Người trẻ lo ngại đột quỵ? Hãy xem mỗi ngày bạn đi bộ bao nhiêu!
TS.BS Trần Chí Cường đưa ra cách nhận diện cơn đau đầu cảnh báo đột quỵ ở người trẻ, đồng thời nhấn mạnh các bạn trẻ cần có chế độ ăn uống lành mạnh hơn, vận động nhiều hơn, dù bận rộn với công việc, học hành vẫn nên tận dụng cơ hội đi bộ mỗi ngày.
Sau tin tức những người nổi tiếng và người trẻ tuổi ra đi vì đột quỵ gần đây, giới trẻ bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến bệnh này. Các bạn sinh viên có chung nỗi lo: lịch học dày đặc, ăn uống thất thường, thức khuya, tắm đêm, không có thời gian thể dục… thì làm sao tránh được nguy cơ đột quỵ?
Buổi tọa đàm: “Đột quỵ gia tăng ở người trẻ – giải pháp nào để phòng ngừa?”, diễn ra tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (TPHCM) sáng 17/12/2020
Đáp lại câu hỏi này, TS.BS Trần Chí Cường, Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TPHCM, Giám đốc Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch S.I.S Cần Thơ đưa ra tình huống thực tế: “Hôm nay các bạn đến hội trường này bằng thang máy hay thang bộ? Các bạn đi đến trường bằng phương tiện gì: đi bộ, xe đạp, xe máy?”.
Thực tế cho thấy, giới trẻ ở nước ngoài vận động nhiều hơn Việt Nam, họ thường đi bộ hay đi xe đạp để đến trường, còn người Việt sử dụng xe máy quá nhiều, đây là một thói quen không tốt.
TS.BS Trần Chí Cường cho biết thêm, ăn trễ, ít vận động là yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ ở người trẻ. Ngoài ra, hút thuốc lá, uống rượu bia, đường huyết tăng, béo phì cũng góp phần gây đột quỵ.
Ngoài các yếu tố nguy cơ trên, một nguyên nhân quan trọng dẫn đến đột quỵ ở người trẻ là dị dạng mạch máu não, đây là điểm khác biệt so với nguyên nhân gây đột quỵ ở người cao tuổi – thường do xơ vữa động mạch.
Dị dạng mạch máu não thường được phát hiện ở độ tuổi dưới 18 tuổi, đây phần lớn là dị dạng bẩm sinh. Những trường hợp nên tầm soát đột quỵ dù nhỏ tuổi như: có những cơn mất ít thức thoáng qua, cơn động kinh ở những trẻ nhỏ, đau đầu kéo dài ở người trẻ (đau đầu này không liên quan đến áp lực học hành) mà đau đầu ở mọi lúc mọi người, đau đầu kèm dấu hiệu tê yếu tay chân… Nếu có những dấu hiệu này thì người trẻ nên đi đến bệnh viện kiểm tra chứ không được lơ là, chủ quan.
Khuyến khích vận động nhiều hơn, chỉ ra cách nhận diện cơn đau đầu do dị dạng mạch máu não là 2 điểm nhấn trong nội dung mà TS.BS Trần Chí Cường trao đổi với các bạn sinh viên trong buổi tọa đàm với chủ đề: “Đột quỵ gia tăng ở người trẻ – giải pháp nào để phòng ngừa?”, diễn ra tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (TPHCM) sáng 17/12.
Tại Việt Nam, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi đang có xu hướng tăng lên, trung bình khoảng 2% mỗi năm, trong đó số lượng nam giới cao gấp 4 lần nữ giới. Trước thực trạng này, Báo Tiền Phong phối hợp cùng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ tổ chức buổi tọa đàm này với sự tham gia của đại diện Bộ Y tế, các chuyên gia, bác sĩ, sinh viên… để kịp thời cung cấp những thông tin về nhận diện và phòng ngừa đột quỵ dành cho giới trẻ.
Tại buổi tọa đàm, TS.BS Trần Chí Cường cho biết: “Thống kê tại Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ cho thấy, đột quỵ ở người trẻ từ 40 tuổi trở xuống trong nam giới chiếm tới 80%. 100% là có hút thuốc lá hơn 1 gói 1 ngày, thường xuyên ăn nhậu!”.
Điều trị đột quỵ cần nhất là bệnh nhân đến trong thời gian vàng, qua giờ vàng sẽ để lại di chứng rất nặng nề. Để rút ngắn khoảng cách di chuyển của bệnh nhân, cần có thêm nhiều trung tâm cấp cứu – điều trị đột quỵ. TS.BS Trần Chí Cường cho biết bệnh viện S.I.S có 2 khóa đào tạo về đột quỵ: Thứ nhất là khóa 6 tháng cho các bác sĩ mới vào nghề. Còn bác sĩ can thiệp mạch thần kinh thì phải học thêm 1 năm nữa.
“Tôi hi vọng trong 10 năm tới, tất cả bệnh viện tuyến tỉnh sẽ có đơn vị điều trị đột quỵ cấp”, BS Cường nói. Tuy nhiên, TS.BS Trần Chí Cường lo lắng, kinh phí trang bị máy móc điều trị đột quỵ là vấn đề nan giải. Để điều trị đột quỵ cấp, cần có 3 loại máy móc là máy chụp CT, máy MRI, máy can thiệp mạch DSA với tổng giá trị 150 tỷ đồng.
Do đó, cái chúng ta cần làm hiện nay là phải phối hợp với nhau, tổ chức hội thảo, trao đổi thông tin để chuyển bệnh nhân đến đúng nơi điều trị tốt.
Cùng tham dự buổi tọa đàm còn có PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Phẫu thuật Lồng ngực và Tim mạch TPHCM, Chủ tịch Hội Tĩnh mạch học TPHCM, Giám đốc Bệnh viện Quốc tế Minh Anh; TS Nguyễn Văn Tuấn, Bộ môn Thần kinh học, khoa Y ĐH Nguyễn Tất Thành; BS.CK2 Huỳnh Thanh Ân, Viện Y dược học dân tộc TPHCM; BS.CK1 Lê Công Trí, Bệnh viện Quận Thủ Đức.
Các chuyên gia cùng nhau chia sẻ nhiều thông tin hữu ích về đột quỵ: nhận biết, tầm soát, phòng ngừa, công tác cấp cứu và điều trị, mạng lưới các bệnh viện có trung tâm đột quỵ…
Hồng Nhung – ảnh Viết Hưởng
Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi.com