ bị đột quỵ hơn?

TS.BS Trần Chí Cường trả lời: Như chúng ta đã biết, bệnh đột quỵ không loại trừ một ai, có thể xảy ra không chỉ ở người lớn tuổi (đa số) mà ngay cả ở những người trẻ. Đối với người ở độ tuổi càng cao, nguy cơ đột quỵ càng gia tăng. Điều này được giải thích như sau: cơ thể người khi vượt qua lứa tuổi 50, tất cả mọi cơ quan đều có mức độ suy yếu nhất định. Càng lớn tuổi những cơ quan này càng lão hóa. Ngày nay y học vẫn chưa tìm ra loại thuốc nào giúp con người cải lão hoàn đồng, cũng như kéo dài tuổi thọ. Do đó, những người lớn tuổi thường mắc khá nhiều bệnh lý chứ không riêng gì đột quỵ như ung thư, tim mạch, tiểu đường, loãng xương, sa sút trí tuệ

Một trong những vấn đề nghiêm trọng làm cho con người ra đi đột ngột là đột quỵ. Với cơ thể lão hóa, đặc biệt là hệ tim mạch, hệ mạch máu, hệ thần kinh càng làm cho tình trạng đột quỵ gia tăng. Cơ thể lão hóa ảnh hưởng trực tiếp đến hệ mạch máu, làm hệ mạch máu có khuynh hướng xơ xứng, hẹp lòng dần hoặc dễ vỡ ra. Đối với những ai hút thuốc lá từ nhỏ, khoảng 20 tuổi, sau 30 năm tự gây tổn hại cho mình, đến độ tuổi 50 hoặc sau 50 tuổi sẽ nhận lại những hậu quả đó. Vì vậy, chúng ta phải quan tâm trên góc nhìn rất dài, sau 30 năm mới xảy ra đột quỵ – đây là kết quả đáp trả lại do việc tự hủy hoại cơ thể.

Cho nên, đột quỵ tại sao xảy ra ở độ tuổi 50 là vì vậy, đây không phải ngẫu nhiên tình cờ mà là sự cộng hưởng của quá trình lão hóa cộng với việc chăm sóc sức khỏe như thế nào để nhận lấy những hậu quả nghiêm trọng đó.

Nói về sự khác biệt giới tính, ở lứa tuổi trẻ (dưới 50), với hơn 30.000 ca cấp cứu và điều trị đột quỵ tại Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ, chúng tôi nhận thấy nam giới chiếm ưu thế. Điều này khá dễ hiểu, vì nam giới có nhiều thói quen như uống rượu bia, hút thuốc lá… đều là những yếu tố có nguy cơ cao bị đột quỵ. Ở độ tuổi dưới 60, nam giới cũng chiếm thế thượng phong so với nữ giới. Ở độ tuổi từ 60 trở lên, giữa hai giới có số lượng tương đương.

Bệnh nhân đột quỵ trên cây dừa là trường hợp rất hy hữu mà chúng tôi đã cứu sống. Bệnh nhân này trong lúc hái dừa thì bị đột quỵ. May mắn bệnh nhân không rơi xuống đất mà mắc kẹt giữa hai tàu dừa khiến cơ thể ở trạng thái lủng lẳng. Những người xung quanh đã dùng võng để đưa người bệnh xuống đất và đi cấp cứu tại S.I.S Cần Thơ. Đây là trường hợp cho thấy rằng đột quỵ xảy ra ở mọi thời điểm và không loại trừ bất cứ ai. Lứa tuổi 50 có nguy cơ rất cao bị đột quỵ.

2. Những ngày vừa qua, miền Bắc nước ta đang đón đợt không khí lạnh kéo về, nền nhiệt nhiều nơi xuống thấp. Mỗi năm khi vào thời điểm giao mùa như hiện nay tỷ lệ nhập viện vì đột quỵ tăng đột biến. Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này? Vì trời lạnh nên nhiều người thường nhầm lẫn trúng gió, cảm lạnh với đột quỵ. Làm sao để nhận diện, phân biệt đột quỵ với những tình trạng bệnh lý khác ạ?

TS.BS Trần Chí Cường trả lời: Khi thời tiết giao mùa, đặc biệt là trong tiết trời lạnh từ tháng 10-11, chúng tôi luôn ghi nhận số lượng lớn bệnh nhân  cấp cứu đột quỵ. Phần lớn bệnh nhân đột quỵ đến bệnh viện muộn, nhất là trong mùa đông. Bên cạnh đó là sự gia tăng đáng kể bệnh nhân bị xuất huyết khoang dưới nhện (còn gọi là xuất huyết não do vỡ phình mạch máu não) vào ban đêm (thời điểm từ tối đến sáng). Tần suất xảy ra ở người cao tuổi nhiều hơn.

Điều này có thể lý giải như sau: khi trời lạnh, cơ thể sẽ có phản ứng co mạch toàn thân. Đó là lý do tại sao khi trời lạnh tay chân chúng ta cũng lạnh theo, đồng thời sẽ bị khô da, vọp bẻ, ít uống nước. Khi cơ thể co mạch toàn thân, lưu lượng máu sẽ dồn về những cơ quan quan trọng như não, tim. Nếu bệnh nhân kèm theo túi phình mạch náu não hay có những mạch máu dễ yếu, dễ vỡ thì rất có khả năng xảy ra xuất huyết mạch máu não.

Nếu bệnh nhân có bệnh nền là tăng huyết áp, khi mạch máu co lại sẽ tăng áp lực lên tim. Do đó sẽ khó kiểm soát huyết áp hơn trong mùa lạnh. Trời về sáng, tim đập nhiều hơn, huyết áp tăng cao hơn, nếu bệnh nhân thay đổi tư thế đột ngột, đi toilet trong tình trạng chưa tỉnh táo hoàn toàn rất có nguy cơ xảy ra đột quỵ.

Nhân đây tôi cũng cảnh báo rằng: Những người lớn tuổi hay trong gia đình có người lớn tuổi, đột quỵ rất dễ “ghé thăm” những đối tượng này trong thời điểm sáng sớm. Do đó, khi ngủ dậy cần nằm tại giường, co duỗi tay chân, vận động thật nhiều để cơ thể  tỉnh táo hẳn, sau đó mới ngồi dậy và bước đi. Tuy đây chỉ là bước chuẩn bị nhỏ nhưng rất hữu dụng, phòng tránh đột quỵ xảy ra.

Livestream Đừng để đột quỵ tìm đến người sau 50 tuổi lúc giao mùa BS Trần Chí Cường

II. Cấp cứu bệnh nhân đột quỵ như thế nào?

3. Đột quỵ mùa lạnh thường dễ xảy ra từ giữa đêm về sáng, nhất là những người có sẵn bệnh nền như tiểu đường, tăng huyết áp trên 50 tuổi. Điều này khiến người bệnh cũng như thân nhân “trở tay không kịp”. Trong trường hợp này nên xử trí như thế nào để tận dụng được khoảng “thời gian vàng” còn lại cho người bệnh? Liệu có cách nào để ngăn ngừa đột quỵ xảy ra giữa đêm không thưa BS? Ví dụ như trước khi đi ngủ có cần đo huyết áp, đường huyết, để nếu chỉ số bất thường thì xử trí kịp thời?…

TS.BS Trần Chí Cường trả lời: Chúng ta hoàn toàn có biện pháp để theo dõi các chỉ số tốt hơn. Nếu trước đó không quan tâm thì giờ giành thời gian quan tâm nhiều hơn, điều này sẽ giảm thiểu tình trạng bệnh nhân đột quỵ. Giả sử những người đang điều trị huyết áp, tiểu đường, ngoài việc theo dõi và kiểm soát huyết áp, đường máu định kỳ, bệnh nhân phải đo huyết áp 2 lần/ ngày (buổi sáng và tối trước khi đi ngủ), đặc biệt là trong thời điểm mùa lạnh cảnh giác với đột quỵ. Trong đêm tránh xảy ra tình trạng rối loạn giấc ngủ, bởi những người lớn tuổi đi vào giấc ngủ rất khó khăn, khi trở dậy phải vận động nhẹ nhàng để đánh thức cơ thể trước khi có những thay đổi tư thế đột ngột, vội vã như ngồi dậy ngay lập tức, rồi di chuyển ngay vào nhà vệ sinh… điều này sẽ khiến tim và hệ tuần hoàn khó thích nghi.

Với những đối tượng đã từng xảy ra cơn đột quỵ nhẹ, việc tầm soát để loại bỏ các yếu tố nguy cơ rất cần thiết. Nếu đã tầm soát và uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, cũng như theo dõi sát các chỉ số thì đã giảm phần lớn các nguy cơ xảy ra đột quỵ cho người lớn tuổi, đặc biệt là sau 50.

Trong trường hợp chẳng may người thân trong gia đình bị đột quỵ, mọi người cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện có cấp cứu đột quỵ trong thời gian vàng. Có nhiều trường hợp bệnh nhân bị đột quỵ trong đêm, nhưng người nhà lơ là và chờ đến sáng mới đi cấp cứu, điều này gây chậm trễ trong điều trị cũng như để lại di chứng nặng nề cho bệnh nhân.

4. Khi thấy có các dấu hiệu đột quỵ não, do nhà xa hoặc chờ xe cấp cứu đến sợ quá lâu ta có nên chủ động đến bệnh viện liền không? Việc tự di chuyển, đi lại như vậy có nguy hiểm gì không?

TS.BS Trần Chí Cường trả lời: Trước khi trả lời câu hỏi này, tôi muốn chia sẻ một câu chuyện rất đau lòng. Một đồng nghiệp của tôi ở miền Tây, khoảng 40 tuổi, không may bị đột quỵ hành não, cầu não và sau đó rơi vào hôn mê sâu. Khi bác sĩ này bị đột quỵ, người vợ rất hốt hoảng, nhưng thay vì chờ một vài phút chờ xe cấp cứu thì người vợ đưa chồng đi cấp cứu bằng xe ôm. Chính hành động này làm cho bệnh nhân hôn mê sâu, thiếu oxy não và đường thở không được kiểm soát tốt, sau đó bệnh nhân đã tử vong.

Do đó, việc sơ cứu và cấp cứu ban đầu ở bệnh nhân đột quỵ chẳng may bị hôn mê, nếu không có chuyên môn về sơ cứu tuyệt đối không được vận chuyển bệnh nhân vội vã bằng xe ôm hay khiêng vác, điều này khiến bệnh nhân tắc nghẽn đường thở, thậm chí tử vong ngay sau đó. Nếu người thân có kiến thức về hà hơi thổi ngạt có thể cấp cứu cho bệnh nhân tại nhà trong thời gian chờ xe cứu thương hay xe taxi, không được ẵm bồng hay vận chuyển người bệnh bằng xe máy.

Livestream Đừng để đột quỵ tìm đến người sau 50 tuổi lúc giao mùa MC Ngọc Hương

III. Cách phòng ngừa và tầm soát đột quỵ

5. Khi ở độ tuổi 50 nên tầm soát đột quỵ sao cho đúng, bao lâu nên làm một lần? Với các quý ông thường xuyên rượu bia, thuốc lá, mắc bệnh mạn tính hoặc có thói quen không tốt cho sức khỏe như thức khuya thì nên theo dõi sức khỏe như thế nào? Những xét nghiệm nào cần chú trọng ở những trường hợp này?

TS.BS Trần Chí Cường trả lời: Tầm soát đột quỵ cho người từ 50 tuổi trở lên rất cần được quan tâm. Không chỉ riêng cho những người có nguy cơ, những người tự cho mình khỏe mạnh cũng nên quan tâm đến việc tầm soát, bởi khi cơ thể khi bước vào độ tuổi 50 ít nhiều sẽ có sự lão hóa cũng như những tác động không mong muốn từ môi trường bên ngoài và tự bản thân như rượu bia, thuốc lá… Do đó, những đối tượng này nên đi tầm soát ít nhất 1 lần để đánh giá tổng quát cơ thể có những nguy cơ nào. Việc đo huyết áp hằng ngày, hay kiểm tra sức khỏe định kỳ gồm xét nghiệm máu, kiểm tra men gan, mỡ máu, đo điện tim, chụp Xquang phổi… hết sức cần thiết.

Siêu âm Doppler động mạch cảnh với chi phí khá rẻ sẽ kiểm tra được động mạch cảnh có nguyên vẹn hay không. Động mạch cảnh chiếm tới 70% nguồn cấp máu lên não, nhưng trên 90% người Việt Nam ở độ tuổi trên 50 không có liệu trình kiểm tra động mạch cảnh hằng năm, cũng như đến 50 tuổi chưa từng nhìn thấy động mạch cảnh của mình có nguyên vẹn hay không dù chỉ 1 lần.

Những xét nghiệm cao cấp hơn, cần thiết hơn cho những người có nguy cơ cao như chụp CTchụp MRI hoàn toàn có thể thực hiện được ít nhất 1 lần, mang lại hiệu quả cao cho bệnh nhân.

Với những trường hợp khi đã tầm soát có bệnh lý rõ ràng, bệnh nhân sẽ được bác sĩ đưa ra phương án điều trị chủ động, phòng tránh đột quỵ xảy ra. Khi kết quả tầm soát bình thường, việc quan trọng là kiểm soát yếu tố nguy cơ, sau 5 năm sẽ kiểm tra lại hệ thống mạch máu nếu ở độ tuổi 50. Với độ tuổi trên 60 cũng có những biện pháp tương tự nhưng tần suất lặp lại tầm soát ngắn hơn nhằm bảo đảm sức khỏe an toàn.

6. Với mỗi người trên 50 tuổi nên trang bị những kỹ năng gì để xử trí khi bản thân hoặc người bên cạnh bị đột quỵ? Mùa đông năm nay được dự báo sẽ xuất hiện các đợt rét kỷ lục, ngay từ bây giờ cần làm gì để phòng ngừa đột quỵ? Khi dùng các thực phẩm bảo vệ sức khỏe, phòng ngừa đột quỵ cần lưu ý gì khi chọn lựa và sử dụng?

TS.BS Trần Chí Cường trả lời: Đột quỵ có thể xảy ra ở mọi thời điểm trong năm, nhưng mùa đông có thể nghiêm trọng hơn, do đó chăm sóc sức khỏe là liệu trình lâu dài. Đối với vấn đề chăm sóc sức khỏe lâu dài, chúng ta phải kiểm soát các yếu tố nguy cơ như rượu bia, thuốc lá, tiểu đường, tăng huyết áp, béo phì…

Dịch bệnh COVID-19 hiện đã được khống chế nhưng mọi người không nên vui mừng dẫn đến uống rượu bia, mọi người nên kiểm soát trong giới hạn cho phép và học cách sơ cứu tại nhà theo A – B – C nếu chẳng may có người thân bị đột quỵ.

Trình tự sơ cứu A – B – C như sau:

– A (Airway, đường thở): kiểm tra xem bệnh nhân có còn thở hay không? Nếu có vật lạ cản đường thở thì nên khai thông đường thở và nghiêng đầu sang một bên.

– B (Blood, máu): Trường hợp người bệnh thở tốt thì xem cơ thể có chảy máu hay không, nới lỏng quần áo, cho nằm nghỉ ở nơi thoáng.

– C (Circulation, tuần hoàn máu): Sau khi bệnh nhân đã ổn định, cần kiểm tra động mạch cảnh, đùi… Trường hợp không đập cần xoa bóp tim ngoài lồng ngực, khởi động quy trình cấp cứu.

Nếu có kiến thức y khoa thì đo huyết áp, kiểm tra đồng tử… Nếu bệnh nhân bị té xe ngoài đường hay trong toilet, tránh bế xốc nạn nhân bởi sẽ gây tổn thương dập tủy sống cổ, di chuyển người bệnh với một tấm gỗ, cố định chỗ xương gãy mới được đưa đến nơi cấp cứu.

Khi xảy ra đột quỵ, mọi người tuyệt đối không chích lễ, nặn máu, cạo gió, giác hơi, vắt chanh, cho người bệnh uống sữa, nước đường… Nếu cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh, mọi người có thể sử dụng thực phẩm chức năng như NattoEnzym.

Bên cạnh đó cần duy trì lối sống lành mạnh và tuân thủ các liệu trình điều trị thuốc men để cơ thể chống chọi tốt nhất với những thay đổi của môi trường. Cho dù thời tiết có khắc nghiệt, mùa đông có rét kỷ lục thì chúng ta vẫn có thể kiểm soát được cơ thể và những yếu tố nguy cơ.

Livestream Đừng để đột quỵ tìm đến người sau 50 tuổi lúc giao mùa

Trân trọng cảm ơn Thực phẩm bảo vệ sức khỏe ngừa tai biến, đột quỵ Nattoenzym – Dược Hậu Giang đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này.
Hải Yến (ghi) – AloBacsi.vn

Tin tức gần đây