Hội Nghiên cứu Khoa học (NCKH) Đột quỵ S.I.S thành phố Cần Thơ (TPCT) vừa được thành lập, quy tụ đông đảo các nhà khoa học, bác sĩ, dược sĩ, kĩ sư, điều dưỡng tài năng, tâm huyết trong lĩnh vực điều trị và cấp cứu đột quỵ. Đây cũng là lần đầu tiên một hội nghiên cứu về đột quỵ mang tính học thuật cao ra đời tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đặc biệt hơn, người đứng đầu Hội là một nữ lãnh đạo hiện đang là Phó Giám đốc điều hành Bệnh viện ĐKQT S.I.S Cần Thơ – BS.CKII Phan Trịnh Minh Hiếu.
Từ thực tế mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 200.000 trường hợp bị đột quỵ. Đây là căn bệnh có tỉ lệ gây tử vong và tàn phế cao. Đặc biệt, tỉ lệ người bị đột quỵ ngày càng trẻ hóa. Riêng Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ trong 5 năm hoạt động đã tiếp nhận hơn 26.017 ca đột quỵ mắc mới (số liệu cập nhật từ tháng 2/2019 đến tháng 7/2024). Chỉ tính riêng 7 tháng đầu năm 2024, bệnh viện đã tiếp nhận 5.054 ca đột quỵ, tăng 13% so với cùng kì năm trước. Từ thực tế đó, với tầm nhìn của nhà lãnh đạo cùng tâm huyết của người bác sĩ, BS.CKII Phan Trịnh Minh Hiếu thấy rằng sự ra đời của một Hội NCKH về đột quỵ tại ĐBSCL là vô cùng cấp thiết.
“Người đầu tàu” Chủ tịch của Hội NCKH Đột quỵ S.I.S TPCT đã có những chia sẻ tâm huyết với chúng tôi.
Lần đầu tiên, ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có một Hội nghiên cứu khoa học về đột quỵ, đây là niềm tự hào của đội ngũ nhân viên ngành y tế cũng như của khu vực. Xin BS.CKII Phan Trịnh Minh Hiếu cho biết cơ duyên nào cũng như nguyên do từ đâu lại có sự ra đời một hội nghiên cứu mang tính học thuật cao như vậy?
Vì sao Hội này mang tính học thuật cao? Vì chúng tôi là bác sĩ, mỗi bác sĩ chúng tôi là nhà nghiên cứu khoa học. Khi khoác áo blouse trắng đã cam kết phải luôn mang đến cho cộng đồng những dịch vụ y tế chất lượng ngày càng tốt hơn. Do đó, bằng sự nỗ lực của bản thân và sức mạnh tập thể chúng tôi rất mong muốn có một tổ chức, đoàn hội,… có thể tổ chức và tập hợp các cá nhân cùng tầm nhìn và sứ mệnh để cùng nhau nghiên cứu, thử nghiệm, đào tạo,… xây dựng những giá trị mà chúng tôi đã định hướng.
Hơn nữa sau 5 năm, chúng tôi hoạt động trong lĩnh vực y tế với chuyên khoa Thần kinh, Đột quỵ và Tim mạch… Trong quá trình thực hành lâm sàng và quản lí có rất nhiều vấn đề làm tôi trăn trở: Quá trình điều trị cần có những phác đồ cải tiến tốt hơn nữa, công tác chăm sóc cần cải tiến, lưu trữ và phát triển tốt hơn. Hay quá trình điều trị cần thống kê, phân tích trên dữ liệu bệnh nhân, lưu lại thông tin bệnh nhân để phân tích tìm ra những mối liên quan hay sự khác biệt của những cá thể trong công đồng dân cư Châu Á, Việt Nam,… điều chỉnh trị liệu và giáo dục cho phù hợp.
Chúng tôi cần một tổ chức cùng nhau trao đổi, chia sẻ, học hỏi những kinh nghiệm. Một tổ chức để hỗ trợ các thành viên phát huy tinh hoa của mình để có thể giúp đỡ cho bệnh nhân. Đặc biệt trong ngành y tế cần có những sáng kiến hữu ích, đột phá hơn. Thực tế là ở ĐBSCL cũng chưa có một Hội nào về nghiên cứu Đột quỵ và Tim mạch. Từ những lý do trên chúng tôi đã suy nghĩ, hành động tiến hành làm hồ sơ để xin phép thành lập Hội NCKH.
Để thành lập Hội NCKH Đột quỵ S.I.S TPCT thì bác Hiếu cùng các cộng sự đã tâm huyết chuẩn bị như thế nào?
Để thành lập Hội NCKH này với thời gian không quá dài nhưng cũng không ngắn. Chúng tôi xác định mục tiêu, vạch ra định hướng, kế hoạch, lợi ích mang lại cho cộng đồng. Hồ sơ pháp lý cũng hoàn chỉnh, cũng phải tập trung tài lực, nhân lực. Quan trọng phải chứng minh được Hội có khả năng làm theo định hướng và mục tiêu hội đề ra. Trải qua quá trình xem xét, UBND TP Cần Thơ đã phê chuẩn, chấp thuận cho Hội ra đời.
Được biết, bác Hiếu đang đảm nhận vai trò Phó Giám đốc điều hành Bệnh viện ĐKQT S.I.S Cần Thơ và hiện tại kiêm nhiệm thêm vị trí Chủ tịch Hội NCKH Đột quỵ S.I.S TPCT. Bác đã có những chuẩn bị như thế nào để làm tốt 2 vai trò này?
Tôi thấy vai trò điều hành Bệnh viện và Hội NCKH Đột quỵ S.I.S TPCT có nhiều điểm tương đồng và bổ trợ cho nhau. Về Bệnh viện, trong công tác về quản lý để điều hành hoạt động có một số công tác về đào tạo, NCKH, truyền thông cho cộng đồng. Những công tác này cũng nằm trong mục tiêu đề ra của Hội NCKH. Tôi nghĩ đảm nhiệm 2 vai trò này cũng không quá khó khăn vì cả hai đều bổ trợ cho nhau.
Trong bối cảnh hiện nay, Hội NCKH Đột quỵ S.I.S TPCT sẽ có đóng góp như thế nào đối với sự phát triển trong lĩnh vực nghiên cứu về đột quỵ ở địa phương nói riêng và của ngành y tế nói chung, thưa bác?
Hội NCKH thành lập với mục tiêu là nơi tập hợp y bác sĩ, những thành viên của hội có cùng chung định hướng để cùng học hỏi, tìm tòi, nghiên cứu và phát triển để đẩy mạnh dịch vụ y tế lên tầm cao mới.
Mục tiêu thứ hai là nghiên cứu ra sản phẩm mới, vật liệu mới, giảm giá thành để giúp ích cho bệnh nhân trong quá trình điều trị.
Thông qua Hội, chúng tôi sẽ hỗ trợ cho các thành viên phát huy tối đa năng lực chuyên môn, nghiên cứu sáng tạo, và hội nhập quốc tế. Đồng thời hỗ trợ tối đa để các thành viên thực hiện những đề tài nghiên cứu, tập huấn truyền thông, thống kê để tìm những mối liên quan của các bệnh lý đã xảy ra,… có ý nghĩa cho cộng đồng và có thể tham luận ở những diễn dàn khoa học trong nước, quốc tế.
Hội sẽ nỗ lực để góp phần thúc đẩy đưa y tế Việt Nam vươn ra quốc tế.
Hy vọng rằng những giá trị nghiên cứu thiết thực mà Hội mang lại sẽ giúp cộng đồng có được chất lượng y tế ngày càng tốt hơn.
Cảm ơn BS.CKII Phan Trịnh Minh Hiếu đã chia sẻ với chúng tôi!
Cẩm Lài, ảnh: Tuấn Anh, Hưng Nguyên, Đức Thịnh